Sau vụ chìm tàu Dìn Ký kinh hoàng, gần đây, liên tiếp hàng loạt các tàu chở khách du lịch gặp sự cố "chết người" khiến nhiều hành khách hoảng sợ.
Sau vụ chìm tàu Dìn Ký kinh hoàng, khiến 16 người thiệt mạng trên sông Sài Gòn, nhiều người nhìn nhận đây là bài học xương máu trong việc đảm bảo an toàn đường thủy. Các ngành chức năng và chủ các phương tiện phải cẩn thận và nghiêm túc chấp hành các biện pháp an toàn trên sông nước. Tuy nhiên, từ ngày 20/5 - ngày xảy ra sự cố tàu Dìn Ký thì đến nay vẫn tiếp tục có những sự cố với tàu chở khách du lịch khiến nhiều hành khách hoảng loạn.
Mới đây, hôm 14/6, tàu vận tải cao tốc Hoàng Phúc 01 thuộc Công ty TNHH Xây lắp – Dịch vụ - Thương mại Hoàng Phúc (Bình Thuận) chở 175 hành khách cùng 5 thủy thủ và 10 tấn hàng trên đường từ Phú Quý vào Phan Thiết đã bị sóng đánh vỡ khoảng 2m2 bên trái mũi tàu. Địa điểm xảy ra sự cố cách đảo Phú Quý chừng 10 hải lý.
|
Tàu Hoàng Phúc 01 đang neo đậu tại cảng Phú Quý sau khi được cứu hộ hôm 14/6 (Ảnh: NLĐ) |
Sóng to gió lớn làm vỡ hết các cửa kính của con tàu khiến hành khách trên tàu thực sự hoảng loạn. Ngay sau sự cố xảy ra, lãnh đạo địa phương liền điều động hai tàu Bình Thuận 16 và Quê hương 02 đang neo đậu tại cảng Phú Quý ra ứng cứu dưới sự chỉ huy của Trung tá Hoàng Văn Đang cùng 8 chiến sĩ.
Mặc dù đã được ứng cứu kịp thời và không có thiệt hại về người xong hành khách trên chuyến tàu này cũng bị một phen "kinh hồn bạt vía".
Điều đáng nói ở đây là con tàu Hoàng Phúc 01 dài 32m, rộng 8,8m, được thiết kế dạng 2 thân, 2 tầng, tải trọng trên 250 hành khách/lượt, có khả năng vận hành trong điều kiện gió cấp 7. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự cố, sức gió trên vùng biển Phú Quý chỉ khoảng cấp 5 - 6, thông tin đăng tải trên báo Người lao động.
Cũng trên báo này, sau khi sự cố xảy ra, ông Phạm Văn Nam, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho rằng: “Sự cố này chẳng có gì lớn. Khi nào tàu sửa xong, chuẩn bị vận hành thì phải kiểm định lại”.
Nhiều độc giả đã vô cùng bất bình trước thái độ này của ông Nam, bạn haan chia sẻ trên linkhay: "Sinh mạng của 180 hành khách là chuyện nhỏ hay sao? Cũng may được ứng cứu kịp thời, chứ như vụ Dìn Ký thì còn gọi là chuyện nhỏ nữa không?".
Cách sự cố này 1 tuần trước đó, vào chiều 7/6, tàu Petro 02 (thuộc Công ty Quang Hưng) chở khách đi từ bến Bạch Đằng (TPHCM) về cảng Cầu Đá (Vũng Tàu), khi chạy được 2/3 hành trình thì bất ngờ bị chết máy, trôi lênh đênh giữa dòng nước. Sự việc này khiến hàng chục hành khách, gồm nhiều phụ nữ và trẻ em trên tàu vô cũng hoang mang, lo lắng. Sau đó, Công ty Quang Hưng đã phải điều tàu Petro 03 ra ứng cứu và đưa toàn bộ hành khách về cảng Cầu Đá an toàn, chậm một tiếng rưỡi so với dự kiến. Được biết, tàu Petro 02 có sức chứa 128 hành khách và mới được đăng kiểm cách đây 2 tháng.
Vụ trục trặc tàu khách đầu tiên kể từ sau ngày xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký khoảng 10 ngày. Đó là vào tối 30/5, do mưa to gió lớn, tàu cánh ngầm Greenlines 02 thuộc Công ty CP Dòng Sông Xanh do thuyền trưởng Lê Bá Minh điều khiển chở 45 khách rời cảng Bạch Đằng (TP HCM) đi Vũng Tàu đã mắc kẹt trên sông Dinh khiến gần 50 hành khách trên tàu hoảng loạn.
Trở lại vụ chìm tàu Dìn Ký hôm 20/5, sau khi sự cố xảy ra quả bóng trách nhiệm cứ bị đá qua đá lại. Ông Đàm Trọng Cường - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, ở Bình Dương chưa có trung tâm nào đủ khả năng kiểm định phương tiện thủy nội địa. Do vậy, vấn đề quản lý cấp phép hoạt động những loại hình tàu du lịch trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn thuộc trách nhiệm quản lý của Chi cục Đường thủy nội địa khu vực phía nam, còn phía tỉnh chỉ quản lý các bến khách sang sông.
Về phía lãnh đạo địa phương, ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An cho biết, việc có cho phép tàu này hoạt động hay không ngoài tầm kiểm soát của UBND thị xã Thuận An. Việc theo dõi tàu Dìn Ký hoạt động trên sông còn phụ thuộc vào thẩm quyền của nhiều nơi.
Mẫn Chi (Tổng hợp)
VNN
0 nhận xét