Ngày hôm qua 12-7, tại TPHCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN-NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo phục vụ thẩm tra Luật Quảng cáo (ảnh).
Vấn đề nóng
Các tham luận, trao đổi nhắc nhiều đến quảng cáo trên truyền hình, vì đây là lĩnh vực thu hút nhiều đơn vị quảng cáo và có nguồn thu rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, quảng cáo trên truyền hình đã để xảy ra nhiều vi phạm: quảng cáo quá tần suất, thời lượng cho phép trong một chương trình; quá tính năng tác dụng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây hiểu nhầm cho người xem; quảng cáo sai sự thật; thông tin quảng cáo có nội dung phản cảm; sản phẩm nhạy cảm phát sóng không “đúng lúc”, “đúng chỗ”…
Vấn đề được các đại biểu đưa ra, chính là việc quy định thời lượng quảng cáo thế nào cho phù hợp. Những quy định trong dự thảo Luật Quảng cáo dành cho báo nói, báo hình vẫn còn những điều chưa phù hợp với thực tế hiện nay mà theo ông Phạm Bá Dương, Trưởng phòng Quảng cáo Đài PT-TH Hà Nội: “Tuyệt đối hóa các con số về tỷ lệ thời lượng được phép quảng cáo trên dự thảo luật chưa thực sự có cơ sở khoa học và thực tiễn, còn mang nặng yếu tố chủ quan, cảm tính”.
Ông Đào Văn Kính, Giám đốc điều hành Công ty Quảng cáo Đất Việt lại cho rằng: “Kinh phí sản xuất cho một bộ phim Việt Nam là rất lớn, nếu khống chế thời lượng quảng cáo, nhà sản xuất không thể thu hồi vốn, dẫn đến việc sẽ không còn ai tham gia tái sản xuất phim”.
Các quy định về pano quảng cáo ngoài trời cũng được các đại biểu rất quan tâm. Thời gian qua, tình trạng các pano, áp phích, băng rôn quảng cáo không phép, hết phép, sắp đặt lộn xộn, lô nhô, chồng chéo… đã tạo nhiều bức xúc cho không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà còn mất đi vẻ mỹ quan của đô thị.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo luật cũng cần phải nêu rõ về quy cách, kích cỡ, thời gian, địa điểm được (hoặc không được) treo pano quảng cáo; quy hoạch rõ ràng về việc quảng cáo ngoài trời. Đặc biệt, còn có ý kiến cho rằng nên bỏ giấy phép quảng cáo ngoài trời.
Quản lý còn bất cập
PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN-NĐ của Quốc hội cho rằng: “Nội dung quảng cáo hiện nay được quy định ở nhiều văn bản pháp luật nên có sự chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho sự tiếp cận của công chúng cũng như tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quảng cáo”.
Theo ông Phạm Bá Dương, Trưởng phòng Quảng cáo Đài PT-TH Hà Nội: “Việc quản lý nhà nước về quảng cáo có nhiều bất cập, các cơ quan báo chí và doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép của các văn bản luật hoặc dưới luật từ nhiều bộ khác nhau như: Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT, Bộ Công thương, Bộ Y tế… rồi các văn bản liên bộ… đã làm cho việc chấp hành các quy định về quảng cáo gặp nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cũng khẳng định: “Có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quảng cáo”. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh quảng cáo năm 2002 là đáp ứng đúng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cũng là nhằm tạo hành lang pháp lý cao hơn cho hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong dự thảo Luật Quảng cáo cũng còn nhiều quy định chung chung, chưa được cụ thể.
Trên thực tế hiện nay, Bộ TT-TT quản lý gần như tất cả các lĩnh vực quảng cáo, Bộ VH-TT-DL chỉ quản lý quảng cáo trên pano, bảng, biển công cộng. Nhưng theo Bộ Công thương, vì quảng cáo chủ yếu mang tính chất thương mại, vì vậy Bộ Công thương cũng không thể “nằm” ngoài cuộc và trong Luật Thương mại trước đây cũng có tới 15 điều quy định về hoạt động quảng cáo.
Dự thảo Luật Quảng cáo do Bộ VH-TT-DL soạn thảo, nhưng những ý kiến đóng góp bằng văn bản của Bộ TT-TT và Bộ Công thương đều không được Bộ VH-TT-DL tiếp thu, phản hồi. Tiến sĩ Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý PT-TH và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT cho rằng: “Về tổ chức bộ máy: Cần thống nhất lại một đầu mối quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo đảm sự đồng bộ giữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện”.
Hội nghị đã tiếp nhận gần 20 tham luận góp ý cho dự thảo Luật Quảng cáo. Theo đánh giá của GS-VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN-NĐ của Quốc hội: “Những ý kiến đóng góp trong quá trình góp ý cho dự thảo luật sẽ được tiếp thu, nghiên cứu. Đây là những ý kiến của những đối tượng trong dự án luật này nên là một kênh thông tin mới so với kênh thông tin mà Ban soạn thảo (Bộ VH-TT-DL) đã có. Có nhiều ý kiến rất sâu sắc, bổ ích và mới. Tôi thấy rằng, tiếp thu ý kiến ở các kênh thông tin khác nhau, nhất là ý kiến của những đối tượng chịu sự điều chỉnh của bộ luật, là để đảm bảo quyền lợi của người dân và của đơn vị”.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2011) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6-2012). Để ra được bộ luật mới về quảng cáo, còn cần nhiều thời gian rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện.
Như Hoa
Theo SGGPO
0 nhận xét