Nhiều đầu sách lệch lạc tư tưởng chính trị, sai phạm lịch sử, mê tín dị đoan và lạm dụng yếu tố sex… vẫn được tung ra thị trường
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Cục Xuất bản - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã xử lý 23 cuốn sách của 17 nhà xuất bản (NXB) theo nhiều hình thức: ngưng phát hành tạm thời để kiểm duyệt, biên tập lại nội dung hoặc đình bản, ra quyết định thu hồi sách. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2011 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT tổ chức vào ngày 7-7 tại TPHCM.
Đủ kiểu “lọt lưới”
Dẫn chứng cho hiện trạng này, ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu những cuốn sách (đã bị phát hiện, xử lý) điển hình: Nhân tướng học Trung Hoa, Địa ngục du ký, Từ điển tôn giáo Trung ương, Đạo Cao đài, Gia đình phật tử, Từ bi và giác ngộ… Những đầu sách này khai thác các triết lý, nhân vật lịch sử tôn giáo nhưng phản ánh nội dung lệch lạc, giáo lý mơ hồ, gây hoài nghi. Bên cạnh đó còn các đầu sách núp bóng sách tôn giáo nhưng xuất bản dưới dạng sách bói toán, phong thủy, dị đoan; những ấn phẩm ẩn danh sách dạy kỹ năng sống nhưng lạm dụng yếu tố tình dục, có nội dung không lành mạnh.
Một số cuốn sách được cho là có nội dung sai lệch đã bị “lọt lưới”
Không chỉ vậy, sách về lịch sử, chính trị cũng không thoát khỏi tình trạng sai phạm nghiêm trọng về nội dung, lệch lạc về tư tưởng chính trị, chất lượng kém. Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, những quyển sách bị liệt vào danh sách “sách có vấn đề” có thể kể đến: Phía sau lòng trung thành, Tương lai của Cuba, Toàn cảnh nền kinh tế - chính trị thế giới năm 2010, Từ điển thành ngữ, Bên dòng sông tình sử, Cuộc đời người thơ, Hỏi đáp về Việt Nam, Nẻo về vạn kiếp…, mới đây nhất là cuốn Tài năng và đắc dụng.
“Với thể loại sách lịch sử, người viết không đủ tầm để xử lý những sự kiện lịch sử, nhiều tác phẩm khai thác mơ hồ, không có dẫn chứng rõ ràng, thậm chí đi ngược lại với những giá trị văn hóa lịch sử, nền tảng vốn đã được định hình bao lâu nay” - ông Nguyễn An Tiêm nhận xét. Đối với mảng sách dịch cũng gây ra nhiều hệ lụy, sách của các nhà truyền giáo nước ngoài chưa thật sự phù hợp với văn hóa truyền thống và lối sống của người Việt nhưng lại được không ít đơn vị xuất bản chuyển ngữ và phát hành.
Khó khăn sinh ra… dễ dãi ?
Theo báo cáo thống kê lưu chiểu xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm của Ban Tuyên giáo Trung ương, không đơn vị xuất bản nào thực hiện đúng kế hoạch đăng ký. Trong tổng số 60 đơn vị xuất bản từ Trung ương đến địa phương, chỉ có 5 đơn vị thực hiện được trên 50% kế hoạch xuất bản. Hệ lụy của việc này là vẫn tiếp diễn hiện tượng sử dụng số đăng ký kế hoạch xuất bản đã được xác nhận năm trước để ký quyết định ở năm sau, NXB đổi tên tác giả, in tăng số lượng, đổi tên đề tài nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý theo quy định của Luật Xuất bản.
Ông Đỗ Ngọc Mạnh, Giám đốc NXB Thể dục Thể thao, nói rằng có NXB đến 6 tháng không có giám đốc hoặc đơn vị suốt một năm không xuất bản ấn phẩm nào. Ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc NXB Văn hóa Dân tộc, góp thêm trăn trở: “Với cơ chế hiện nay không cho phép các đơn vị phát huy đúng tiềm năng. Ngay cả những NXB có năng lực thật sự cũng băn khoăn trong việc phải xuất bản những ấn phẩm mà không biết có thể bán cho ai. Vấn đề này phải được tháo gỡ từ tầm vĩ mô chứ bản thân NXB khó giải quyết được gì”.
Thách thức lớn Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng số sách toàn ngành đã xuất bản và nộp lưu chiểu là 9.567 cuốn với hơn 150 triệu bản. Tuy nhiên, xét trên tổng số sách đã được đăng ký kế hoạch xuất bản (đến hơn 35.000 cuốn) thì tỉ lệ xuất bản từ đầu năm đến nay chỉ đạt 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành xuất bản đang đứng trước những thách thức lớn cả về kinh tế lẫn nguồn nhân lực, chưa kể phải đấu tranh ngăn chặn những cuốn sách lệch lạc về nội dung, vi phạm thuần phong mỹ tục ngày càng được ấn hành một cách bừa bãi. |
“Cả đội ngũ xuất bản cần phải được đào tạo một cách toàn diện. Nếu không đào tạo thì không thể chuyên nghiệp hóa. Nhiều NXB hiện nay buông lỏng quản lý, thiếu hợp tác trong quan hệ xuất bản và thiếu định hướng trong đào tạo cán bộ”. Ông Lê Doãn Hợp (Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông) |
Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN
Theo NLĐ
0 nhận xét