Ảnh: giaoduc.edu.vn |
Hiện nay, các trường ĐH đã triển khai công tác chấm thi để công bố cho thí sinh trước ngày 1-8 theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Năm nay, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT ra yêu cầu cán bộ chấm thi không được tiết lộ nội dung bài thi của thí sinh. Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT trao đổi với báo chí về những yêu cầu nghiêm ngặt đối với chấm thi ĐH. Ông Khôi cho biết:
Về công tác chấm thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu khi tổ chức triển khai công tác chấm thi, các trường thực hiện đúng quy định của quy chế tuyển sinh. Chấm thi phải thực hiện đúng 5 nguyên tắc.
Thứ nhất, cán bộ ban thư ký được giao nhiệm vụ dồn túi đánh phách, không được tham gia tổ thư ký chấm thi và ngược lại.
Thứ hai, chấm thi theo quy trình hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt; cán bộ chấm thi phải chấm đúng theo đáp án, thang điểm chính thức đã được trưởng ban đề thi của Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Thứ ba, trước khi chấm thi, các bộ môn phải tổ chức thảo luận đáp án, thang điểm, chấm thử và rút kinh nghiệm trước khi chấm chính thức.
Thứ tư, cán bộ chấm thi không tự động quy tròn điểm của bài thi (máy tính sẽ tự động); không được mang theo tài liệu, vật dụng riêng vào khu vực chấm thi; chỉ được sử dụng bút chấm thi theo quy định của ban chấm thi; nghiêm cấm sử dụng bút xóa khi chấm thi.
Thứ năm, cán bộ chấm thi không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào có liên quan đến bài làm của thí sinh trong suốt quá trình chấm thi.
Khi chấm thi, việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
- PV: Thưa ông, tại sao lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quy định: cán bộ chấm thi không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào có liên quan đến bài làm của thí sinh trong suốt quá trình chấm thi?
>> Ông NGÔ KIM KHÔI: Quy định như vậy nhằm đảm bảo việc chấm thi khách quan, công bằng, chính xác. Đồng thời, tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình chấm thi.
- Năm nay, với thay đổi của Bộ GD-ĐT (cho phép thí sinh rút hồ sơ NV2, NV3 trong thời hạn 15 ngày), thí sinh sẽ rộng cửa vào ĐH hơn?
Bộ GD-ĐT đã quy định, trong thời hạn quy định, hàng ngày các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của thí sinh trên trang web của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: nhận hồ sơ, cập nhật thông tin hồ sơ từng ngày, công bố công khai các thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh... Sau khi cập nhật các thông tin này, nếu thấy khả năng trúng tuyển NV2, NV3 không cao, thí sinh có thể xin nhà trường rút để nộp vào trường khác trong vòng 15 ngày từ thời hạn nộp hồ sơ NV2, NV3.
Năm nay, Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian xét tuyển NV2, NV3 thêm 5 ngày cho các trường, tổng cộng thời gian xét tuyển sẽ là 20 ngày. Thí sinh được quyền rút hồ sơ trong vòng 15 ngày đầu, còn 5 ngày sau không được rút nữa để bảo đảm các trường không bị ùn tắc hồ sơ. Thay đổi này sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn và chất lượng đầu vào của các trường cũng sẽ được nâng cao.
* Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả những bài thi có nghi vấn đánh dấu (ví dụ viết bằng hai thứ mực hoặc có nếp gấp khác) đều được tổ chức chấm tập thể. Nếu trưởng môn và hai cán bộ chấm thi xem xét kết luận có bằng chứng tiêu cực thì mới trừ điểm theo quy định. |
Lâm Nguyên thực hiện
Theo SGGP
0 nhận xét