Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh da cam mà quân đội Mỹ để lại trên chiến trường Việt Nam cho đến hôm nay vẫn còn rất nặng nề, một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người… Đây là những chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ảnh), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), với phóng viên Báo SGGP, nhân dịp chuẩn bị tưởng niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh:
Theo số liệu thống kê, có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, 3 triệu người là nạn nhân da cam. Nhưng trong đời sống thực tế, hậu quả của chất da cam còn nặng nề hơn nhiều, với biết bao nhiêu gia đình lâm vào thảm cảnh vì loại chất độc nguy hiểm này không chỉ ảnh hưởng tới một mà là nhiều thế hệ.
Nhiều gia đình, con cái, rồi tới cả cháu chắt khi sinh ra đều bị dị tật, thiểu năng trí tuệ, ung thư, câm điếc… do bố mẹ hay ông bà bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Đau khổ hơn, phần lớn gia đình nạn nhân da cam lại là những con người, gia đình thuộc diện đói nghèo, cùng cực nhất, không có sức lao động, chủ yếu sống nhờ vào trợ cấp của xã hội.
Hiện nay, có tới 70% số gia đình nạn nhân da cam thuộc diện hộ đói nghèo và 90% nạn nhân không có chuyên môn nghề nghiệp việc làm. Không chỉ có vậy, trong suốt hàng chục năm qua và tới hôm nay, cả nước cũng đãø có hàng trăm ngàn người chết hay mắc các bệnh hiểm nghèo, nan y do nhiễm chất độc da cam, trong đó phần lớn là những cựu chiến binh.
° PV: Làm thế nào để giảm bớt khó khăn cho những nạn nhân da cam, thưa Thượng tướng?
° Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH: Phải khẳng định việc chăm lo đời sống, sức khỏe cho nạn nhân da cam luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trên 50% số gia đình có người tàn tật, trong đó có gia đình nạn nhân da cam được hưởng BHYT hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn lượt trẻ em tàn tật bị ảnh hưởng gián tiếp của chất độc da cam cũng được chăm sóc sức khỏe, đi học các trường chuyên biệt…
Tuy nhiên, số lượng nạn nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam được hưởng các chế độ chính sách, trợ giúp kinh tế vẫn còn quá ít so với hàng triệu nạn nhân chất độc da cam hiện nay. Hơn nữa, người dân tại những vùng bị phơi nhiễm, bị rải chất da cam cũng chỉ mới được hưởng chính sách như hộ nghèo. Do đó, tôi nghĩ rằng, nhà nước cần sớm có những cơ chế, chính sách để chăm lo về đời sống, sức khỏe các gia đình và nạn nhân da cam nhiều hơn nữa, nhất là với những người đã cao tuổi.
Nữ doanh nhân thăm và tặng quà cháu Nguyễn Hoài Thương, nạn nhân dioxin, sinh năm 2008 tại ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: QUANG THÁI |
° Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi công lý. Thượng tướng đánh giá như thế nào về hiệu quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa trên đối với nạn nhân da cam?
° Trong giai đoạn 2004-2009, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã trải qua 3 cấp tòa và mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tiền xét xử. Mặc dù đến nay, tòa án Mỹ đã từ chối vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, chúng ta đã giành được thắng lợi quan trọng về mặt xã hội và nhân văn.
Trước hết, VAVA đã vượt qua được các rào cản để đưa vụ kiện ra tòa án Mỹ trước sự phản đối của các công ty hóa chất và Chính phủ Hoa Kỳ về nội dung kiện và tư cách của VAVA. Tiếp đến, vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong tiến hành chiến tranh hóa học, bằng luận điệu “dùng chất diệt cỏ để khai hoang”. Hơn nữa, vụ kiện đã làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế cũng như dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế, đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam?
° Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp diễn vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam như thế nào ?
° Năm nay tròn 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam. Đây sẽ là dịp để chúng tôi tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đối với vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đòi công lý trong thời gian tới sẽ chuyển sang giai đoạn mới bằng nhiều hình thức, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện một số công ty hóa chất Mỹ, yêu cầu họ phải đền bù thỏa đáng đối với những gì họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Việc tòa án Mỹ không bác bỏ thời hiệu khởi kiện, cũng như chấp nhận tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam là những tiền lệ tư pháp để nạn nhân da cam Việt Nam tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý.
° Quá trình đòi công lý của chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, song thực tế thời gian qua phía Mỹ cũng đã có những động thái trong việc giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh da cam ở Việt Nam. Thượng tướng đánh giá như thế nào về vấn đề này? ° Từ năm 2007 tới nay, một số quỹ và tổ chức của Mỹ đã tài trợ cho chúng ta một số dự án về tẩy độc dioxin. Từ năm 2007 đến 2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Còn trong năm 2011, Chính phủ Mỹ thông báo tài trợ 34 triệu USD tẩy độc sân bay Đà Nẵng. Đây là những chuyển biến tích cực của Mỹ trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khoản tài trợ trên còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, những khoản hỗ trợ trên mới chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề môi trường, còn việc đền bù, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho nạn nhân da cam vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, chỉ riêng trong năm ngoái, Mỹ đã chi hơn 13 tỷ USD cho việc đền bù, chăm sóc y tế cho quân nhân Mỹ bị phơi nhiễm chất da cam trong chiến tranh Việt Nam. |
QUỐC KHÁNH (thực hiện)
| |
SGGP
Tags: noi dau da cam, tham hoa da cam, chat doc mau da cam, chat doc da cam, di chung chien tranh, di chung chien tranh Viet My, tre em bat hanh, tre em khuyet tat
0 nhận xét