TIN LIÊN QUAN:
>>Thái Lan: Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cảnh báo ông Thaksin trở về
>>Thái Lan rút khỏi Hội nghị thường niên của WHC
>>Thái Lan trước bầu cử: Sự ủng hộ đảo chiều ở Bangkok
>>Chính trường Thái Lan: Bao giờ Thaksin mới được trở về?
>>Em gái Thaksin “sợ” tướng lĩnh Thái Lan
Tuy mới bước vào chính trường nhưng nhờ vào sự hậu thuẫn của Đảng Pheu Thai, bà Yingluck Shinawatra đã trở thành đối thủ nặng ký, có khả năng giành chiến thắng trước Thủ tướng Abhisit Vejjajiva để trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Cho đến nay, mối liên quan với chính trị được nhiều người biết đến chỉ vì bà là em gái út của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Bà Yingluck Shinawatra (trái) trong cuộc vận động tranh cử tại Bangkok hôm 27-6. Ảnh: GETTY IMAGES
Mối liên hệ gia đình
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời bà Yingluck trong lúc đi vận động bầu cử tại một xóm nghèo ở Bangkok: “Anh ấy là một trong những người chăm sóc cho tôi, giúp đỡ tôi trong việc học hành và công tác quản lý” và thừa nhận ông Thaksin là “người cha thứ hai”. Hơn một tháng nay, bà Yingluck ráo riết vận động cho cuộc bầu cử vào ngày 3-7, sau khi được Đảng Pheu Thai, vốn ủng hộ ông Thaksin, chọn là ứng cử viên của đảng này. Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) nhưng uy tín vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tới cuộc bầu cử này. Ông tuyên bố rằng em gái ông “không chỉ là người tôi lựa chọn mà còn là bản sao của tôi nữa”. Giám đốc điều hành công ty Asia Plus Securties Pcl là ông Kongkiat Opaswongkarn nhận định: “Người ta ít biết đến chủ trương của bà ấy. Bà Yingluck phản ánh trực tiếp chủ trương của ông Thaksin. Khẩu hiệu của đảng này là “Thaksin suy nghĩ, Pheu Thai thực hiện” đã phản ánh phương thức nói trên”.
Bà Yingluck hy vọng nhiều vào sự ủng hộ của người dân nghèo thành thị và nông dân. Tuy bị chỉ trích núp bóng người anh theo khuynh hướng dân túy nhưng trên thực tế, uy tín của ông Thaksin là sự trợ giúp rất lớn cho bà. Hiện vẫn còn hàng triệu người mong muốn ông Thaksin về nước. Bà Yingluck thừa nhận rằng mỗi tuần lễ, ông Thaksin gọi điện cho bà vài lần. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy bà được cử tri ủng hộ cao hơn Thủ tướng Abhisit 8% và kết quả bầu cử được dự báo là sẽ rất sít sao.
Khẳng định bản sắc riêng
Với hy vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, bà cho biết dự tính dùng những phẩm chất riêng của phụ nữ để khuyến khích hòa giải dân tộc và đề nghị dành cho bà cơ hội. Bà khôn khéo tránh tranh luận trực tiếp với Thủ tướng Abhisit – vốn là người từng trải trên chính trường, có khả nặng vạch rõ sự thiếu kinh nghiệm của bà về chính trị.
Bà Yingluck chủ trương theo đuổi chính sách của cựu thủ tướng Thaksin, vốn muốn lấy lòng những người có thu nhập thấp bằng cách nâng lương tối thiểu, bảo đảm thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, bà vẫn muốn thể hiện mình là một người có chính kiến độc lập như bà nói: “Tôi sẽ là bản thân tôi”. Nhiều người cho rằng một khi có quyền lực, bà Yingluck sẽ đề đạt một lệnh ân xá cho ông Thaksin để ông khỏi đối diện với cáo buộc tham nhũng tại Thái Lan. Tuy nhiên, bà cho biết không có sẵn một kế hoạch như vậy và điều đó chỉ xảy ra “nếu nó được đa số người dân chấp thuận”. Bà tuyên bố sẽ không trả đũa về vụ hạ bệ ông Thaksin và sẽ không tìm cách truy tố những người liên quan tới cuộc đảo chính hồi năm 2006 nếu bà đắc cử. Khi được hỏi bà sẽ quản lý một quốc gia 66 triệu dân như thế nào, bà Yingluck cho biết từng lớn lên và học hỏi rất nhiều trong một gia đình chính khách. Bà khẳng định: “Đối với những nguyên tắc chính trị, tôi nghĩ rằng mình hiểu rất rõ. Thái Lan đang cần một nhà lãnh đạo tốt, một người có những kỹ năng quản lý”.
Bà Yingluck sinh năm 1967, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học bang Kentucky của Mỹ vào năm 1990. Bà dành hầu hết thời gian quản lý các công ty của gia đình, trong đó đáng lưu ý nhất là ở chức vụ giám đốc công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động. Từ tháng 5, bà rời bỏ công việc kinh doanh của gia đình để tham gia chính trị.
Trúc Lâm
Theo NLĐO
0 nhận xét