Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng nên thận trọng với các phương án cổ phần hóa VNPT, nhất là khi Tập đoàn này đã thực hiện tốt chức năng của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong,
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội.
Theo Nghị định 25 của Chính phủ, từ ngày 1.6.2011, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ trong một doanh nghiệp viễn thông thuộc danh mục quy định thì không được sở hữu trên 20% tại một đơn vị khác cùng lĩnh vực. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện nắm 100% vốn của MobiFone và VinaPhone. Để thực hiện quy định của Chính phủ, VNPT vừa đề xuất 3 phương án. Thứ nhất là sáp nhập VinaPhone và MobiFone. Thứ 2 là cổ phần hóa một trong hai. Thứ 3 là cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội có cuộc trao đổi với NCĐT về nội dung này.
- Ông bình luận gì về 3 phương án vừa được VNPT trình Chính phủ?Tôi ủng hộ phương án giảm tỉ lệ cổ phần của Nhà nước trong các công ty viễn thông hiện nay, nhưng lựa chọn phương án nào phải theo những nguyên tắc chung. Thứ nhất là hiệu quả kinh tế của từng phương án. Xét góc độ xã hội, thì vốn Nhà nước rút ra được bao nhiêu, dùng vào việc gì có ích hơn. Còn vốn xã hội sẽ vào được bao nhiêu, phát huy tác dụng như thế nào. Thứ 2 là có giữ được sự ổn định của công ty đó, lĩnh vực đó và của những hoạt động dịch vụ cung cấp ra xã hội hay không. Cái này là tiêu chí quan trọng, vì còn liên quan đến không chỉ yếu tố kinh tế, mà còn ổn định xã hội. Một nguyên tắc khác rất quan trọng là tạo sự đồng thuận và giảm bớt các áp lực xã hội. Ví dụ cổ phần hóa quá nhanh, quá nhiều, sẽ tạo ra áp lực thất nghiệp. Đây là cú sốc mà Trung Quốc đã phải xem xét khi cổ phần hóa. Cuối cùng là bám sát được nguyên tắc của Chính phủ, đó là Nhà nước tham gia vào những lĩnh vực nào cần độc quyền hoặc tư nhân không muốn tham gia đầu tư và để đảm bảo thị trường lành mạnh.
Riêng với phương án sáp nhập MobiFone và VinaPhone, sáp nhập hai công ty Nhà nước thành một công ty lớn hơn rõ ràng không phải là cổ phần hóa, mà là sáp nhập nội bộ. Nếu theo hướng giảm vốn Nhà nước thì việc sáp nhập không đạt được mục đích. Nếu sáp nhập như vậy chỉ làm tăng cường khu vực doanh nghiệp nhà nước.
- Vậy phương án cổ phần hóa toàn tập đoàn thì sao, thưa ông?
Có lẽ nên thận trọng hơn với phương án này, vì hiện VNPT đã thực hiện tốt chức năng của mình, nhất là cung cấp dịch vụ chất lượng, tạo sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông. Do đó, nên thí điểm thực hiện cổ phần hóa trước một đơn vị trong Tập đoàn, sau đó rút kinh nghiệm và tiến hành cổ phần hóa toàn tập đoàn sau.
- Nhưng nếu cổ phần hóa toàn Tập đoàn, trong đó có cả MobiFone và VinaPhone, thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn?
Phương án này có thuận lợi là vẫn đảm bảo chỉ tiêu sở hữu cổ phần của Nhà nước, đồng thời đảm bảo sự bù trừ rủi ro. Nếu 1 trong 2 doanh nghiệp này hoạt động không phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa, tác động đến thị trường này, thì Nhà nước sẽ sử dụng doanh nghiệp còn lại tạo đối trọng đề bù trừ.
- VNPT sẽ phải giảm tỉ lệ vốn Nhà nước hoặc ở VinaPhone, hoặc MobiFone xuống 20% sau khi cổ phần hóa. Có sự khác biệt nào về mặt lợi thế cho đơn vị còn lại hay không khi tỉ lệ vốn Nhà nước chênh lệch lớn?Để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường thì việc thoái vốn Nhà nước ở một đơn vị xuống 20% là hợp lý. Nhưng bên cạnh tính cạnh tranh thì thị trường cũng cần được đảm bảo sự bình ổn. Vì thế, việc cổ phần hóa cũng cần phải căn cứ vào sự sẵn sàng của chính VNPT và sự lành mạnh của các đối tác tham gia vào Tập đoàn. Nhà nước sẽ chỉ thoái vốn nếu có nhà đầu tư đủ năng lực, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Nếu không, việc cổ phần hóa này có thể dẫn đến rủi ro là biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền tư nhân. Lúc đó Nhà nước đã rút vốn rồi thì không tạo được sự đối trọng để có thể giữ vững chất lượng dịch vụ và ổn định thị trường.
Tất nhiên, 1 trong 2 đơn vị VinaPhone và MobiFone thoái vốn mạnh thì sẽ có doanh nghiệp này lợi, doanh nghiệp kia thiệt. Nhưng nếu nhìn chung ở góc độ là doanh nghiệp cùng do Nhà nước sở hữu, phục vụ lợi ích quốc gia, thì lợi ích Nhà nước không thay đổi. Lợi ích xã hội cũng đảm bảo nhờ thị trường sẽ cạnh tranh tốt hơn. Tôi nhắc lại là cần cân nhắc các lợi ích này theo nhiều góc cạnh khác nhau như kỹ thuật, sở hữu, đảm bảo an ninh quốc phòng và tác động đến thị trường, xã hội. Quan trọng nhất là tránh gây sốc ở khu vực này, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm và đang tiến triển tốt.
- Giả sử giảm tỉ lệ vốn nắm giữ ở MobiFone xuống 20% thì lợi ích của VNPT sẽ có phần giảm đi. Theo ông có phải đây là nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty lớn khó tiến hành nhanh?
Việc chậm cổ phần hóa có một số nguyên nhân. Trước tiên là thiếu quy định pháp lý về việc xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như thiếu phương án cổ phần hóa. Thứ 2 là nhận thức, mà đặc biệt là chi phối lợi ích của một bộ phận lãnh đạo các đơn vị này. Thứ 3 có thể do biến động kinh tế, nên việc thúc đẩy cổ phần hóa bị hạn chế. Những vấn đề này đã được nhận thức và các cơ quan chức năng đang thúc đẩy quá trình này. Và theo tôi chúng ta sắp được chứng kiến một giai đoạn mới của quá trình cổ phần hóa.
Theo NCĐT
0 nhận xét