Kỹ thuật, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam được đánh giá cao, chi phí lại rẻ hơn và đặc biệt nguồn tạng ở người chết não rất lớn nhưng nhiều nghịch lý đã tước cơ may được sống của người cần ghép tạng
Rất nhiều người bệnh đang phải bỏ tiền tỉ tìm đường ra nước ngoài ghép tạng nhưng đó cũng là một lối thoát… rất hẹp với họ. Ghép tạng ở nước ngoài đặt họ trước nhiều rủi ro và trên thực tế nhiều người phải chấp nhận “tiền mất tật mang”.
Cái giá của sự tái sinh
Vào các chiều thứ ba, năm, bảy hằng tuần là thời gian tái khám của những bệnh nhân đã được ghép thận và có chỉ định ghép thận tại Khoa Thận - Lọc máu Bệnh viện (BV) Việt Đức. Chỉ cần nhìn nét mặt và ánh mắt của người bệnh là có thể đoán được họ đã được ghép thận hay chưa.
Một ca ghép tạng đang được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: DUNG DUY
Anh Quang là công chức Nhà nước, đang có một công việc rất tốt ở Hà Nội và một gia đình hạnh phúc. Cách đây hơn một năm, anh phát hiện mắc bệnh suy thận mãn tính. Ngay lập tức, anh đăng ký xin ghép thận vì biết đó là con đường duy nhất giúp anh tìm lại cuộc sống như trước. Sau 8 tháng chờ đợi, anh đã được ghép thận từ một bệnh nhân chết não. Anh Quang cho biết: “Trước đây, mỗi tuần phải 3 lần chạy thận, dù tâm lý rất vững nhưng tôi cũng không tránh khỏi cảm giác chán nản. Sau khi được ghép thận tôi cảm thấy cuộc sống của mình đã được cải thiện rất nhiều”. Dù chi phí thuốc men chống thải ghép và các loại thuốc khác lên đến cả chục triệu đồng mỗi tháng nhưng các bệnh nhân được ghép thận như anh Quang vẫn chấp nhận. Với họ, tìm được nẻo về với cuộc sống là ân huệ lớn nhất của cuộc đời.
Tất nhiên, chi phí sau ghép thận hay bất cứ ghép loại tạng gì đi nữa cũng là một rào cản lớn với những bệnh nhân nghèo nhưng theo TS Hà Phan Hải An, Trưởng Khoa Thận - Lọc máu, chi phí ghép thận ở Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều so với nước ngoài, nguồn cho thận lại an toàn hơn và được bảo đảm về mặt pháp lý.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, hiện nay nhu cầu ghép gan, thận, tim của người bệnh ở các nước phát triển là rất lớn và chi phí cũng rất cao. Trong khi đó người bệnh ở Việt Nam được hưởng mức giá điều trị thấp hơn nhiều. Nếu một ca ghép gan ở nước ngoài tốn khoảng 120.000 -130.000 USD thì ở Việt Nam, mức phí này chỉ khoảng 45.000 USD. Một ca ghép thận ở nước ngoài “ngốn” của người bệnh 40.000 USD, còn ở Việt Nam chỉ khoảng 10.000 USD. Rõ ràng cái giá để người bệnh hiểm nghèo được tái sinh không rẻ nhưng họ có thể vững tin bởi kỹ thuật ghép tạng của các BV ở Hà Nội, Huế, TPHCM được đánh giá tương đương với các nước phát triển.
Rủi ro khó lường
Ngồi bên hành lang Khoa Thận BV Việt Đức là một phụ nữ dáng vẻ khắc khổ, ánh mắt buồn rười rượi. Hỏi ra mới hay gia đình chị quê ở Bắc Giang, chồng chị đang phải chạy thận hơn một năm nay. “Hôm nay, tôi tới gặp bác sĩ để hỏi chuyện ghép thận cho chồng tôi. Gia đình không dư dả nhưng tôi đã bàn với chồng bán bớt mảnh đất ở quê để có tiền chạy chữa”- chị kể.
Ông Đức (Hà Nội), cha của một bệnh nhân ghép thận, trong khi chờ lấy kết quả cho con mình cũng chia sẻ với chúng tôi câu chuyện buồn của mình: “Con tôi được ghép thận ở Singapore cách đây hơn một năm. Do nó đi du học ở Singapore nên đã đăng ký ghép thận luôn ở bên đó. Chi phí tất nhiên là cao hơn nhiều lần so với trong nước nhưng được cái không phải chờ đợi. Bây giờ con tôi đã học xong và về nước nên hằng tháng vẫn phải đến đây theo dõi bệnh tình”.
Chị Tâm (quê Hải Phòng) nằm trong số những bệnh nhân không may mắn sau khi được ghép thận. Từ năm 2001, chị đã sang Trung Quốc để ghép quả thận đầu tiên nhưng sau đó khi về Việt Nam, chị phát hiện quả thận mới cũng “không làm việc”. Lại thêm một lần sang Trung Quốc để ghép lại nhưng lần này cũng không may mắn hơn khi quả thận thứ hai được ghép vào cơ thể chị cũng đã bị “hư”. Vậy là sau 2 lần ghép nhưng hiện giờ người phụ nữ 45 tuổi này vẫn phải chạy thận 3 lần/tuần. Với nhiều người bệnh, khát khao lớn nhất của họ sau khi ghép thận là được trở lại cuộc sống như trước nhưng không phải ai cũng có may mắn đó.
Theo TS Hà Phan Hải An, có khá nhiều rủi ro khi ra nước ngoài ghép thận. “Không chỉ là chi phí lớn, nguồn thận ghép chưa chắc đã an toàn, thậm chí là không “sạch” về mặt pháp lý. Như chúng ta đã biết vấn đề buôn bán nội tạng ở Trung Quốc là rất phổ biến nên rủi ro là không nhỏ. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại tiếp nhận những bệnh nhân ra nước ngoài ghép thận nhưng bị nhiễm trùng phải phẫu thuật lại”- TS An nói.
Nhưng để chờ được ghép thận ở trong nước thì lại là một hành trình quá gian nan. “Vận động người sống cho thận là rất khó khăn khi chính những người nhà của bệnh nhân cũng không muốn cho. Có một vài trường hợp thì lại rất đáng thương như tôi đã từng gặp. Một bác đã hơn 70 tuổi đến đây cầu xin chúng tôi cứ lấy cả hai quả thận của bác ấy cho đứa con bị suy thận vì “tôi già rồi tôi không cần sống nữa” nhưng ở tuổi của bác ấy thì việc cho thận không có ý nghĩa”- TS An cho biết.
Chỉ 2% bệnh nhân suy thận được ghép Số liệu bệnh nhân suy thận có thể được ước lượng dựa trên các đơn vị lọc máu trên toàn quốc, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu ghép các loại tạng như tim, gan, phổi… thì gần như không ai nắm. Hiện nay cũng chưa có cơ quan nào thống kê nhu cầu ghép tạng của bệnh nhân hoặc xây dựng dữ liệu về ngân hàng ghép tạng. Ở Việt Nam, hiện có thêm khoảng 8.000-9.000 bệnh nhân suy thận mới. Trong số này chỉ có 2% là được ghép. Trong khi đó, theo TS An, nếu 4-5 ca chết não mỗi ngày ở BV Việt Đức mà đều cho tạng thì chưa đầy một năm sẽ giải quyết được hết số bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng đang điều trị tại BV Việt Đức. |
Ngọc Dung – Mạnh Duy
NLĐ
0 nhận xét