Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, tháng 8 năm nay, tình hình lạm phát sẽ "nguội" hơn, bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn tới CPI đã hạ nhiệt. Áp lực về điều chỉnh tỷ giá đã hết, giá các nguyên nhiên liệu đầu vào như than, xăng, dầu, điện đã đi vào ổn định chứ không còn nguy cơ tăng nữa, thậm chí giá xăng dầu còn có thể giảm trong ngắn hạn. Việc điều chỉnh tăng lương đã được thực hiện vài tháng nay, nên việc tăng lương đã không còn tác động tới giá cả.
“Nếu như giá các nhóm hàng khác vẫn giữ nguyên trong tháng 8, chỉ tính về thay đổi của giá cả nhóm hàng thực phẩm, thì tôi nghĩ tốc độ tăng CPI tháng 8 sẽ giảm so với tốc độ tăng tháng 7, bởi tháng 8, nguồn cung thực phẩm sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn là cao điểm của thực phẩm thế giới, giá thực phẩm thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng do hiện tượng mất mùa ở nhiều nước đang khá trầm trọng, nên giá cả nhóm hàng này trong nước cũng khó mà giảm mạnh. Tôi dự đoán, tốc độ tăng CPI tháng 8 tại Hà Nội chỉ ở mức từ 0,9 đến 1,1%, còn CPI cả nước tháng tới sẽ quanh mức 0,8 đến 0,9%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng CPI của tháng 7”, tiến sĩ Phong nói.
CPI tháng 8 được dự đoán giảm so với tốc độ tăng tháng 7. |
Tuy nhiên, để đạt được con số này, một điều quan trọng là các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu quan điểm, dù đồng ý với nhận định của ông Nguyễn Minh Phong. “Điều cần đặc biệt lưu tâm là hiện nay, các loại nông, thủy sản của Việt Nam đang bị thương lái Trung Quốc gom hàng và đẩy giá lên rất cao. Điều này không những khiến nguồn cung nông thủy sản trong nước khan hiếm, mà còn kéo giá bán cho người tiêu dùng trong nước lên cao”. Theo ông Thành, thông thường, từ quý 2 trở đi, lạm phát tính theo tháng sẽ giảm dần, nếu không có cú sốc nào về giá cả như giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng, điện than trong nước nâng giá. Vì vậy, có nhiều khả năng tốc độ tăng CPI tháng 8 sẽ giảm đáng kể so với tháng 7, song so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 8 năm ngoái, thì CPI tháng tới vẫn cao hơn. Đấy là chưa nói khả năng vàng tăng giá cũng tác động không nhỏ tới lạm phát tháng 8.
Đa số các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, CPI trong tháng 8 sẽ giảm so với 7 tháng đầu năm. Giá dầu thô đã sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây và hiện ở quanh mức trên dưới 90 USD một thùng là yếu tố quan trọng khiến các nhà kinh tế kỳ vọng vào đà giảm của lạm phát ở các tháng cuối năm.
Đối với kinh tế trong nước, với chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, tính đến ngày 10/6, tăng trưởng tín dụng trong năm chỉ đạt 7,05%, trong khi mục tiêu cả năm là 20%. Tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,33% (mục tiêu cả năm là 16%). Như vậy, có thể thấy đây là mức khá thấp so với những năm trước đó, và với việc tăng trưởng cung tiền đã chậm lại sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc giảm lạm phát.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, mục tiêu kiềm lạm phát cả năm 2011 ở mức 17% như Chính phủ đề ra ở phiên họp thường kỳ hồi cuối tháng 6 rất khó thành hiện thực. Lạm phát 7 tháng đầu năm đã ở mức 14,46%, để đạt mục tiêu, lạm phát 5 tháng còn lại chỉ được ở mức 2,54%, trung bình mỗi tháng chỉ 0,5% thì khá khó khăn. Trước đó, Chính phủ đã hai lần điều chỉnh mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011. Lần đầu là dự báo lạm phát cả năm chỉ 7%, sau đó được điều chỉnh lên 15% vào hồi tháng 5. Và lần mới đây khi thấy lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 13,29%, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm từ 15% lên 17%.
Theo Đất Việt
0 nhận xét