Christine Lagarde, Chiếc ghế nóng và người phụ nữ của những “lần đầu tiên”

Không chỉ là nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử IMF, Christine Lagarde còn là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong nhóm G7, nữ chủ tịch đầu tiên của công ty luật lớn thứ 5 thế giới Baker & McKenzie.
Lựa chọn phù hợp nhất cho ghế nóng?
Cuối cùng, IMF đã xướng tên người phụ nữ thanh lịch tóc bạch kim đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc quỹ này. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde trở thành người phụ nữ đầu tiên - và cũng là người đầu tiên không xuất thân từ nhà kinh tế - lãnh đạo một định chế vốn nằm dưới sự cai trị của các đấng mày râu trong suốt 66 năm tồn tại tính đến nay.
Bộ trưởng tài chính Pháp phát biểu ngắn gọn rằng bà "rất vinh dự trước sự tín nhiệm dành cho bà" để dẫn dắt một tổ chức gồm 187 thành viên, quản lý một quỹ nắm giữ 326 nghìn tỷ đôla dùng làm khoản vay cho các nước gặp khó khăn và giám sát nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hẳn Christine Lagarde cũng đã sớm hình dung được rằng vinh dự của bà sẽ lập tức đi kèm với những nhiệm vụ nặng nề - xử lý "di sản để lại" của vị cựu tổng giám đốc đào hoa tai tiếng.
Ngay sau khi nhậm chức, bà sẽ phải cân nhắc việc có nên cung cấp thêm gói cứu trợ cho Hy Lạp để quốc gia này có thể nhận được khoản vay lớn thứ 2 trong lịch sử của IMF. Edwin Truman, một nhà kinh tế và là cựu quan chức của Mỹ nhận định: "Nhiệm vụ trước mắt là phải đối phó với châu Âu và chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại".
Với việc IMF lựa chọn người phụ nữ Pháp này, các nước châu Âu sẽ giảm bớt được nỗi lo tiến trình đàm phán các gói cứu trợ gặp khó khăn nếu tân tổng giám đốc là một người châu Á, hay châu Mỹ...
Một nhiệm vụ cũng cấp thiết và quan trọng không kém đối với Christine Lagarde là khôi phục lại đạo đức tại IMF. Vấn đề đạo đức đã trở nên hết sức căng thẳng sau khi cựu Tổng giám đốc Strauss-Kahn bị bắt và phải từ chức bởi cáo buộc tấn công tình dục.
Nhưng không phải đến thời Strauss-Kahn, nội bộ IMF mới tồn tại những vấn đề như vậy. Một bài báo trên tờ New York Times từng mô tả IMF như một nơi "trong đó các cuộc ngoại tình thường nở rộ - các ranh giới đôi khi bị bỏ qua"; nơi bỏ ngỏ "những khiếu nại về nạn quấy rối tình dục"; và nơi mà "các quy tắc chỉ giống như những hướng dẫn".
"Những gì đã xảy ra với ông Strauss-Kahn cho thấy rõ một người phụ nữ nắm quyền sẽ rất phù hợp", ông Kenneth S. Rogoff, cựu kinh tế trưởng của IMF đánh giá.
Nhận định này gợi mọi người về một phát biểu của Lagarde trong cuộc phỏng vấn với ABC năm ngoái, rằng phụ nữ "đưa ít ham muốn tình dục, ít kích thích tố nam vào" nơi làm việc hơn nam giới. Đó dường như một lời tiên tri nếu đặt vào vụ bê bối của Strauss-Kahn.
Christine Lagarde đã tỏ rõ quyết tâm nỗ lực để khiến "tổ chức khổng lồ này không chỉ dẫn đầu về chuyên môn, mà còn cả trong tính toàn vẹn và đạo đức làm việc. Chúng ta phải củng cố và, nếu cần thiết, phục hồi niềm tự hào trong đội ngũ nhân viên làm việc tại IMF, để vượt qua quá trình hàn gắn vết thương".
Một nhiệm vụ lớn nữa đặt ra là cân bằng giữa nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển nhanh, với nhu cầu của các quốc gia đã phát triển trong quá trình phục hồi nền kinh tế.
Sự cân bằng quyền lực tài chính toàn cầu đã có những thay đổi trong vài năm qua. Các nền kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và tạo được vị thế quan trọng của trên trường quốc tế. Tuy nhiên quá trình thay đổi này lại chưa được phản ánh chính xác trong cơ cấu quyền lực tại IMF.
Để làm dịu mối quan ngại đó, trong quá trình vận động tranh cử, Lagarde đã lên đường công du Braxin, Trung Quốc và một số quốc gia khác nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Tại thủ đô Brasilia của Brasil, Bộ trưởng Tài chính Pháp cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách bộ máy lãnh đạo IMF nhằm tăng cường tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi.
Lagarde cũng cho biết bà không có ý định đại diện cho quyền lợi của một khu vực cụ thể nào tại IMF, mà là vì quyền lợi của tất cả các nước thành viên quỹ này.
Đó có lẽ chính là điều mà IMF hiện đang cần - một người sẽ lắng nghe tất cả các bên, chiếm được lòng tin của mọi người, sau đó tập hợp tất cả các bộ óc lại để đạt được các kết quả cần thiết.
Với phông văn hóa đa dạng, tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn nhưng cũng rất mềm dẻo, Lagarde có vẻ rất phù hợp với vai trò cầu nối này. "Bà ấy là một nhà thương thuyết từ trong máu", một quan chức, người từng đi cùng bà đến rất nhiều cuộc họp trong những năm gần đây nhận xét. "Bà ấy biết làm thế nào để xác định mẫu số chung giữa các bên khác nhau".

Christine Lagarde
Người phụ nữ của những "lần đầu tiên"
Không chỉ là nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử IMF, Lagarde còn là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong nhóm G7, nữ chủ tịch đầu tiên của công ty luật  lớn thứ 5 thế giới (tính theo doanh thu) Baker & McKenzie.
Tuy nhiên, nếu xét theo các tiêu chuẩn của Pháp, con đường vươn tới đỉnh cao của Christine Lagarde dường như khá "lệch chuẩn". Bà từng hai lần thi trượt trường Hành chính Quốc gia ENA danh tiếng (cái nôi của các chính trị gia Pháp). Khi tốt nghiệp trường luật, bà thậm chí còn không được một công ty Pháp "xứng tầm" nào chào đón.
Có lẽ vì thế mà con đường chính trị của Lagarde đã rẽ theo một hướng khác.
Năm 1981, bà gia nhập công ty luật quốc tế lớn của Mỹ Baker & McKenzie và không ngừng thăng tiến bằng chính "thang máy" tài năng riêng của mình, rồi 18 năm sau trở thành nữ chủ tịch toàn đầu tiên của hãng.
Đó thực sự là một cuộc cách mạng khi năm 1999, Baker & McKenzie đã lựa chọn bà - người phụ nữ đầu tiên, trẻ tuổi nhất và người thứ hai không xuất thân từ Mỹ - điều hành tổ chức có lịch sử cả nửa thế kỷ này. Và bà đã khiến mọi người kinh ngạc trước kỹ năng xây dựng sự đồng thuận xuất sắc và cách bà củng cố công ty trong những tháng đầu tiên sau thảm họa 11/9.
Mãi đến năm 2005, Lagarde mới bắt đầu tham gia chính trường Pháp khi được mời làm Bộ trưởng Thương mại, trước đó bà hầu như chưa được công chúng Pháp biết đến. Dưới sự lãnh đạo của bà, ngành xuất khẩu của nước Pháp đã đạt được mức thành công kỷ lục chưa từng có.
Lagarde giữ chức vụ này đến năm 2007. Sau đó, bà đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp trong hai tháng, trước khi được tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.
Lagarde đã trở thành trụ cột trong nhiệm kỳ tổng thống của Sarkozy, tạo cho Bộ Tài chính một sự ổn định không có được trong những năm 1990. Trước bà, chỉ trong 7 năm bộ này đã thay tới... 7 bộ trưởng.

Mặc dù được ca ngợi là một lựa chọn đầy năng lực sáng tạo, những ngày đầu của Lagarde trong lĩnh vực tài chính khá khó khăn. "Bà ấy không nắm được các luật lệ", Catherine Pegard, một cố vấn của Tổng thống, từng thừa nhận với báo chí. Thông thường sai lầm không phải do bà thiếu nền tảng điều hành tài chính (chuyên ngành nghiên cứu của Lagarde là luật và chính trị học), mà là do bà đã phạm vào những điểm nhạy cảm chính trị của chính trường Pháp.

Lagarde từng thẳng thắn "ca tụng" luật lao động Pháp là quá "phức tạp, cồng kềnh" và chịu trách nhiệm về tình trạng chậm tăng trưởng việc làm. Người ta cũng nhớ về bà như người đã khơi lại chính sách rigueur (thắt lưng buộc bụng), một từ gợi cho người Pháp nỗi ám ảnh về cuộc cắt giảm đau đớn của những năm 1980.

Vào cuối năm đầu tiên trong nhiệm kỳ bộ trưởng tài chính của Lagarde, một số người đã thì thầm về "cái kết" của bà sẽ ra sao. Tình hình tồi tệ đến mức trong một hội nghị thượng đỉnh G8 ở Nhật Bản (tháng 2/2008), một nhà báo đã thẳng thừng đặt câu hỏi liệu bà đã từng đề cập đến việc từ chức hay chưa.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính sau đó đã trở thành cơ hội để Lagarde chứng tỏ tài năng. Cách xử lý điềm tĩnh, quả quyết trước hậu quả của sự sụp đổ Lehman Brothers trong năm 2008, đã khiến quốc tế ca ngợi bà. Bà giải quyết tốt tình hình và thúc đẩy thành công một phản ứng phối hợp của cả châu Âu, giành được sự ngưỡng mộ cả ở trong và ngoài nước.
Khi các nhà lãnh đạo châu Âu sa lầy trong các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp năm ngoái, Lagarde nhận được sự tín nhiệm để thuyết phục nhóm lãnh đạo này rằng cần thiết phải "sốc" lại thị trường với một cam kết mạnh mẽ hỗ trợ cho toàn bộ khu vực đồng euro - một lập luận đã đưa lại việc thành lập một quỹ cứu trợ khẩn cấp 1.000 tỷ đôla.
Với việc Pháp hiện đang phụ trách nhóm G20 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, bà giữ vai trò rất quan trọng trong những nỗ lực nhằm cải cách hệ thống tài chính toàn cầu và chống lại các tác động của cuộc khủng hoảng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner ca ngợi bà Lagarde là "một tài năng xuất chúng và giàu kinh nghiệm."

Nhà phân tích Dominique Moisi của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng bà Lagarde hội đủ những điều cần thiết để trở thành tổng giám đốc kế tiếp của IMF. Ông nói: "Bà là một bậc nữ lưu có cá tính mạnh, có năng lực, đáng tin cậy, có hình ảnh tốt trên trường quốc tế và tiếng Anh của bà thật hoàn hảo."
Thật vậy, Lagarde thực sự là một diễn giả lôi cuốn, đầy sức hút trên các kênh truyền hình và phát thanh. Bà thường xuyên giữ vị trí trung tâm trong các kênh truyền hình BBC, CNN và một số kênh không dùng tiếng Pháp khác.
Năm 2009, Financial Times bầu bà là bộ trưởng tài chính xuất sắc nhất tại châu Âu. Sau đó, tạp chí TIME đưa bà vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010.
Bà đứng thứ 43 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Với thành công trong cuộc đua vào chức tổng giám đốc IMF, Lagarde chắc chắn sẽ lọt vào top 10 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Các mốc quan trọng trong sự nghiệp của Lagarde. Nguồn: VietNam Plus
Đàn ông chỉ làm mọi việc rối tung
Trước đây, trả lời câu hỏi bà cảm thấy thế nào khi là phụ nữ duy nhất trong số 40 ứng cử viên và cuối cùng đã được bầu làm Chủ tịch Baker & McKenzie, Lagarde đáp có phần chế giễu: "Tôi xấu hổ chăng?"
Không có gì nghi ngờ rằng bà là một người tự do - như chính bà thừa nhận -, một nhà tư tưởng độc lập, người không chấp nhận tham gia "trò chơi của các cậu bé".
Là người đã đi ra ngoài vô số định kiến về giới và đạt được những thành công vượt bậc, Lagarde luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của phụ nữ, và đôi khi không quên "tỉa tót" các đấng mày râu luôn coi mình là phái mạnh.
"Nam giới hay thích cạnh tranh", bà nói trong năm 2002. Còn "phụ nữ thường nghiêng về xây dựng sự đồng thuận nhiều hơn... [họ] thiết lập một nhóm, sau đó hướng nhóm theo định hướng đã được chấp thuận."
Lagarde nhận thức rõ sức mạnh của "phái yếu" nằm ở đâu. Khi được hỏi làm thế nào bà vươn lên trong thế giới thống trị bởi đàn ông, bà trả lời: "Khả năng lắng nghe... để nhẹ nhàng, tinh tế nhưng vững vàng dẫn dắt mọi người theo con đường đã cùng nhau vạch ra."
Điều đó dường như thể hiện trong con người Lagarde. Tính cách bà là sự pha trộn của sự khiêm nhường, quyền uy và sự điềm tĩnh hiếm gặp ở các chính trị gia nam.
Hơn 3 thập kỷ trong vai trò một luật sư cấp cao và nữ Bộ trưởng tài chính quyền lực bậc nhất thế giới đủ khiến Lagarde thấm thía một điều, giới tính có tác động rất lớn tới những quyết định của người làm chính trị. Những kích thích tố nam và bản ngã của một người đàn ông có quyền lực khiến họ dễ dàng đưa ra những quyết định cá nhân, chủ quan và gây xúc phạm tới người khác.
Trong khi đó, hầu hết những người phụ nữ có quyền lực lại ít bị ảnh hưởng và chi phối bởi yếu tố giới tính. Do vậy, họ có những cách hành xử và quyết định "mềm mỏng" và "hài hòa" hơn đàn ông trong những vấn đề chính trị.
Vì thế, theo Lagarde, phụ nữ cần đảm nhiệm những vị trí cao. Đàn ông chỉ khiến mọi chuyện trở nên rối tung lên. Bà chỉ ra khủng hoảng tài chính năm 2008 có nguyên nhân từ chính những người đàn ông hiếu chiến, tham lam tại các tổ chức tài chính.
Bà cho rằng: "Môi trường với sự áp đảo của nam giới không hề tốt, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính với quá ít phụ nữ làm việc. Trong môi trường toàn nam giới, họ thường có xu thế muốn khẳng định mình quá mức. Tôi thực sự nghĩ rằng không nên có quá nhiều kích thích tố nam trong một căn phòng."
Chưa thể kiểm chứng những phát ngôn rất phụ nữ của người đàn bà quyền lực này đúng tới đâu. Nhưng trong chính trường hợp của Lagarde, có vẻ sẽ là một ý tưởng hay khi liên hệ đến một câu nói trên Financial Times của nhà báo nổi tiếng Martin Wolf: "The king is dead; long live the queen." (tạm dịch: Nhà vua băng hà; Nữ hoàng sống mãi).
HẢI TÂM

Tuần Việt Nam

Tags: , , , , , ,
Tin thoi su, blog thoi su

Blog Thời Sự

Blog Thời Sự cập nhật và tổng hợp các tin tức thời sự trong nước và quốc tế nóng bỏng từ các trang tin điện tử Việt Nam và quốc tế uy tín. BTS mong muốn làm cầu nối chuyển tải đến bạn đọc những bài bình luận sâu sắc và đa chiều về các sự kiện chính trị, quân sự, kinh tế xã hội đang được đông đảo bạn đọc quan tâm.

0 nhận xét

Nhận xét, bình luận về bài viết

Bạn đọc có thể để lại bình luận, nhận định về bài viết, hình ảnh, clip được đăng trên Blog Thời Sự ngay phía dưới bài viết.

Quy Định Về Nhận Xét Trên Blog Thời Sự:
1. Chọn kiểu tư cách bạn đọc:
Bạn có thể sử dụng tài khoản Google(Gmail), Wordpress, LiveJournal, TypePad...để bình luận. Nếu không có các tài khoản trên, bạn đọc nên sử dụng kiểu Tên/ Url với phần Url có thể bỏ trống.
* Không dùng tên hoặc nickname tương tự như Admin, Mod, BQT,... để bình luận.
2. Nội dung bình luận:
* Blog Thời Sự khuyên bạn đọc nên sử dụng tiếng Việt có dấu khi bình luận để tránh gây hiểu nhầm.
* Không bàn về các vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa người Việt và pháp luật Việt Nam.
* BQT có thể xóa bất cứ comment nào nếu thấy comment đó không phù hợp mà không cần phải thông báo

3. Theo dõi nhận xét của bạn:
Nếu muốn theo dõi xem có ai trả lời hay phản bác nhận xét của bạn trên Blog Thời Sự hay không, bạn có thể click vào "Đăng ký qua email" để đăng ký. Khi có nhận xét mới ở dưới bình luận của bạn về bài viết này, Blog Thời Sự sẽ gửi thư thông báo đến bạn.
4. Bạn đọc muốn tài trợ cho Blog Thời Sự hoặc góp ý (phản hồi) về các vấn đề không liên quan đến nội dung bài viết vui lòng liên hệ với BQT Blog Thời Sự tại đây.
Chúc bạn đọc vui vẻ.
Trân trọng!
BQT Blog Thời Sự

blog thoi su, tin thoisu, tin nhanh thoi su, thoi su quoc te, thoi su 24 gio, the gioi 24 gio, chien tranh bien dong, tranh chap bien dong, chien tranh trung dong, tin tuc trong ngay,

tin trong ngay moi nhat, tin quoc te, tin vietnam, bbc vietnamese, reuters vietnamese, afp vietnamese, thoisu.com, tin moi cap nhat, binh luan da chieu, thoi su 24h, tin multimedia