Giảm rồi vẫn còn cả ngàn tỷ
Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đang bàn bạc để thoái vốn đầu tư ở một số DN trong thời gian tới. Cụ thể, các đơn vị được đề xuất thoái vốn toàn bộ gồm: công ty cổ phần cảng Hà Tĩnh (TKV góp 36% vốn), công ty cổ phần phát triển khu kinh tế Hải Hà (TKV góp 10% vốn), công ty cổ phần Wonlfram Dăk Nông (TKV góp 29% vốn), công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (góp 7%), công ty cổ phần cảng hàng không quốc tế Long Thành (8%), công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (10%), Quỹ đầu tư Việt Nam (5%)...
Bên cạnh đó, TKV cũng được đề nghị tái cơ cấu lại vốn đầu tư ở một số đơn vị mà tập đoàn này hiện có góp vốn như: ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), công ty cổ phần Chứng khoán SHS, công ty cổ phần bảo hiểm SHB - Vinacomin...
Trong khi đó, mới đây, trước những sức ép về công khai các khoản đầu tư về BĐS, Tập đoàn Dầu khí thông qua công ty con của mình là PVC cho biết, PVC đã đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng vào các dự án BĐS. Tuy nhiên, do PVN nắm 30% nên thực chất vốn của PVN tham gia các dự án bất động sản chỉ khoảng 600 tỉ đồng. Bên cạnh đó, PVN vẫn còn vốn khá lớn tại hai Ngân hàng là PG Bank và Ocean Bank.
Trước đó, PVN đã có có một đợt làm "gắt gao" bằng cách rút vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn để giảm tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành một cách khá mạnh. Thậm chí, để tránh tai tiếng, sau khi thoái vốn, PVN còn yêu cầu nhiều DN không còn được mang tên dầu khí để tránh ảnh hưởng uy tín. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ tính sơ sơ trong hai lĩnh vực BĐS và tài chính thì nguồn vốn cũng phải lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Tập đoàn EVN mới đây cũng cho biết, đầu tư của EVN ra bên ngoài là dưới 3% trên tổng vốn của EVN, tương đương khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền này chiếm tỷ lệ không lớn so với vốn của EVN, tuy nhiên nó cũng đã lên tới ngàn tỷ. Trong khi đó, Tập đoàn này đang gánh những khoản nợ khổng lồ như tiền nợ ngành dầu khí, than và các hợp đồng mua điện giá cao đã lên tới 8.000 tỷ đồng.
Ngoài những khoản nợ lớn trên, nếu tính cả khoản lỗ vì số tiền chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010 của EVN là 17.000 tỷ đồng thì khoản đầu tư trên vẫn chưa có được nhiều hiệu quả như mong muốn. Được biết, EVN hiện có vốn trong nhiều lĩnh vực mà tập trung là tài chính và BĐS như Ngân hàng An Bình (ABBANK) và một số công ty chứng khoán và bất động sản.
Tổng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực này tuy không vượt quá quy định hiện hành nhưng cũng chiếm một con số tuyệt đối không hề nhỏ và trong tình hình khó khăn hiện nay, nó có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các DNNN. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là hoạt động này đã không mang lại nhiều lợi ích như mong đợi hoặc phải theo đuổi trong một thời hạn dài trong khi chính các tập đoàn nay đang có những nhu cầu lớn về vốn.
Thậm chí, những khó khăn của nền kinh tế, suy giảm trên thị trường chứng khoán khiến cho các DNNN chưa thấy ngày vui của các khoản đầu tư này nên mới tìm cách rút. Nhưng xem ra việc rút vốn, vốn đã được yêu cầu thực hiện trong mấy năm qua, nay sẽ càng gặp nhiều trắc trở khi tình hình kinh tế không được thuận lợi như ngày bỏ tiền đầu tư mấy năm về trước.
Gần đây nhất, 4 công ty thành viên của PVN là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (PCB) góp vốn thành lập Công ty CP Bệnh viện Dầu khí Việt Nam (PVH) để quản lý và điều hành bệnh viện Dung Quất chủ yếu là phục vụ cho lao động dầu khí và công nhân trong các khu công nghiệp ở Dung Quất. Trong số các cổ đông đầu tư có Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) mới được chuyển từ Vinashin sang và phải đầu tư rất nhiều tiền để tái khởi động, còn Công ty TNHH Một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đi vào hoạt động.
Những quả đắng từ thị trường
Cuối năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã cho giải thể Công ty Quản lý quỹ Công nghiệp và Năng Lượng Việt Nam (VINEC). Đây là quỹ đầu tư trong nước lớn nhất thời điểm đó với sự tham gia của nhiều DN và tập đoàn nhà nước lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng (Vinacomin), tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và một số công ty khác.
Quỹ này được các cổ đông kỳ vọng là bước khởi đầu quan trọng để hình thành tổ hợp liên kết giữa các tập đoàn kinh tế trong nước, nhằm đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, như sản xuất điện. Tuy nhiên, khởi động chưa được bao lâu thì quỹ phải giải thể thì các cổ đông không kham nổi số vốn cần đóng góp, còn việc huy động vốn thì rất khó khăn do thị trường chứng khoán đi xuống trong khi chính các tập đoàn lại chịu sức ép về tái cơ cấu khi kinh tế lao đao.
Câu chuyện của Quỹ đầu tư trên cũng chính là tình trạng khó khăn của các DNNN hiện nay trong việc thoái vốn tại các DN của mình. Kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán đi xuống nên việc chuyển vốn, hay bán vốn lại cho các đối tác là điều không dễ dàng nhất là những khoản đầu tư dài hạn hoặc đầu tư trong BĐS và tài chính.
Cụ thể, việc thoái vốn của TKV vào thời điểm này xem ra không có nhiều thuận lợi. Trong số các DN trên, đa số là các DN đang trong giai đoạn triển khai đầu tư các dự án, mà đây lại là những dự án lớn, đầu tư dài hạn việc rút vốn của cổ đông là không dễ dàng.
Thậm chí, trong phần đầu tư lớn vào tài chính ngân hàng với đối tác chính là SHB thì nếu thực hiện tái cơ cấu hay thoái vốn đều gặp bất lợi do thị trường chứng khoán đang sụt giảm thê thảm. Cổ phiếu của các DN này cũng đang ở trong tình trạng mất giá liên tục và xuống rất thấp.
Tương tự, khoản vốn của các tập đoàn trong các ngân hàng hay các công ty tài chính, chứng khoán cũng sẽ khó khăn trong việc xử lý. Thậm chí, nếu bán hay chuyển lại được cho các đối tác trong thời điểm này thì giá cả cũng rất bất lợi. Mà tình ra có thể khoản đầu tư này không có được hiệu quả như mong muốn.
Tình trạng cũng không khá hơn trong lĩnh vực BĐS khi các thị trường này đang đi xuống. Tương lai được báo hiệu sẽ khó khăn hơn vì chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt, nhất là đối với các khoản đầu tư phi sản xuất. Còn nguồn vốn nhà nước đang được kiểm soát ngày càng chặt hơn.
Khi kinh tế phát triển nóng, chứng khoán bùng nổ, các cơ hội kiếm tiền đến một cách dễ dàng nên nhiều DNNN đã dùng tiền đầu tư nhà nước một cách thiếu tính toán với kỳ vọng kiếm được lợi nhuận nhanh và lớn; chí ít là cũng bằng sự góp vốn, góp thương hiệu của mình để nhanh chong đưa công ty phát triển rồi bán cổ phiếu để thu lãi.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không như tính toán. Kinh tế chịu tác động khủng hoảng tài chính quốc tế rồi những bất ổn từ nội tại bùng phát buộc chính sách vĩ mô phải thay đổi, kéo theo đó là sự thắt chặt đầu tư và tiền tệ... Lập tức, tình trạng này đẩy những miếng ngon trước đây trở thành cục xương khó nuốt và khó nhả.
Đến lúc này thì dù muốn rút lui xem ra cũng khó. Chính vì thế, đại diện một DNNN có phần vốn trong ngân hàng cổ phần lớn của Việt Nam đã thùa nhận, việc thoái vốn là chưa thể do thị trường tài chính, chứng khoán không thuận lợi. Nếu cơ quan quản lý buộc các doanh nghiệp thoái vốn vào thời điểm hiện nay, thì dẫn đến thua lỗ, không đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn.
Trong khi đó, một dự thảo mới từ Bộ Tài chính cho thấy, Bộ sẽ quy định tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài của các DN có vốn nhà nước giảm còn 15% tổng nguồn vốn đầu tư so với tỷ lệ hiện nay là 30%. Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, tuy cơ quan quản lý đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rút vốn đầu tư khỏi ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng không được chấp hành nghiêm túc. Sắp tới việc này sẽ được chấn chỉnh và tăng giám sát tại các DN. Và như thế, đầu tư ngoài ngành có thể sẽ khiến nhiều DN tiếp tục ăn "quả đắng".
Theo VEF
0 nhận xét