Quyết định ngày 14-9-2010 của UBND TPHCM quy định về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn TPHCM (Quyết định 68), sau gần 1 năm thực hiện đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, nhiều quy định của Quyết định 68 rất khó thực hiện, cần được sửa đổi để phù hợp với thực tế.
- Quy định “đẻ” thủ tục
Cầm trên tay tập hồ sơ xin cấp phép xây dựng, ông Nguyễn Hòa (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) cho biết: “Giấy phép xây dựng mới cấp năm ngoái chưa kịp làm nhà đã hết hạn, giờ phải đi xin lại. Thật là phiền hà”. Nói rồi, ông Hòa đưa tôi xem tờ giấy phép xây dựng do UBND quận 12 cấp ngày 12-4-2010 cho công trình nhà ở riêng lẻ tại số 243/8 tỉnh lộ 8. Theo quy định của Quyết định 68, ông Hòa phải làm thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng mới được khởi công công trình vì thời hạn giấy phép mà ông được cấp chỉ 12 tháng. Ông Hòa bức xúc nói: “Sao giấy phép không có thời hạn 2, 3 năm để người dân muốn cất nhà lúc nào thì cất, khỏi phải xin lại cho cực”.
Những công trình đang xây dựng nếu tạm ngưng sẽ phải xin lại giấy phép. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Thanh Tâm |
Còn bà Trần Thị Minh (ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cũng đi làm lại giấy phép xây dựng như ông Hòa, nhưng khác nội dung xin cấp phép. Bà Minh nói: “Theo giấy phép mà UBND quận Thủ Đức cấp, căn nhà tôi được xây dựng đến 5 tầng. Thế nhưng, mới làm đến tầng thứ ba thì hết tiền, định dừng lại mấy năm nữa có tiền xây tiếp nhưng UBND phường không chịu và bắt buộc phải lên quận đổi lại giấy phép”. Quy định này, theo bà Minh đã “đẻ” thêm thủ tục không cần thiết và làm phiền hà người dân phải đi lại, chờ đợi vừa mất thời gian, vừa gây thiệt hại do phải dừng thi công công trình. Bà Minh kiến nghị: “Quy định điều chỉnh giấy phép chỉ nên áp dụng đối với những công trình có thay đổi lớn về thiết kế hoặc tăng tầng, tăng diện tích sử dụng gây ảnh hưởng đến các công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực”.
Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp người dân phản ánh về những bất hợp lý của Quyết định 68. Một số quy định khác, người dân cho rằng không cần thiết như: Trong thời hạn 7 ngày trước khi khởi công công trình, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho UBND xã, phường; sau khi xây dựng xong công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, hoặc lập biên bản nghiệm thu theo hiện trạng công trình…
Ông Lê Tâm (ngụ phường 12, quận 3) kiến nghị: “Thủ tục cấp phép xây dựng cần được rút gọn lại, không nên chi tiết quá dễ gây khó cho người dân. Nhà nước chỉ nên quản lý theo nội dung giấy phép được cấp, quá trình xây dựng có ảnh hưởng đến xung quanh, môi trường có bảo đảm... Đồng thời, cũng nên có những quy định hỗ trợ, tạo điều kiện và giải quyết những vướng mắc trong quá trình xây dựng, để người dân yên tâm thực hiện công trình trong thời gian nhanh nhất với chất lượng cao nhất”.
- Dễ chính quyền, khó dân
Theo ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, Quyết định 68 giúp cho công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng được tốt hơn; đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, hạn chế những tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cấp phép xây dựng và quản lý trên địa bàn. Còn ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 cho rằng, Quyết định 68 ra đời đã giải quyết được nhiều trường hợp nhà trong khu quy hoạch thông qua thủ tục cấp phép xây dựng tạm. Điều này hạn chế rất nhiều tình trạng xây dựng trái phép xảy ra tại một số khu vực do vướng quy hoạch, giúp chính quyền cơ sở kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng theo giấy phép được cấp.
Giải quyết hồ sơ cho người dân tại Sở Xây dựng TPHCM. Ảnh: THANH TÂM |
Về phía người dân, ngoài những nội dung mà chúng tôi nêu ở phần đầu bài viết, còn nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh. Đơn cử như quy định “Nghiêm cấm cán bộ, công chức cậy quyền, bắt ép người xin cấp phép xây dựng phải dùng bản vẽ hoặc thuê thiết kế theo ý mình”. Thế nhưng, trên thực tế, muốn được giải quyết nhanh, người dân vẫn phải làm theo “gợi ý” từ các địa chỉ đo vẽ, thiết kế do cán bộ thụ lý hồ sơ đưa ra. Hoặc tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng nhiệm vụ để gây khó khăn, phiền hà cho người xin cấp phép xây dựng; giải thích không rõ ràng các quy định về thủ tục, trả hồ sơ nhiều lần, trễ hẹn… vẫn còn nhiều. Nếu không sớm được chấn chỉnh, người dân vẫn còn bị làm khó khi thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.
HOÀI NAM
|
Theo SGGP
0 nhận xét