Sở hữu khối tài sản khổng lồ cùng với mạng lưới quan hệ gia đình rộng khắp, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang được dự đoán có khả năng thực hiện một cuộc trở về ngoạn mục trên chính trường Thái Lan bất chấp việc ông này đang bị kết tội tham nhũng và bị truy nã vì những cáo buộc liên quan đến khủng bố.
Tuy nhiên, trước mắt, nếu đảng đối lập Puea Thai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối tuần đúng như kết quả của các cuộc thăm dò dư luận thì cựu Thủ tướng Thaksin vẫn sẽ phải thưởng thức hương vị chiến thắng từ xa. Đảng Puea Thai là đảng ủng hộ ông Thaksin.
Bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu cách đây 5 năm, cựu Thủ tướng Thaksin giờ đây đang phải sống lưu vong ở Dubai để trốn tránh án tù. Ông này đã bị kết án vắng mặt hai năm tù giam vì tội tham nhũng chỉ một thời gian ngắn sau khi chạy trốn khỏi đất nước Thái Lan năm 2008.
Tuy nhiên, vị cựu lãnh đạo, cũng là một tỉ phú 61 tuổi, vẫn rất được lòng các cử tri nông thôn và tầng lớp công nhân vì những chính sách dân túy mà ông thực hiện khi còn cầm quyền. Ngược lại, ông Thaksin lại bị chống đối mạnh mẽ bởi tầng lớp hoàng gia, trung lưu bởi họ coi ông là một chính khách tham nhũng và là một mối đe dọa đối với nền quân chủ ở Thái Lan.
"Những người nào nghĩ rằng cuộc đảo chính năm 2006 là dấu chấm hết đối với ông Thaksin thì những người đó hoàn toàn sai lầm", một chuyên gia về Thái Lan có tên là Paul Chambers đã nhận định như vậy.
Trên thực tế, trong suốt 4 cuộc bầu cử vừa qua, các đảng phái có liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin đều giành hầu hết ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, các tòa án đã hủy bỏ kết quả của hai cuộc bầu cử gần đây nhất. Điều đó đã làm cho những người ủng hộ ông Thaksin thực sự tức giận.
Hiện tại, ông Thaksin được xem là động lực đứng đằng sau đảng Puea Thai. Ứng cử viên cho chức Thủ tướng của đảng này không ai khác chính là em gái út của ông Thaksin - bà Yingluck Shinawatra.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên trong gia đình Thaksin hạnh phúc với nỗ lực quay trở lại ánh hào quang trên chính trường của ông Thaksin. "Cha của Thaksin sẽ không ủng hộ nỗ lực đó nếu ông ấy còn sống", cô của cựu Thủ tướng Thaksin – bà Taowan Shinawatra, 82 tuổi, đã cho AFP biết như vậy từ nhà riêng ở phía bắc Thái Lan. Theo bà Taowan, ông Thaksin nên tiếp tục công việc kinh doanh.
"Chúng tôi đã quá ớn chính trị. Chúng tôi không cần phải tham gia vào chính trường. Những người đã tham gia chính trường thường không thể bỏ qua uy tín, thanh thế. Thaksin đã bị ám ảnh vì điều đó", bà Taowan nói thêm.
Nhiều người nghĩ rằng, ông Thaksin sẽ tiếp tục lãnh đạo nếu đảng đối lập giành chiến thắng và khẩu hiệu chiến dịch của họ là: “Thaksin nghĩ, Puea Thai làm".
Không thể phớt lờ một đối thủ đáng gờm như cựu Thủ tướng Thaksin, Thủ tướng đương nhiệm Abhisit Vejjajiva mới đây đã kêu gọi các cử tri “hãy loại bỏ loại thuốc độc mang tên Thaksin".
Có thể nói, cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là một nhân vật gây chia rẽ lớn ở đất nước Thái Lan – nơi ông này đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc gồm tội tham nhũng, khủng bố. Cáo buộc khủng bố liên quan đến những cuộc biểu tình rầm rộ mà phe áo đỏ tiến hành hồi năm ngoái. Các cuộc biểu tình này đã biến thành bạo lực đẫm máu. Nếu bị kết tội, ông Thaksin có thể phải đối mặt với án tử hình.
Phe đối lập được cho là sẽ đề xuất lệnh ân xá cho các chính khách bị kết tội nếu họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đây rõ ràng là một động thái nhằm đưa ông Thaksin trở về. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi khả năng giới chức cấp cao ở Bangkok, giới hoàng gia và quân đội Thái Lan sẽ cho phép ông Thaksin trở về như một người tự do.
"Tôi không nghĩ ông Thaksin có thể trở về Thái Lan sớm. Tôi nghĩ, nếu ông ấy làm thế thì đó sẽ là một hành động bật đèn xanh cho một cuộc đảo chính mới", ông Chambers, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc trường Đại học Payap ở phía bắc Thái Lan, cho hay.
Sinh ra từ một trong những gia đình gốc Hoa nổi tiếng nhất ở tỉnh phía bắc Chiang Mai, ông Thaksin đã từ bỏ sự nghiệp làm cảnh sát ngắn ngủi để đến Mỹ học. Cha của ông Thaksin cũng là một chính khách.
Sau khi trở về, ông Thaksin đã thành lập một đế chế viễn thông khổng lồ mang tên Shin Corp và năm 1998 ông này bắt đầu tham gia chính trường bằng việc thành lập một đảng phái mang tên Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái).
Ông Thaksin được bầu làm Thủ tướng năm 2001 và trở thành thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan hoàn thành trọn một nhiệm kỳ. 4 năm sau đó, ông Thaksin tiếp tục tái đắc cử chức thủ tướng với số phiếu cao đủ cho phép ông thành lập một chính phủ đơn đảng đầu tiên trong 7 thập kỷ ở Thái Lan.
Ở quê hương của gia đình Shinawatra tại Sankamphaeng, cậu bé Thaksin trước đây thường bán cà phê và kem ở cửa hàng của cha vẫn là một người anh hùng đối với nhiều người. "Thaksin là một cậu bé ngoan và tốt bụng. Cậu ấy đã giúp đất nước. Tôi muốn cậu ấy trở về", một người bán hàng dạo 79 tuổi có tên là Somjit Suwanthip cho biết.
Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Thái Lan vẫn nhấn mạnh, ông không có tham vọng quay trở lại chính trường và miêu tả em gái Yingluck là “một bản sao” của ông. Miêu tả này ám chỉ, bà Yingluck có tư tưởng giống với ông Thaksin.
"Chúng tôi giống nhau theo nghĩa tôi đã học được từ anh ấy trong công việc và hiểu quan điểm của anh ấy, cách anh ấy giải quyết các vấn đề và cách anh ấy xây dựng mọi thứ từ con số 0", bà Yingluck đã phát biểu như vậy khi thực hiện chiến dịch tranh cử.
Bà Yingluck không giấu diếm nỗ lực tận dụng ảnh hưởng của anh trai. Trong một chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng, bà Yingluck thường bắt đầu những bài phát biểu của mình bằng cách hỏi đám đông: "Tôi không biết các bạn yêu anh Thaksin nhiều như thế nào nhưng liệu các bạn có thể chia sẻ một ít tình yêu đó cho tôi – em gái của anh ấy?"
Bà Yingluck không giấu diếm nỗ lực tận dụng ảnh hưởng của anh trai. Trong một chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng, bà Yingluck thường bắt đầu những bài phát biểu của mình bằng cách hỏi đám đông: "Tôi không biết các bạn yêu anh Thaksin nhiều như thế nào nhưng liệu các bạn có thể chia sẻ một ít tình yêu đó cho tôi – em gái của anh ấy?"
Kiệt Linh - (theo AFP)// VnMedia
0 nhận xét