Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016 nếu xét về ngang giá sức mua (PPP). Nhưng một nghiên cứu của chuyên gia kinh tế tại Đại học California, Robert Feenstra, đã chỉ ra rằng vị trí lãnh đạo về kinh tế toàn cầu sẽ được chuyển sang cho Trung Quốc vào năm 2014. Mạnh hơn thế, chuyên gia Arvind Subramanian của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng Trung Quốc đã vượt Mỹ về PPP từ năm 2010.
Ngang giá sức mua là một phương pháp dùng để đo lường mối quan hệ về sức mua của đồng tiền các quốc gia trên cùng một khối lượng hàng hóa và dịch vụ. Giá hàng hóa ở các nước đang phát triển thường thấp hơn ở các nước phát triển. Vì vậy, thu nhập của họ có thể được đánh giá thấp hơn nếu chỉ tính theo tỷ giá hối đoái. Thu nhập đo theo tiêu chuẩn PPP giúp tránh được vấn đề này.
Nhưng đánh giá thu nhập theo PPP cũng đặt ra một loạt vấn đề. Vấn đề thứ nhất là ở chỗ thực tế là mỗi nước có một giỏ tiêu thụ khác nhau, với sự chênh lệch lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ví dụ, lương thực thường chiếm 40% trở lên trong chi tiêu của hộ gia đình ở một quốc gia đang phát triển điển hình, trong khi con số này chỉ dưới 20% ở những nước phát triển.
Mục tiêu của so sánh PPP là đo chất lượng cuộc sống thực của một quốc gia. Trong trường hợp này, nó có thể được hiểu là so sánh tổng giá trị hàng hóa của mỗi quốc gia, gồm những hàng hóa trong giỏ tiêu thụ của mỗi quốc gia. Nhưng tổng giá trị hàng hóa ở mỗi quốc gia không có cùng thành phần như nhau. Tức là phép tính PPP đang so sánh những quả táo với những quả cam.
Trong ví dụ này, giá của tổng hàng hóa trong nước thứ hai cao gấp 4,2 giá của tổng hàng hóa ở nước đầu tiên. Tính toán thêm sẽ thấy rằng, theo PPP, một người ở nước thứ hai nghèo hơn 5% người ở nước thứ nhất!
Kết quả phi lý này có thể chỉ vì PPP đang so sánh hai gói tiêu dùng khác nhau. Nhưng giỏ tiêu dùng của một người tiêu dùng bình thường ở Trung Quốc còn khác nhiều so với giỏ tiêu dùng của một người Mỹ bình thường, vì vậy các so sánh PPP giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ dẫn tới nhiều sai lệch.
PPP đưa ra câu trả lời cho câu hỏi: Một công nhân Trung Quốc cần kiếm bao nhiêu để duy trì chất lượng sống như ở Trung Quốc nếu họ chuyển sang Mỹ ở?
Nhưng câu hỏi này vừa mang tính trực giác vừa không thực tế. Khi phải so sánh sức mua trên thị trường quốc tế, có một câu hỏi thực tế hơn, đó là: một công nhân Trung Quốc có thể mua bao nhiêu hàng hóa ở Mỹ khi sử dụng thu nhập mà họ kiếm được ở Trung Quốc? Một số người có thể dựa vào thu nhập bình quân đầu người để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Trong trường hợp này, nếu đồng NDT tăng giá trị 10% thì sức mua của một người Trung Quốc ở Mỹ sẽ tăng chính xác 10%, trong khi chất lượng cuộc sống của anh ta không thay đổi gì nếu xét theo PPP.
Nhưng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong một thời gian tương đối ngắn, ngay cả khi chúng ta so sánh nền kinh tế hai nước này theo cách bình thường. Nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ đã tăng trưởng lần lượt 8% và 3% tính theo giá trị thực tế, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc là 3,6% và của Mỹ là 2% (trung bình trong thập kỷ qua), và đồng NDT tăng giá so với USD 3% mỗi năm (mức trung bình trong 6 năm qua). Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2021. Từ nay tới khi đó, GDP của hai nước sẽ là khoảng 24.000 tỷ USD, có thể gấp ba lần quy mô của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, khi đó có thể là Nhật Bản hay Đức.
Đúng là mức tăng trưởng 8% đối với Trung Quốc có thể hoặc không thể chắc chắn. Nhưng nếu Trung Quốc tăng trưởng 9-10% trong 5 năm tới và 6-7% trong 5 năm tiếp theo, thì mục tiêu tăng trưởng bình quân 8% từ nay đến năm 2021 vẫn đạt được.
Thế giới đã bắt đầu đề nghị Trung Quốc có trách nhiệm hơn đối với "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu. Vì kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và có thể đạt GDP của Mỹ, nên đề nghị này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Và theo hầu hết các đánh giá gần đây, Trung Quốc có ít thời gian để chuẩn bị./.
Châu Giang
Thông tin tác giả: Yao Yang là Giám đốc Trung tâm Cải cách kinh tế Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh.Theo Tuần Việt Nam
0 nhận xét