Khi vợ chồng cãi vã, có những ông bố, bà mẹ trút giận lên đầu con cái khiến trẻ bị tổn thương và ngày càng xa lánh mẹ cha
Nghe tiếng chuông, chị Nga (Q.8-TPHCM) chạy vội ra mở cửa. Vừa ló mặt ra, nhân viên thu tiền nước liền cắc cớ: “Gửi giấy báo cả tuần rồi, sao không đóng tiền vậy?”. Chị Nga bảo: “Hai ngày trước, em mới đưa ông xã 400.000 đồng đóng rồi mà!”. Anh thu tiền lắc đầu: “Đóng thì có biên lai chứ”. Vừa lầm bầm, chị Nga vừa móc túi lấy tiền ra trả.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Bỗng dưng… bị đánh
Nghĩ chồng lấy tiền ăn nhậu hay đi với bồ nên chị Nga giận đỏ cả mặt. Chồng vừa về, chị liền nói: “Anh dối tôi lấy tiền nước làm gì?”. Biết tính vợ nóng nảy, giải thích lúc này chỉ như “đổ dầu vào lửa”, anh Lộc không nói gì, lại định xách xe đi khiến chị Nga càng tức tối. Vừa lúc đó, con trai mới học lớp 3 của chị đi học về. Nam chưa kịp chào thưa đã bị mẹ đẩy vai suýt chúi đầu vào tường và mắng: “Có miệng ăn mà không có miệng thưa gửi. Học cái thói khinh người, xấc láo từ đâu vậy?”.
Hành xử của mẹ khiến Nam sợ xanh mặt nhưng cậu bé nào biết rằng mọi chuyện là do mẹ giận ba. Anh Lộc vừa đỡ con vừa la vợ: “Cô đừng giận cá chém thớt!”. Chị Nga liền kéo tay con trai lôi vào nhà. Mặc thằng bé khóc lóc giãy giụa, chị cầm roi quất tới tấp. Xót cho con bị đánh oan, anh Lộc nhảy vào can… Riết rồi mỗi khi nghe cha mẹ lớn tiếng với nhau, Nam thường trốn trong phòng; có lần còn trốn sang nhà ngoại ở cả tuần để không bị mẹ đánh đòn.
Hồi bé, Nam thường quấn quýt bên mẹ nhưng nay rất ít khi chuyện trò với mẹ. Có hôm chị Nga cố bắt chuyện trước: “Con đi học vui không?” nhưng Nam chỉ cười cười rồi đi vào phòng. Thấy con lầm lì, ít nói hơn, chị Nga cũng không biết vì sao. Từ khi có gia sư đến dạy kèm, mỗi khi có cô giáo đến, Nam có vẻ vui và năng động hơn nên chị Nga rất ngạc nhiên. Một lần, chị nép ở cửa phòng và xót xa khi nghe Nam tâm sự với cô: “Chỉ có ba thương con. Mẹ ghét con lắm. Con không làm gì sai, mẹ cũng xách tai, xô đẩy, đánh đòn… ”. Từ khi hiểu vì sao con luôn tìm cách tránh né mẹ, chị Nga đã cố gắng tự kiềm chế cảm xúc, luôn để ý đến ứng xử và hành động của mình.
Tự nhiên bị bỏ đói!
“Giận cá chém thớt” thường do không kiềm chế được cảm xúc trong cơn giận dữ. Thế mà có người còn xem đó là biện pháp để chồng/vợ cảm thấy hối hận. Vốn nấu ăn ngon nên anh Hùng (Q.Bình Tân-TPHCM) đảm nhận chuyện cơm nước trong nhà; chị Lan, vợ anh, chỉ phải lo chuyện hàng họ may gia công. Khi không có hàng, chị thường tụ tập biên đề. Không ít lần anh Hùng đã buồn bực ở chỗ làm, khi về nhà lại phải nghe vợ than thua cả triệu đồng tiền ghi đề. Bực quá, anh quát nạt, sỉ vả vợ nên… không ít lần chị Lan cuốn gói về nhà ngoại và tuyên bố: “Đừng có năn nỉ con này về”.
Vợ ngang bướng mà chưa có kế sách trị, anh Hùng bèn… cho con nhịn đói để thức tỉnh mẹ. Cũng đau lòng khi hai con mếu máo vì đói bụng nhưng anh kiên quyết không cho ăn và gọi điện thoại để cho vợ nghe con rên rỉ. Anh bảo: “Cô không về, sau này đừng hối hận. Mẹ đề đóm, cho con đói luôn”. Khi ấy, chị Lan mới vội vã về nhà và thấy… hai con đang nằm lả trên giường.
Sau những lần chết lả ấy, các con không muốn gần cha. Đến bữa cơm, các con chỉ cắm cúi ăn; khi mẹ ra khỏi nhà hơi lâu là chúng lại sợ bị bỏ đói. Cuối tuần, anh Hùng thường nấu những món ngon cho cả nhà nhưng không khí bữa ăn gia đình vẫn không chỉ thiếu tiếng cười con trẻ mà luôn tĩnh lặng! Chị Lan hỏi mãi mới được tâm sự: “Ghét ba lắm. Ba cứ để tụi con đói lả”. Anh Hùng nghe được đau lòng lắm. Anh ân hận vì đã khiến con có suy nghĩ đó và luôn ám ảnh nỗi sợ hãi đói khát.
Sẽ tác hại đến nhân cách con trẻ Trong bất kỳ mối quan hệ nào, cần kiểm soát bản thân thật tốt, để không “giận cá chém thớt” và tránh những tác hại đáng tiếc, nhiều khi rất khó sửa đổi. Đặc biệt trẻ nhỏ, cư xử kiểu này không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi mà còn ảnh hưởng đến nhân cách. Trẻ không chỉ bị tổn thương, xa lánh “đối tượng” mà còn có thể sẽ “giận cá chém thớt” với người khác cho hả sự đè nén của mình và lâu ngày hình thành thói “xổ” bực tức vào những người yếu thế hơn… Một cách hữu ích để giúp không “giận cá chém thớt” là luôn nhớ và thực hành theo câu: Điều gì mình không muốn thì đừng làm điều ấy với người khác. Thanh Mai (Công ty Tư vấn A.V.S) |
Nguyệt My
NLĐ online
0 nhận xét