Việt Nam cáo buộc Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Hội nghị Các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 lần thứ 21 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
Sáu nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Singapore đã tham gia cùng Philippines trong việc kêu gọi một giải pháp hòa bình và việc sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Lời kêu gọi trên được đưa ra tại Hội nghị Các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 lần thứ 21 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc từ ngày 13 đến 17-6. Ngoài ra, theo báo The Philippine Star, 6 nước ASEAN nói trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Cũng tại hội nghị nói trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Lê Lương Minh khẳng định lại ý nghĩa và tầm quan trọng của UNCLOS, cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện và bao quát nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Đề cập việc gần đây Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của UNCLOS.
Philippines chuẩn bị triển khai chiến hạm BRP Rajah Humabon đến biển Đông. Ảnh: INQUIRER.NET
Đồng thời, theo TTXVN, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo UNCLOS. Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lại quyết tâm và lập trường của Việt Nam thực hiện nghiêm túc các quy định của UNCLOS cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm xây dựng khu vực biển Đông thành khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị và ổn định.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Tư lệnh Quân đội Philippines, tướng Eduardo Oban, hôm 19-6 cho biết chiến hạm BRP Rajah Humabon sẽ không vượt qua vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý sau khi nước này thông báo sẽ triển khai chiến hạm này đến biển Đông. Ngoài ra, ông Oban bày tỏ sự lạc quan rằng tranh chấp lãnh hải ở biển Đông sẽ được giải quyết một cách hòa bình và không dẫn đến nguy cơ xảy ra đối đầu vũ trang. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 18-6 đã gặp đại sứ và đại biện của 9 nước ASEAN khác để thông báo về quan điểm của nước này đối với những diễn biến gần đây ở biển Đông.
Giải quyết bằng sự khôn ngoan Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi hôm 18-6 cho biết quan điểm nhất quán của nước này là tránh sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp ở biển Đông. Thay vào đó, theo ông Hamidi, vấn đề này cần phải được giải quyết bằng sự khôn ngoan và con đường ngoại giao. Hãng tin Bernama dẫn lời ông Hamidi: “Malaysia tuân thủ UNCLOS 1982 đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan phải tránh sử dụng sức mạnh quân sự. Thay vào đó, các bên nên sử dụng biện pháp ngoại giao vì như thế tốt hơn”. Cũng theo ông Hamidi, một hội nghị về UNCLOS nên được tổ chức trong năm nay hoặc năm tới để xem xét vấn đề tranh chấp ở biển Đông hiện nay. |
Hoàng Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét