Các chuyên gia cho rằng dù còn một vài yếu tố cần cân nhắc, cổ phiếu ngân hàng vẫn có sức hút riêng
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã bắt đầu hé lộ. Không ít ngành gặp nhiều khó khăn nhưng riêng nhóm ngân hàng (NH) vẫn lãi lớn, thậm chí vượt kế hoạch. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhóm cổ phiếu “vua” một thời bị “thất sủng” nay đã được nhà đầu tư chú ý trở lại.
Giá giảm nhẹ là mua ngay
Dù thị trường chứng khoán đã suy giảm kéo dài, nhiều cổ phiếu đã mất 50%-70% giá nhưng nhóm cổ phiếu NH cơ bản vẫn giữ được mức ổn định khá lâu.
Cổ phiếu EIB của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam trong suốt một thời gian dài từ đầu năm đến nay vẫn giữ ở mức 14.600 - 15.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu CTG của NH Công Thương hiện đang ở mức 26.700 đồng/cổ phiếu (phiên 20-7) so với thời điểm này của năm 2010 vẫn không giảm, thậm chí còn tăng khoảng 15% so với đầu năm.
Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam dù đã chốt danh sách chia cổ tức 12% nhưng vẫn đang được nhà đầu tư “gom” vào ở mức giá cao. Cổ phiếu STB của NH TMCP Sài Gòn Thương Tín cũng đang được chú ý. Sau khi có thông tin một nhóm cổ đông lớn có ý định “thâu tóm”, cổ phiếu này đã có nhiều phiên đi ngược thị trường tăng điểm dần (tăng từ 12.000 đồng lên 13.900 đồng/cổ phiếu (phiên 20-7)…
Trong nhóm cổ phiếu “vua” có cổ phiếu ACB của NH TMCP Á Châu hơn 30 phiên nằm ở mức 20.800 – 21.000 đồng/cổ phiếu...
6 tháng đầu năm 2011, các ngân hàng lãi khá nên cổ phiếu ngân hàng được chú ý hơn trước. Ảnh: HỒNG THÚY
“Dường như một số nhà đầu tư đang sẵn sàng “hứng” cổ phiếu NH ở một mức giá hiện nay nên chỉ cần giá giảm nhẹ là họ gom ngay”- ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán SJC, nhận xét…
“Nếu giá cổ phiếu NH chỉ cao hơn mệnh giá một ít nhưng được chi trả cổ tức 10%-15%/năm thì đầu tư cổ phiếu này vẫn hấp dẫn hơn gửi tiền vào NH để hưởng lãi suất 15%/năm vì cổ phiếu còn có cơ hội tăng giá nếu nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục”. Ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM |
Chưa thể bứt phá
Tuy đã có những khởi sắc như vậy nhưng vì sao nhóm cổ phiếu NH vẫn chưa thể bứt phá?
Giám đốc kinh doanh một công ty chứng khoán thừa nhận tốc độ pha loãng của nhóm cổ phiếu này là rất lớn. Ngoài việc đã có vốn hóa khá lớn so với các DN ngành khác, thời gian qua, hầu hết các NH liên tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ khiến nhiều cổ phiếu NH bị pha loãng rất nhanh. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao nhà đầu tư nhỏ lẻ, ngắn hạn, lướt sóng không thích “đu” theo loại cổ phiếu này vì thực tế rất khó đánh lên, đánh xuống như nhiều cổ phiếu khác...
Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng chính vì không có “đội lái” nào đủ sức “lái con tàu” cổ phiếu NH cụ thể nên giá cổ phiếu nhóm này không bị méo mó, sát với giá trị thật hơn so với nhiều cổ phiếu ngành khác.
Còn ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét: So với các ngành khác thì tính minh bạch của cổ phiếu NH tương đối cao. Về giá trị thì hầu hết các cổ phiếu ngành này đều có thu nhập khá trên mỗi cổ phiếu (EPS), hệ số giá/thu nhập (P/E) cũng tương đối thấp và ROE (tỉ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) ở mức khá tốt nhưng thị giá lại thấp (nhiều cổ phiếu bằng, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách) nên vẫn hấp dẫn một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư...
Sơn Nhung
Theo NLĐ
0 nhận xét