Trong chuyến đi chơi về miền cực đông nam của nước Pháp, tôi đã lưu lại thành phố Cagnes-sur-Mer một tuần, ăn ở tại nhà một người gốc Việt qua định cư từ lâu. Đây là thành phố ở trong vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur, với núi Alpes vươn ra và chạy dài ven biển tạo thành Côte d'Azur, dồi dào ánh nắng. Còn Provence? Tôi biết khá sớm qua ... nhà văn Alphonse Daudet (1840-1897).
Trên bước đường lãng du của mình, Daudet đã đến vùng Provence, sống và sáng tác nhiều tác phẩm mang hơi thở của vùng này, từ cảnh vật, con người, ngọn gió mistral đến ngữ điệu, mà nhiều người cùng thời với tôi ít nhất cũng nhớ Lettres de mon Moulin, và trong những lá thư từ cối xay gió, lấp lánh Những vì sao (Les étoiles): Anh chàng chăn cừu mỗi năm đến mùa khô hạn, phải đưa đàn cừu lên núi ăn cỏ, suốt mùa lạnh lẽo, cô đơn, cứ nửa tháng mới có người dưới đồng bằng lên núi tiếp tế lương thực; bỗng một ngày kia, cô chủ, tiểu thư Stéphanette xuất hiện, ngây thơ, vui tươi, đem thức ăn cho chàng. Thế rồi một cơn mưa lớn, suối ngập chặn đường về, cô phải trở lên núi. Trong đêm sâu thăm thẳm, dưới trời sao mênh mông, chàng chăn cừu ngồi bên tiểu thư, say sưa kể chuyện những vì sao: nào là sao bay vào thiên đàng, nào là sao làm đám cưới, sao của dân du mục ... cho đến khi sao trên trời mờ nhạt, chàng nhận ra một ngôi sao đang ngủ trên vai mình.
Đó là chuyện Provence của ông Daudet, Provence mà ông vô cùng thích thú, như lời ông tự nhận trong truyện mở đầu Installation (dọn nhà) của tác phẩm Lettres de mon Moulin: "...Một khu rừng thông tươi đẹp đổ dốc trước mặt tôi đến tận chân đèo. Phía chân trời là những đỉnh núi xanh xanh của dãy Alpilles... Không một tiếng động... Xa xa văng vẳng tiếng sáo, tiếng chim trong bụi oải hương, tiếng lục lạc trên đường... Tất cả cảnh vật nên thơ vùng Provence này chỉ sống nhờ ánh sáng. Vậy thì bây giờ, vì sao tôi lại luyến tiếc thành phố Paris của bạn, ồn ào và tối tăm? Thật tuyệt vời trong cối xay gió của tôi! Tuyệt vời khi tôi tìm được một góc nhỏ đầy hương thơm và ấm áp, cách xa ngàn dặm giới làm báo, ngựa xe, sương mù..."
Moulin d'Alphonse Daudet |
Con đường này, cũng như rất nhiều con đường, nhà lưu niệm và trường học trên đất Pháp, đã được đặt tên ông. Riêng những địa phương ở Provence mà ông đã từng trú ngụ và sáng tác, thì đặc biệt hơn; nổi bật là ngôi làng cổ Fontvieille đã lưu dấu chân ông lâu dài, nơi đây ông đã làm quen với dân làng, và rất thích thú được nghe kể lại những giai thoại và chuyện cổ tích về Provence. Ông đã viết Lettres de mon Moulin tại chỗ, phần nhiều lấy cảm hứng từ những câu chuyện đó. Cuộc đời của Daudet thiết thân với cối xay gió, vì vậy sau này, Hội "Những người bạn của Daudet" muốn có một cối xay gió để lưu niệm và vinh danh ông. May mắn Hội đã chọn được một cái phế tích, tạo dựng từ năm 1814, đã trải qua 100 năm xay lúa mì cho đến năm 1915 thì ngưng hoạt động. Năm 1935, Hội đã phục dựng cối xay gió này và đặt tên "Moulin d'Alphonse Daudet", đồng thời cũng đã thành lập Musée Daudet (Nhà bảo tàng Daudet). Ngày nay, Fontvieille trở thành một đia chỉ văn hóa và du lịch: ngoài bảo tàng và cối xay gió, du khách hồi tưởng bước chân của nhà văn khi đi dạo quanh ngôi làng cổ với nhà xây bằng đá, giếng nước..., thăm lâu đài Montauban, nơi ông ở và sáng tác.
Năm 1908, nhà danh họa cùng với vợ Aline và 3 con trai đến thành phố nhỏ này, tạo dựng ngôi nhà với tất cả tiện nghi của thời đó, và một xưởng vẽ lớn. Những danh họa Rodin, Bonnard, Matisse và Modigliani đã từng đến nghỉ tại đây. Những cô gái trẻ giúp việc, sinh trưởng tại địa phương, được Renoir chọn làm người mẫu, thể hiện trong tranh đầy sức sống, gợi cảm và khuôn mặt ánh lên nét tươi vui. Làn da như phát tiết ánh sáng và gam màu biểu lộ đời sống đơn giản, thánh thiện. Cũng ở Cagnes-sur-Mer, Renoir bắt đầu đi vào nghệ thuật điêu khắc. Cuối đời, chẳng may Renoir bị tật nguyền do thấp khớp, nhưng với nghị lực phi thường, nhà danh họa vẫn vẽ cho đến ngày cuối cùng: ông mất ngày 3/12/1919, thọ 78 tuổi. Thế giới hội họa được thừa hưởng gia tài từ những tác phẩm danh tiếng của ông về phong cảnh, chân dung, tranh khỏa thân, tĩnh vật, tác phẩm điêu khắc, mà hiện nay được trưng bày tại viện bảo tàng nhiều nước trên thế giới. Hiện nhà bảo tàng Renoir đang quản lý tài sản vô cùng giá trị: đó là 11 bức tranh gốc, với thể loại phong phú, những tượng điêu khắc, và một khu vườn rộng nên thơ như là chứng tích một cuộc sống êm đềm và là nơi tạo cảm hứng cho danh họa.
Khách vào tham quan khu vườn thì tự do, nhưng nếu vào nhà lưu niệm thì mua vé, 4 euros/người. Một không khí tĩnh lặng khắp tòa nhà, mọi người đi lại nhẹ nhàng trên sàn gỗ, trên thảm, chỉ chuyện trò trao đổi chút ít, một nữ nhân viên đi lại quan sát mọi người, nhắc nhở không được chụp ảnh. Tất cả không gian thật thích hợp cho chiêm ngưỡng 11 bức tranh, tất nhiên mỗi người mỗi cảm nhận nghệ thuật, phần tôi, chỉ có chừng đó mà mình cảm thấy những nhân vật trong tranh, hoa lá, trái cây, phong cảnh, cuốn sách, cây đàn... làm cho cuộc đời thánh thiện, tươi vui, đầm ấm, và đặc biệt, cảnh trong tranh và khu vườn bên ngoài tương hợp, gây ấn tượng khi xem tranh và thưởng ngoạn khu vườn. Thời gian như lắng đọng khi khách tham quan hiện vật lưu niệm trong xưởng vẽ: giá vẽ, khung ảnh, những bức họa... đặc biệt chiếc ghế xe lăn đặt trước giá vẽ mà trên đó bức họa còn dở dang, chứng tỏ một niềm say mê sáng tạo nghệ thuật vô bờ bến trong những ngày tật nguyền còn lại của cuộc đời tài hoa, như Renoir đã tự nhận, năm 1913: "Phải đến 50 năm tôi mới được kết quả như thế này, mà vẫn thấy chưa hoàn thành"[1].
Một phần trong ngôi nhà được dành cho những thân hữu, cũng là học trò thân thiết của Renoir, những người đã gặt hái nhiều thành công trên đường nghệ thuật. Người xem được thưởng thức các tác phẩm, chân dung và tư liệu của Albert André (1879-1954), một họa sĩ mà Jean Renoir - con trai của danh họa Pierre-Auguste Renoir, nhà đạo diễn khá nổi tiếng - đã để lại những lời trân trọng: "Albert André, sự hiện diện nơi đây, và đơn giản tên ông cũng đủ thắp sáng ngôi nhà..." Cũng thế, Ryuzaburo Umehara (1888-1986), một danh họa Nhật, đồ đệ và tri kỷ của gia đình Renoir, cũng lưu lại tranh và ảnh tại nơi trang trọng này.
Ra khỏi nhà lưu niệm, mọi người không quên thưởng lãm khu vườn, nơi đây trước kia Renoir đã từng dạo chơi và chăm chút hoa trái trong 11 năm còn lại của cuộc đời, nơi đây bà Aline Renoir đã chăm sóc và thu hoạch rau, trái cây, hoa hồng, và những sản phẩm từ tay bà đã gợi cảm hứng nghệ thuật cho chồng. Khách mỗi người mỗi nơi, có người trầm tư trên hàng ghế dưới bóng cây, có người thơ thẩn dạo quanh vườn, trên lối đi quanh co, xung quanh hoa nở, chim hót, lại có người ngồi hoặc nằm trên bãi cỏ thư giãn. Cả một rừng cây ô-liu cổ thụ, với gốc to lớn sần sùi và tạo thế đa dạng, nơi khác những cây thông, cây tùng, cây cọ mạnh mẽ vươn lên cao, lại có hàng trúc thân vàng mảnh mai bên lối đi; còn lại là hoa, là bãi cỏ, là những lùm cây, vừa có đôi chút trật tự, vừa phá cách; tất cả tạo nên một khu vườn Renoir rất thi vị. Thành phố đã mua lại toàn bộ nhà bảo tàng từ năm 1960 và vẫn giữ gìn nét thôn dã và tự nhiên của khu vườn. Nơi đây đã diễn ra các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi như: "Un soir chez Renoir" (dạ hội tại vườn Renoir), "Le déjeuner sur l'herbe" (Tiệc trưa trên bãi cỏ), "Fête de l'Olivier" (Lễ hội cây ô-liu).
Những con đường Daudet, Renoir và nhà bảo tàng Renoir hiện diện trong thành phố này, cũng như nhà bảo tàng và cối xay gió mang tên Daudet tại làng Fontvieille, đã làm tăng thêm giá trị văn hóa của vùng đất, làm phong phú tinh thần cho người dân sở tại và du khách gần xa. Thành phố thì nhỏ, ngôi làng thì càng nhỏ, nhưng đời sống văn hóa của người dân không nhỏ, môi trường quá trong lành, và những người làm văn hóa tại những nơi đó có tầm cao, xứng đáng được nhận gia tài văn hóa quý báu để phục vụ xã hội một cách tốt nhất.
[1] Theo trang web: www.evene.fr/culture
Nguồn: Tuần Việt Nam
0 nhận xét