Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an để có biện pháp ngăn ngừa loại hình dịch vụ "vừa du lịch vừa kiếm tiền"
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Đồng Tháp… có một số cá nhân, tổ chức sử dụng mạng internet lôi kéo nhiều người đóng tiền để hưởng hoa hồng với hình thức tham gia làm hội viên CLB vừa du lịch vừa kiếm tiền. Đây là hình thức huy động vốn không có lãi suất, được thực hiện thông qua nhiều hình thức thưởng tiền, hoa hồng cao… nhằm dụ dỗ lôi kéo nhiều người tham gia. Qua nắm bắt thông tin, các cơ quan chức năng cho biết hoạt động này có thể gây nhiều rủi ro cho người tham gia.
Cảnh báo phòng ngừa
Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (đơn vị đã có phản ánh tình trạng này lên NH Nhà nước) phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm, lợi dụng mạng internet lôi kéo người dân tham gia góp tiền một cách bất hợp pháp. NH Nhà nước cũng thông báo đến các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành NH biết để chủ động phòng ngừa.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Năm 2010, loại hình “vừa du lịch vừa kiếm tiền” được một công ty có trụ sở tại Mỹ, kinh doanh thông qua mạng internet giới thiệu tại Hà Nội. Người tham gia loại hình sẽ đặt tiền phòng tại các khách sạn được cho là sang trọng nhất trong và ngoài nước, được đơn vị tổ chức cấp tài khoản trên trang web với những cái tên “ảo” để theo dõi vị trí xếp hạng của mình và nhận tiền thưởng.
Gần đây, tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác cũng xuất hiện một số công ty tung chiêu, dụ dỗ người dân đóng tiền tham gia gói dịch vụ du lịch (không đi du lịch), rồi giới thiệu thêm nhiều người khác để được thưởng hàng ngàn USD.
Luật sư Nguyễn Nhật Long, Trưởng Ban Pháp chế NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng DN thưởng tiền cho người tham gia dịch vụ du lịch bằng USD là vi phạm pháp luật. Nếu DN bán sản phẩm du lịch nhưng không tổ chức cho khách hàng đi du lịch thì đó là hoạt động có dấu hiệu lừa đảo…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Minh Tú, Chánh Văn phòng NH Nhà nước Việt Nam, cho biết: “NH Nhà nước sẽ tìm hiểu thêm về hiện tượng này và sẽ phối hợp với Bộ Công an để có biện pháp ngăn ngừa”...
Sẽ hỗ trợ người tiêu dùng khiếu kiện
Cũng xung quanh hiện tượng kinh doanh này, Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cho biết đang theo dõi để nắm thêm tình hình. Trường hợp nhận được phản ánh của người tiêu dùng hoặc cơ quan báo chí, hội sẽ đề nghị chính quyền địa phương điều tra, làm rõ. Nếu có cơ sở chắc chắn khẳng định đó là hành vi lừa đảo chiếm dụng vốn, hội có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện.
Trở lại vụ việc Công ty TVIExpress (đơn vị được đề cập trong bài “Mất tiền vì du lịch kiểu đa cấp” trên Báo Người Lao Động số ra ngày 7-7-2011), bà Phan Thị Việt Thu, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết: Hiện công ty này đã “biến mất” cả ở Hà Nội và TPHCM. Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn người khiếu nại (chị Hoàng Oanh) kiện ra tòa nhưng thực tế công ty này đã “cao chạy xa bay” nên việc khiếu kiện gặp nhiều khó khăn. Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cũng đã có văn bản gửi UBND TPHCM và một vài cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn thông báo về trường hợp này, nhờ chính quyền can thiệp.
Pháp luật chỉ cho phép các NH, tổ chức tín dụng huy động tiền gửi từ dân cư. Ngay cả DN huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu cũng phải tuân thủ các quy định của Luật DN. Do đó, một tổ chức không có chức năng huy động vốn nhưng nhận tiền của người dân dưới hình thức bán gói dịch vụ du lịch (thực tế DN không kinh doanh dịch vụ du lịch) rồi chi trả thưởng, hoa hồng là vi phạm pháp luật. Ông Đào Minh Tú (Chánh Văn phòng NH Nhà nước Việt Nam) |
Thy Thơ - Thanh Nhân
Theo NLĐ online
0 nhận xét