Hiện tổng dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Sau khi tổ chức lấy ý kiến của các thành viên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và công bố dự thảo thông tư quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Dự kiến thông tư này sẽ hoàn thiện và ban hành trong năm 2011, quy định 6 tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dung, bao gồm: tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, giới hạn cấp tín dụng và giới hạn góp vốn, mua cổ phần.
Một điểm được chú ý trong dự thảo là những điều kiện mới, những điều chỉnh về giới hạn liên quan đến việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Theo nội dung của dự thảo, điều chỉnh đầu tiên liên quan đến việc cấp tín dụng lĩnh vực này của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là yêu cầu phải có chất lượng tín dụng tốt hơn.
Nếu theo Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN về việc cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, điều kiện đặt ra là ngân hàng đó phải có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%. Còn theo dự thảo thông tư dự kiến sắp ban hành, điều kiện này là phải dưới 3%.
Bên cạnh đó, một điều kiện mới được bổ sung là trước và sau khi cấp tín dụng ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả, có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10% trở lên và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác theo quy định.
Như vậy, chỉ với hai điều kiện và sự điều chỉnh trên, nếu được giữ nguyên khi ban hành thì thông tư này sẽ tạo một khoanh vùng mới đối với các ngân hàng được phép cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Thực tế, yêu cầu tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10% trở lên vẫn là thách thức đối với nhiều ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng có quy mô hàng đầu trên thị trường.
Một điều chỉnh khác đáng chú ý là về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Nửa cuối năm 2007, thị trường chứng khoán chao đảo khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành, quy định các ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán tối đa 3% tổng dư nợ. Ngày 1/2/2008, Quyết định số 03 ra đời, giới hạn đó được xác định là 20% vốn điều lệ. Mới nhất, tại Điểm 9, Điều 8 Thông tư số 13/2010/TT-NHNN năm 2010 quy định “tổng dư nợ cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá đối với tất cả khách hàng nhằm đầu tư, kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng”.
Và sắp tới, theo dự thảo của thông tư mới, tại Điều 16 quy định “tổng dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 3% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Sự điều chỉnh này chắc chắn sẽ tạo nhiều tranh luận, bởi đó là một thay quan trọng, liên quan đến nghiệp vụ cho vay lĩnh vực này của các ngân hàng thương mại. Phía sau đó là dòng chảy tín dụng vào thị trường chứng khoán và phản ứng của thị trường. Hiện tại, trong cơ cấu vốn tự có của các ngân hàng thương mại chủ yếu vẫn là vốn điều lệ, nên giới hạn đó là một điều chỉnh lớn.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự thảo thông tư lại cho rằng giới hạn 3% vốn tự có là phù hợp với tình hình thực tế, cũng như đưa ra những phân tích, lập luận liên quan.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, hiện nay dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 2,5% vốn tự có, của ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 4,5% vốn tự có, của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khoảng 1,9% vốn tự có và tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 141 về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, cơ bản đến 31/12/2010 các tổ chức tín dụng phải đảm bảo có đủ mức vốn pháp định, trong đó đối với ngân hàng thương mại phải có tối thiểu 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
“Khi đó, mức vốn tự có của các ngân hàng thương mại sẽ tăng cao hơn. Với tỷ lệ giới hạn quy định tại Điều 16 là 3% là phù hợp với tình hình thực tế và việc mức vốn tự có sẽ tăng lên khi có đủ mức vốn pháp định, sẽ vẫn đảm bảo an toàn cho tổ chức tín dụng trong hoạt động cấp tín dụng này, không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, số dư cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ cao hơn hiện nay”, bản giải trình lập luận.
Ngoài ra, giải thích cho việc bổ sung một số điều kiện nói trên, Ban soạn thảo cho rằng: “Do tính chất rủi ro cao, để bảo đảm an toàn trong hoạt động này, Khoản 3 Điều 15 dự thảo Thông tư quy định các điều kiện để ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện là rất cao, đặc biệt là yêu cầu điều kiện về tỷ lệ an toàn vốn phải từ 10% trở lên”.
▪ MINH ĐỨC
Vneconomy
0 nhận xét