Trong vài tháng qua, một loạt các sự cố xảy ra đã cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để gây sức ép và chi phối những nước khác cũng đòi chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là Philippines và Việt Nam. Hồi tháng Hai vừa qua, báo chí đã đưa tin về việc ngư dân người Philippines bị các tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công bằng vũ khí.
Ngày 2/3, hai tàu hải giám Trung Quốc đã va chạm với một tàu thăm dò dầu khí của Philippines MV Veritas Voyager và lệnh cho tàu này ngừng mọi hoạt động tại khu vực Bãi cỏ Rong (Reed Bank), mà họ nói là thuộc vào quyền tài phán của Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc đã thông báo các kế hoạch neo đậu một tàu khoan dầu ở quần đảo Trường Sa.
Cuối tháng Năm, Philippines phát hiện nhiều cột trụ và phao cứu sinh gần khu vực Amy Douglas Bank (cách Palawan - đảo chính của Philippines - 125 hải lý), được cho là do các tàu Trung Quốc mang tới. Điều này cho thấy khả năng Trung Quốc đang thực hiện nhiều kế hoạch xây dựng mới. Trong khi đó, một tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp cận với một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và cắt cáp thăm dò đang nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Thái độ gây lo lắng của Trung Quốc
Các tuyên bố đòi chủ quyền trên biển Đông không phải là mới, mà đây là một cuộc tranh cãi lâu dài trong đó hành động của một bên đòi tạo ra phản ứng của nhiều bên khác. Nhưng đáng lo ngại nhất là các hành động của Trung Quốc, giờ đây được hỗ trợ bởi các năng lực hải quân hiện đại hơn và chứng tỏ thái độ quyết đoán mạnh mẽ hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu các hành động nhằm xác nhận chủ quyền nói trên có được tiến hành dưới sự hiểu biết rõ và ủng hộ của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh hay không, và liệu đây không phải là một chiến lược mới của Trung Quốc mà chỉ là "một số động thái chưa đúng đắn, thiếu sự phối hợp và đôi khi ngạo mạn" của một số thể chế đang tìm kiếm nhiệm kỳ mới. Rốt cuộc, không cách giải thích nào làm hài lòng các nước láng giềng của Trung Quốc.
Ảnh minh họa Xinhua |
Điều khiến các nước láng giềng "sôi" lên là nguy cơ Trung Quốc hiện diện nhiều hơn - hải quân, bán quân sự hay dân sự - và hành xử trong các vùng biển đang tranh chấp như thể đây là nơi Trung Quốc thực thi luật pháp nước này "một cách bình thường" như trong các vùng lãnh thổ "không thể tranh cãi".
Cần một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông
Hiện nay, Trung Quốc dường như đang phản ứng mạnh nhất chống lại các hoạt động khai thác dầu mỏ đơn phương. Trước khi xảy ra những sự cố gần đây, họ đã cấm các công ty dầu lửa quốc tế BP và Exxonmobil vào khai thác tại các khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cảnh báo rằng nếu các công ty này làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến các dự án tương lai của họ tại Trung Quốc. Giới chức và các học giả Trung Quốc gần đây cũng hô "câu thần chú" cùng phát triển, có lẽ để nhấn mạnh rằng lý do đằng sau việc "lên gân" của họ là muốn Việt Nam và Philippines trở lại con đường này và ngừng khai thác đương phương để đi theo khuôn khổ hợp tác ba bên ban đầu nhằm nghiên cứu địa chấn chung tại các vùng EEZ của Philippines. (Nghiên cứu ba bên đã trở nên mập mờ vào năm 2008 sau khi vướng vào ván đề chính trị trong nước ở Philippines.)
Nếu như vậy, đây là một kiểu thuyết phục kỳ lạ, nhưng là kiểu mà cả Việt Nam và Philippines cần nghiên cứu kỹ, có tính đến cân bằng các mục tiêu an ninh và kinh tế của nước mình, trong khi vẫn thúc đẩy các lợi ích quốc gia và sự ổn định của toàn khu vực. Tuy nhiên, sự phản đối công khai của Philippines dường như sẽ ngăn cản bất cứ thỏa thuận mới nào liên quan đến khai thác tài nguyên chung tại các khu vực gần nhất với Philippines.
Trước những căng thẳng tích tụ, các bên cần nghiêm túc tiến hành các cuộc thảo luận, không chỉ về việc thực thi các văn bản hướng dẫn Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002, bởi văn bản này dường như đã bị lỗi thời. Điều cần thiết hiện nay là một Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC), nhất là để đề phòng các xung đột vũ trang trong các khu vực tranh chấp. Các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc tại biển Đông, cũng như của những bên khác, sẽ cần được thảo luận thông qua đối thoại và thương lượng. Tuy nhiên, Trung Quốc nên ngừng ngay thái độ đe dọa, nếu không muốn nói là việc sử dụng vũ lực hiện nay, để ép buộc các nước khác công nhận đòi hỏi chủ quyền của mình.
Trung Quốc nên giảm căng thẳng quân sự và lập lại một không khí mang tính xây dựng để đối thoại. Mặt khác, Việt Nam, Philippines và toàn thể ASEAN sẽ cố gắng đạt đồng thuận về vấn đề này và làm rõ cho Trung Quốc thấy các giới hạn của cách tiếp cận đa phương mà họ đề xuất để giải quyết tranh chấp, cũng như mong muốn của họ trong việc lập COC./.
Châu Giang (dịch từ RSIS Commentaries)
Theo Tuần Việt Nam
Tags: bien dong, chu quyen, bien dao Viet Nam, bao ve chu quyen, an ninh quoc phong, tin quoc phong, chien tranh Viet Nam Trung Quoc, tinh hinh bien Dong, tranh chap chu quyen bien Dong, thoi su, diem nong, binh luan, phan tich, goc nhin, chien tranh bien dong, tranh chap Hoang Sa VN-TQ, tranh chap TRuong Sa Viet Nam- TRung Quoc, chien tranh, bao ve bien dao, hoang sa Vietnam, truong sa VietNam, tin thoi su, thoi su, blog thoi su,
0 nhận xét