Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM (SJA), cho biết từ tháng 4-2011 đến nay, trên thị trường TPHCM xuất hiện loại vàng nguyên liệu (99,99) pha hợp chất lạ gây hoang mang cho cả người mua lẫn doanh nghiệp gia công, sản xuất nữ trang. Đây là thông tin được nêu ra trong hội thảo về vàng nguyên liệu pha tạp chất và giải pháp phòng tránh do SJA phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 8-7.
Xuất hiện nhiều nơi
Theo ông Dưng, ngay cả máy đo tuổi vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X (thiết bị phân kim hiện đại ở thị trường Việt Nam hiện nay) cũng không phát hiện ra “chất lạ” này. Người trong giới kim hoàn gọi loại vàng dính tạp chất này là vàng bẩn. Không chỉ các đơn vị sản xuất kinh doanh vàng ở TPHCM mà tại nhiều tỉnh, thành khác ở miền Tây như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… cũng mua phải vàng bẩn. “Loại vàng bẩn này gây thiệt hại rất lớn khi không thể chế tác, sản xuất thành sản phẩm, ảnh hưởng dây chuyền từ doanh nghiệp kinh doanh đến doanh nghiệp sản xuất, thợ kim hoàn” – ông Dưng lo ngại.
Giữa tháng 4-2011, anh Đức Bảo Ngọc, một thợ kim hoàn lâu năm tại TPHCM, cùng vài người bạn đã mua phải 10 lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường nghi có tạp chất. Sau khi phân kim “hai nước” bằng cách nung nóng chảy số vàng này, anh Ngọc thấy nhiều tạp chất bẩn màu xám đen. “Tổng cộng 10 lượng vàng nguyên liệu khi phân kim ra chỉ còn lại 8 lượng, 2 lượng còn lại là tạp chất, coi như lỗ nặng” – anh Ngọc nói.
Một số mẫu vàng bẩn được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Thái Dương
Theo các nghệ nhân, vàng bẩn không thể chế tác vàng trang sức 18K như mề đay, nhẫn… bởi sản phẩm không có độ kết dính, dễ bị gãy, rỗ bề mặt. Nếu làm nữ trang đơn giản như nhẫn trơn 24K thì vàng bẩn vẫn có thể làm được. Đưa chúng tôi xem những thanh vàng, nhẫn vàng được làm từ vàng bẩn, ông Trần Hải, Trưởng Ban Khoa học Kỹ thuật SJA, cho hay có sản phẩm chỉ cần nhìn bằng mắt thường là thấy vết rỗ nhưng cũng có loại phải soi dưới kính lúp mới thấy bề mặt lỗ chỗ...
Nhiều nghi vấn về nguồn gốc
Theo ông Nguyễn Sinh Thành, Giám đốc xưởng nữ trang Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), vàng bẩn hiện có hai loại. Một là vàng giả có lõi đặc là khối wolfram đặc hoặc chất liệu nào đó rồi được bọc lớp vàng nguyên chất bên ngoài. Hai là vàng giả có lõi trộn với các loại bột như wolfram, osiminum, iridium,… riêng lẻ hoặc thành phần rồi được bọc lớp vàng nguyên chất bên ngoài. “Vàng giả lõi đặc rất dễ bị phát hiện qua cán, cắt, thử lửa trực tiếp… nên chúng ít xuất hiện ở thị trường trong nước. Riêng vàng giả lõi trộn bột tạp chất thì ngay cả các máy đo tuổi vàng hiện đại cũng bị qua mặt” – ông Thành cho biết.
Dẫn chứng điều này, SJA cho biết đầu tháng 7-2011, hội mang một mẫu vàng nguyên liệu 99% đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3), nơi có máy móc thiết bị hiện đại để phân tích. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm của Quatest 3 không phát hiện bất cứ tạp chất nào.
Về nguồn gốc của vàng bẩn, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng có khả năng xuất phát từ Trung Quốc qua đường nhập lậu. Hiện nay, đa phần vàng nguyên liệu dùng để sản xuất, chế tác vàng trang sức của các doanh nghiệp là hàng trôi nổi trên thị trường tự do. Theo một nghệ nhân kim hoàn, đầu năm 2011, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới cả triệu đồng mỗi lượng, không ít vàng nguyên liệu đã được nhập lậu vào Việt Nam.
Còn theo ông Trần Hải, nhiều khả năng một số cá nhân đã nhập lậu các bột tạp chất nói trên rồi trộn vào vàng trong quá trình sản xuất… “Cũng có thể một số người đã lấy các bột này sau khi phân kim vàng bẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi… pha vào vàng để tiếp tục gian lận” – ông Đậu Quang Bích, Công ty Công nghệ D.C, nêu ý kiến.
Một nghệ nhân kim hoàn khác cho rằng vàng bẩn đã xuất hiện từ nhiều năm nay. “Lúc đó, vàng nguyên liệu chỉ độn tạp chất với tỉ lệ rất nhỏ khiến các phương pháp thử vàng, kiểm tra tỉ trọng… không tìm ra. Đến nay, vì tham lợi nhuận, một số người trộn tạp chất vào vàng với tỉ lệ lên tới 20%, 30% nên các máy đo tuổi vàng mới phát hiện” – vị này nói.
Không thử thì không nên mua Hiện có nhiều phương pháp thẻ vàng với máy móc hiện đại nhưng giá máy lên tới vài chục ngàn USD. Trong khi đó, phương pháp truyền thống đơn giản và hiệu quả là thử với lửa, đun nóng chảy vàng được đánh giá cao. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ phá mẫu vàng và người bán khó lòng chấp nhận. Ông Phạm Văn Tám, Trưởng đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tại TPHCM, nhìn nhận: “Tốt nhất là thỏa thuận với người bán đồng ý cho nấu vàng lên để thử nếu nghi ngờ. Vàng không thử thì không nên mua!”. |
Thái Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét