ảnh minh họa (Internet) |
Ngày 1-7-2011, Trung Quốc kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Từ một đảng chỉ có 50 thành viên, đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có 80 triệu đảng viên.
ĐCSTQ đã hoàn thành 3 nhiệm vụ lớn đó là giành độc lập dân tộc và giải phóng nhân dân, thiết lập hệ thống cơ bản về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc. ĐCSTQ đã đưa Trung Quốc từ một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Theo Tân Hoa xã, tình hình hiện nay chứng minh rằng, chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc do nhân dân Trung Quốc sáng tạo dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ là con đường thích hợp với điều kiện của Trung Quốc và phù hợp với khuynh hướng của thế giới. Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thời cơ lẫn thách thức lớn. Các thách thức đó nằm ở chính sách điều hành dài hạn, cải cách và mở cửa sâu rộng, cải thiện nền kinh tế thị trường cùng những thay đổi sâu sắc tình hình trong nước và thế giới.
Tân Hoa xã cho rằng ĐCSTQ nên đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học, đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng phát triển sao cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh đồng thời với phát triển xã hội. ĐCSTQ phải luôn thấm nhuần khái niệm căn bản là “tất cả vì nhân dân và tất cả phụ thuộc vào nhân dân” để duy trì mối quan hệ mật thiết với nhân dân và luôn là công bộc của xã hội.
Mưu cầu hòa bình, phát triển và hợp tác là xu thế không thể đảo ngược trên thế giới hiện nay. Trung Quốc không thể phát triển nếu không hợp tác với cả thế giới và sự phát triển của thế giới cũng cần có Trung Quốc.
Theo báo “The Economist” (Anh), ĐCSTQ đang nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo phát triển không bền vững hiện nay, hướng tới một nền kinh tế tăng cường vai trò của tiêu dùng nội địa. Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước để có thể xây dựng được một hệ thống y tế, hưu trí và an sinh xã hội đủ để làm an lòng người dân. Mặt khác, cũng theo tạp chí này, để giải quyết bài toán do những vấn đề xã hội đặt ra như vấn đề quyền lợi của lao động nhập cư hay của nông dân, ĐCSTQ cần có thêm nhiều bước đi mới.
Trong số hàng chục ngàn cuộc biểu tình mỗi năm, hầu hết xảy ra ở nông thôn, nhất là những nông dân bất bình vì bị thu hồi đất mà không được đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở thành phố, chẳng hạn cuộc biểu tình của công nhân gần đây tại một nhà máy ở Quảng Đông, ngày càng phổ biến. Nếu ĐCSTQ muốn giữ ổn định tại các thành phố, nếu muốn tiếp tục thu hút lực lượng lao động từ nông thôn, họ cần tìm cách trao cho người nhập cư đầy đủ các quyền lợi của người thành thị.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc, báo “Văn Hối” (Hồng Công) có bài viết cho rằng, sau thành công về cải cách kinh tế, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn lịch sử đặc biệt. ĐCSTQ phải cải thiện và sáng tạo đổi mới cách quản lý xã hội, hóa giải những mâu thuẫn xã hội ngày càng phức tạp trong thời kỳ chuyển mình, làm cho xung đột lợi ích giữa các giai cấp trở nên hòa dịu, tạo ra một môi trường xã hội hài hòa và ổn định.
Chủ nhiệm Phòng Giáo dục Nghiên cứu Hành chính Công cộng, Học viện Hành chính Quốc gia Trúc Lập Gia cho rằng hiện nay, do quản lý xã hội yếu và thiếu nên đã dẫn tới những mâu thuẫn xã hội khác nhau. Các chuyên gia đều cho rằng để xã hội phát triển tiến bộ, ĐCSTQ nên phát huy vai trò then chốt về sáng tạo trong quản lý xã hội. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội thuộc Ủy ban Cải cách phát triển Trung Quốc Dương Nghi Dũng cho rằng, để đổi mới thể chế quản lý xã hội cần phải tăng cường nghiên cứu đối với hệ thống của quốc gia và xã hội. Để thực hiện mục tiêu điều chỉnh theo phạm trù “chính phủ nhỏ, xã hội lớn”, tình trạng phân chia quyền lực trong quản lý xã hội Trung Quốc cần chuyển từ chính phủ quản lý tập trung sang tăng quyền cho xã hội và công dân, cải cách thể chế quản lý hành chính của chính phủ.
Khánh Minh
Theo SGGP
0 nhận xét