ảnh minh họa: internet |
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mục tiêu chỉ được phép tăng 1,71% trong 6 tháng cuối năm rất khó đạt được, nhưng nếu thực hiện quyết liệt và đồng bộ chính sách tiền tệ chặt chẽ, chính sách tài khóa thắt chặt và các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Nghị quyết 11, dự kiến CPI cả năm 2011 sẽ ở mức khoảng 17%.
Để kiềm chế tăng giá, rút kinh nghiệm từ việc tăng giá đồng loạt nhiều loại mặt hàng quan trọng 6 tháng đầu năm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian tới khi điều chỉnh giá các mặt hàng quan trọng khác cần có lộ trình, không nên quá lớn.
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, để kiềm chế tăng giá cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tài khóa thận trọng và hiệu quả, tăng cường kiểm soát giá và ổn định cung cầu giá mặt hàng thiết yếu. Lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội.
Để tránh tăng giá, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, giải pháp cần áp dụng hiện nay là tăng “cung”, giảm “cầu” và kiểm soát khâu phân phối để giá thu mua của thương lái và giá bán đến tay người tiêu dùng không bị chênh lệch quá lớn.
Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia thương mại nhấn mạnh, việc các mặt hàng thiết yếu quan trọng được phân phối theo phương thức mua đứt bán đoạn, không tổ chức bán đại lý, buông lỏng khâu bán buôn đã gây ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thao túng giá, làm thiệt hại cho cả xã hội và người tiêu dùng, góp phần đẩy lạm phát lên cao.
Chính vì vậy, để giải quyết bài toán lạm phát và giá cả tăng cao từ nay đến cuối năm, hệ thống phân phối phải được thực hiện tốt, tránh buông lỏng khâu bán buôn dẫn tới hệ quả không chi phối được khâu bán lẻ.
H.My
Theo SGGP
0 nhận xét