Trong khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland vẫn chưa thể cải thiện tình hình khủng hoảng nợ công sau các khoản vay của IMF và quỹ của các nước EU, giờ đây EU lại phải sốt vó với khoản nợ công khổng lồ tại Ý.
ảnh minh họa : Internet |
Điều đáng nói là nền kinh tế Ý lớn thứ ba trong khu vực đồng EUR nên khi nước này gặp khủng hoảng, vấn đề sẽ trầm trọng hơn. Theo các nhà kinh tế EU, tổng số nợ công của Ý là 1.600 tỷ EUR (chiếm 120% GDP nước này) so với con số 330 tỷ EUR của Hy Lạp, 168 tỷ EUR của Ireland và 142 tỷ EUR của Bồ Đào Nha. Vì vậy, bất kỳ khoản vay nợ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm số nợ này. Mặt khác, nếu các nước châu Âu phải cho Ý vay thì Đức và Pháp mỗi nước phải trích ra số tiền tương đương 10% GDP của mỗi nước.
Chính vì vậy, biện pháp khả dĩ nhất hiện nay mà các quan chức EU phải làm là buộc Chính phủ Ý nhanh chóng áp dụng các chính sách kinh tế khắc khổ trước khi nó trở nên quá muộn. Bộ trưởng Tài chính Ý Giulio Tremonti đề nghị cắt giảm 48 tỷ EUR ngân sách trong vòng 3 năm và đưa thâm hụt ngân sách về mức 0% vào năm 2014 so với mức 3,9% GDP hiện nay. Những biện pháp như vậy đã từng dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình và đình công tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha. Nếu như nợ công chồng chất thì tăng trưởng GDP của Ý thấp (0,2% trong giai đoạn 2000-2010) càng làm cho tình hình thêm khó khăn. Chính phủ Ý cũng đã tổ chức bán đấu giá trái phiếu thành nhiều đợt. Đợt đầu thu về 6,7 tỷ EUR. Kết quả này phần nào làm giảm bớt lo ngại về khả năng vỡ nợ của Ý. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế. Một khi trái phiếu đến hạn thanh toán mà kinh tế Ý chưa có lối ra sẽ làm cho khoản nợ công thêm trầm trọng.
Các bộ trưởng tài chính EU hiện nay như ngồi trên đống lửa. Họ chưa kịp đưa ra quyết định về những khoản vay kế tiếp cho Hy Lạp thì phải lo ngăn chặn khủng hoảng nợ mới tại Ý. Cuộc họp của các quan chức tài chính và tiền tệ của EU dự kiến diễn ra hôm nay (15-7) đã buộc phải hoãn sang tuần tới vì các bên chưa tìm ra được tiếng nói chung để cứu con tàu EU thoát khỏi làn sóng nợ công. Vấn đề là các nước thành viên vẫn không thống nhất với nhau chuyện mua lại trái phiếu theo giá thị trường của các nước khủng hoảng nợ. Đức cho rằng việc mua lại trái phiếu của các con nợ sẽ đẩy nền kinh tế của họ tới mức nguy hiểm. Chính vì lý do này mà khoản vay kế tiếp 84,3 tỷ EUR cho Hy Lạp vẫn chưa được thống nhất.
Lúc này, lại nổi lên tranh cãi về vai trò của Ngân hàng Trung ương EU (ECB). Nhiều nhà hoạch định chính sách mong muốn ECB phải trao lại quyền giải quyết nợ công sang cho trụ sở EU ở Brussels vì vấn đề hiện nay đã vượt quá tầm của ECB. Thống đốc ECB nhiệm kỳ tới, ông Mario Draghi, thúc giục các nhà lãnh đạo EU nên vượt qua bất đồng, sớm có những chính sách kịp thời nhằm ngăn chặn làn sóng nợ công. “Chúng ta cần chắc chắn rằng các cuộc khủng hoảng nợ công phải được kiềm chế thông qua những mục tiêu chính trị rõ ràng, các phương tiện và nguồn lực của EU”. Theo chuyên gia kinh tế Gary Jenkins tại Công ty Chứng khoán Evolution: “Liên minh tiền tệ của EU có vẻ như đang tiến đến hồi kết vì khủng hoảng nợ công lan từ nước này sang nước khác”.
Thụy Vũ
SGGP
0 nhận xét