Năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân để giúp ngư dân tại địa phương yên tâm bám biển. Tuy nhiên, sau gần hai năm, tên quỹ thì đã có nhưng quỹ vẫn chưa thể đi vào đời sống ngư dân.
Trong khi đó, hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi gặp rủi ro trên biển đang chờ được tiếp sức để tiếp tục ra khơi. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đang quyết liệt tìm nhiều giải pháp để giúp quỹ thoát khỏi tình trạng “trùm mền” lâu nay...
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến 2010, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 395 tàu cá bị chìm trên biển và 126 tàu cá bị hư hỏng do thiên tai gây ra, 109 người chết, 36 người bị thương. Cũng trong thời gian này, có 14 tàu cá Quảng Ngãi bị “tàu lạ” đâm chìm. Hầu hết những chủ tàu thuyền và số ngư dân bị nạn này đều có hoàn cảnh khó khăn nên không ít người đã không có điều kiện tiếp tục ra khơi mưu sinh, đời sống vô cùng chật vật…
Hỗ trợ trước mắt, động viên là chính
Lâu nay tỉnh Quảng Ngãi đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể để phần nào giúp ngư dân yên tâm bám biển. Cụ thể, nếu ngư dân không may bị nạn chết trên biển thì gia đình được hỗ trợ 2 triệu đồng/người tử nạn, bị thương được hỗ trợ 500.000 đồng/người. Trường hợp người thân của gia đình các ngư dân bị nạn trên biển quá khó khăn thì tỉnh cấp gạo hỗ trợ liên tiếp trong ba tháng (15 kg/khẩu). Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ này không thể nhận ngay được mà phải qua nhiều thủ tục mới thực hiện nên thường không kịp thời.
Những con tàu bị nạn, hỏng hóc như thế này rất cần được hỗ trợ để sớm trở lại biển khơi. Ảnh: V.QUÝ
Bên cạnh đó, tàu cá hoạt động trên biển nếu bị sự cố, gặp rủi ro do thiên tai, do những chuyện bất ngờ trên biển,… dẫn tới hư hỏng, mất tàu thì cũng được hỗ trợ bằng tiền tùy theo công suất của mỗi tàu cá. Ví dụ một tàu đánh cá công suất trên 400 CV trị giá gần 2 tỉ đồng nhưng ở Quảng Ngãi từng thực hiện mức hỗ trợ cao nhất cũng chỉ 110 triệu đồng... Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ cũng không đủ bù đắp nổi thiệt hại của ngư dân, chỉ mang tính động viên là chính.
Mỗi người góp một ngày lương
Những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong việc hỗ trợ ngư dân bám biển là đáng trân trọng. Tuy nhiên, chuyện hỗ trợ này cũng chỉ như muối bỏ bể bởi chỉ giúp cho ngư dân tạm vượt qua khó khăn trước mắt chứ chưa giúp họ bám biển dài lâu. Vì vậy, năm 2009, Quỹ hỗ trợ ngư dân đã ra đời nhưng đến nay vẫn chưa giúp được gì cho ngư dân. “Theo quy định, Quỹ hỗ trợ ngư dân muốn đi vào hoạt động thì phải có nguồn tiền ban đầu là 500 triệu đồng. Do huy động sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân hảo tâm chưa đủ nên quỹ này vẫn… giậm chân tại chỗ” - ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, phân trần.
Tại cuộc họp bàn cách để sớm đưa Quỹ hỗ trợ ngư dân đi vào hoạt động ngày 14-6, ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.600 tàu thuyền với bốn vạn lao động hoạt động trên biển. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân là cần thiết nhằm hỗ trợ, giúp ngư dân bị nạn trên biển sớm phục hồi ngư cụ và tàu thuyền để ra khơi đánh bắt hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Ông Nhi cho biết nguồn tiền gầy dựng quỹ không lấy từ ngân sách Nhà nước mà đi huy động sự chung tay đóng góp của cộng đồng nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh sẽ cố gắng đưa Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đi vào hoạt động trước mùa mưa lũ năm nay (từ tháng 9 trở đi). “Cụ thể trong vài ngày tới, tỉnh sẽ phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong tỉnh đóng góp một ngày lương vào quỹ. Tiếp theo đó là vận động 1,2 triệu người dân Quảng Ngãi cùng chung tay đóng góp gầy dựng quỹ lớn mạnh. Sau các bước này, tỉnh sẽ lần lượt kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ để quỹ có thể hoạt động hiệu quả” - ông Nhi nói.
Vợ con của ngư dân Nguyễn Đảng ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ sau khi chồng mất tích. Ảnh: V.QUÝ
Theo ông Phan Huy Hoàng, khi quỹ đi vào hoạt động, nguồn tiền ban đầu có hạn thì chỉ có thể hỗ trợ trực tiếp cho các ngư dân và tàu cá bị nạn để họ có điều kiện tiếp tục bám biển. Nếu gầy dựng được nguồn quỹ lớn và quy mô thì sẽ tính toán, xây dựng lại phương án để có cách thức hỗ trợ hợp lý và dài hơi hơn. “Có thể hướng đến việc hỗ trợ ngư dân địa phương cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, hỗ trợ trang bị cho ngư dân ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại… Trong sáng 15-6, Hội đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị có hướng giải quyết để sớm đưa quỹ này vào hoạt động” - ông Hoàng cho biết.
Cùng ngư dân bám biển Báo Sài Gòn Tiếp Thị, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), Ban giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vừa thống nhất xây dựng chương trình Cùng ngư dân bám biển. Đây là một chương trình vận động dài hạn trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội với những hoạt động chính: Hỗ trợ tài chính cho ngư dân thông qua hoạt động cho vay với lãi suất thấp; tài trợ cho ngư dân mua bảo hiểm; chăm lo cho con em ngư dân trong việc học và về dinh dưỡng sức khỏe; tài trợ học bổng cho con em ngư dân; tài trợ học bổng cho sinh viên theo học những nghề khai thác biển, hỗ trợ giáo viên và thầy thuốc phục vụ đảo xa; hỗ trợ xây dựng lực lượng cứu hộ tự quản của ngư dân tăng cường khả năng ứng cứu, phòng tránh tai nạn trên biển; hỗ trợ kỹ năng an toàn đi biển, kiến thức về pháp lý nhằm tiến hành các hoạt động khai thác biển, tuân thủ luật pháp, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. Trước mắt, chương trình triển khai hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, sau đó sẽ mở rộng tại những địa bàn khác. Những hoạt động cụ thể của chương trình dự kiến sẽ triển khai từ cuối tháng 6-2011, theo nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, công khai, minh bạch. |
LUẬN NGỮ
Pháp luật TPHCM Online
0 nhận xét