Ông Bùi Văn Chấn, chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu tự hào: "Xã chúng tôi có cái "giếng thần" thì dù trời có hạn hán đồng ruộng cũng không sợ hết nước". Nói xong, ông dẫn chúng tôi đến bản Khộp cao chót vót trên đỉnh núi để mục sở thị "giếng thần" kỳ lạ này.
Đó là một mó nước khá sạch sẽ. Bốn bên xây bằng bê tông vuông vức nhưng nước không lúc nào cạn. Một số thanh niên nghịch ngợm ở bản Khộp đã thử tát nước ra ngoài suốt đêm nhưng giếng không cạn một chút nào. Điều này được kiểm nghiệm qua anh Bùi Văn Hanh, nhà ngay cạnh "giếng thần". Anh Hanh cho hay: "Không biết mạch nước ở đâu nhưng dùng máy bơm cỡ lớn để tát cả đêm vẫn không thể hết nước trong giếng".
Người dân bản Khộp giặt giũ, tắm rửa bên giếng. |
Ông Bùi Văn Huy, trưởng ban Văn hóa xã Ngọc Lâu cho hay: "Trước đây, "giếng thần" nhìn rất hoang dã như một mó nước tự nhiên. Vì sợ bị mai một nên chúng tôi cho xây dựng tường bao để bảo vệ. Tuy nhiên, tính linh thiêng và mực nước trong giếng vẫn không hề thay đổi".
Cụ Bùi Văn Én đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện cha ông kể lại rằng, "giếng thần" có từ thời đẻ đất, đẻ nước. Trời sinh ra "giếng thần" để nuôi sống muôn loài trên vùng núi đá cao này. Trước đây, bản Khộp là vùng rừng rậm có nhiều thú dữ. Ngay cụ Én thời trẻ cũng phải thường xuyên chạy vào các hang núi để trốn hùm beo.
Thú dữ cũng đã làm hại nhiều người dân bản khi họ dùng nước tại "giếng thần" này. Tuy nhiên, theo quan niệm địa phương, muông thú bình đẳng với con người nên không ai được phép đánh đuổi thú dữ khi đến với "giếng thần". Vì thế, một thời "giếng thần" Ngọc Lâu là tài sản chung của tất cả người Mường sống dọc ven núi Hòa Bình và các muông thú trong rừng rậm.
Cụ Én cho hay: "Sống gần hết đời người và ăn ở với "giếng thần" nên tôi biết nó thiêng lắm. Các anh có vứt chất bẩn gì xuống đó thì nước vẫn trong vắt và người làm bẩn giếng chắc chắn sẽ bị trừng phạt".
Cụ Én kể câu chuyện, có người đến giếng chửi thề và ngay lập tức bị méo mồm. Gia đình đưa nạn nhân đi các thầy lang nhưng không ai chữa khỏi, cuối cùng phải về thắp hương xin lỗi thần giếng và múc nước cho uống thì bệnh tình mới thuyên giảm.
Không biết những câu chuyện ấy thực hư đến đâu nhưng tất cả người Mường ở bản Khộp nói riêng và người dân xã Ngọc Lâu nói chung đều rất kính cẩn trước "giếng thần". Họ coi đó là biểu tượng linh thiêng nhất của người Mường bản địa và là nguồn sống của người dân vùng núi đá này.
Tục tắm tiên
"Giếng thần" Ngọc Lâu linh thiêng còn là nơi làm đẹp của người Mường ở bản Khộp đầy bí ẩn. Hầu hết con gái bản Khộp đều có làn da rất trắng và mịn màng. Họ bảo, đó là do tắm rửa bằng nước "giếng thần".
Cũng không biết từ khi nào, người dân nơi đây có tục tắm tiên ngay bên miệng giếng. Tất cả già trẻ trai gái đều tắm tiên với nhau mà không mảy may có một ý nghĩ xấu nào. Họ tắm tiên tại giếng với mong ước được gột rửa những tội lỗi, phàm tục trong cá nhân mỗi con người để trở nên trong sạch hơn.
Theo ông trưởng ban Văn hóa xã Bùi Văn Huy, người bản Khộp ngày nào cũng tắm tiên. Họ tập trung vào khoảng 11 giờ trưa và từ 5 giờ chiều cho đến lúc tối mịt. Giờ cao điểm có đến hàng trăm người xếp hàng lũ lượt chờ đợi để được tắm.
Nước giếng trong vắt |
Theo cụ Én, tục tắm tiên của người bản Khộp có liên quan đến lời đồn ma quái cách đây hàng trăm năm: "Thời ấy, có con ma rừng hay đi bắt người về hang trên núi. Con ma rừng đã hại rất nhiều người bản Khộp mà không có cách nào ngăn chặn được. Thế rồi, có một pháp sư người Mường Bi từ dưới sông Mã đạp nước cưỡi mây dùng bùa phép trấn yểm con ma này. Pháp sư căn dặn dân làng phải tắm ở nước giếng thần thì con ma mới không dám bắt. Thế rồi, từ đó đến nay người bản Khộp có tục tắm tiên nổi tiếng khắp tỉnh Hòa Bình".
Giếng 2 màu nước
Theo lời ông Bùi Văn Lơ, trưởng bản Khộp thì giếng có hai màu nước là sự kỳ lạ chưa từng có. Sau khi làm xong tất cả các "thủ tục", bỏ lại giầy dép, máy ảnh... ông Lơ mới dẫn chúng tôi vào xem hai tia nước kỳ lạ dưới đáy giếng.
Quan sát kỹ, phần đáy giếng có hai tia nước bắn rất mạnh. Một tia nước màu trắng tinh, một tia màu hồng nhạt. Hai tia nước này được bắn lên từ một khe nhỏ của khúc gỗ dưới đáy giếng.
"Giếng thần" Ngọc Lâu là kho báu quý giá của người Mường bản Khộp. Chuyện thần thánh hóa khu "giếng thần" đã có từ xa xưa. Người bản Khộp quan niệm, "giếng thần" là nguồn sống của cả loài người nên họ rất có ý thức để bảo vệ, không ai có thể xâm phạm đến khu giếng nếu có ý đồ đen tối. Ông Bùi Văn Chấn (chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu) Chuyện "giếng thần" Ngọc Lâu không bao giờ cạn nước là có thật. Dù có bơm suốt ngày đêm thì mực nước vẫn cứ giữ nguyên. Người bản Khộp mùa đông không phải nấu nước tắm vì nước giếng rất ấm, không phải nấu nước uống vì nước giếng rất đảm bảo vệ sinh. Thậm chí, người bản Khộp bị đau bụng, sau khi uống nước giếng vào thì khỏi bệnh. Ông Bùi Văn Lơ (trưởng bản Khộp) |
Theo Bee
0 nhận xét