Diễn đàn kinh tế Việt Nam giới thiệu bài bình luận cuối tuần qua của The Economic Obsever, tờ tuần báo về kinh tế phát hành tại các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc.
Có bao nhiêu quan chức Trung Quốc tham nhũng đã trốn ra nước ngoài? Họ đã cất giấu được bao nhiêu tiền? Làm thế nào mà những người này có thể chuyển được một khoản tiền khổng lồ như vậy qua biên giới? Vụ phát giác khoản tham nhũng 120 tỷ USD của các quan chức nhà nước Trung Quốc đã thực sự gây choáng váng với thế giới.
Tiền tham nhũng = Tiền đầu tư cho giáo dục trong... 20 năm!
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa công bố một bản báo cáo mang tên "Làm cách nào mà quan chức tham nhũng có thể chuyển tài sản ra nước ngoài, và một bài học về công tác quản lý". Bản báo cáo đã trích dẫn những số liệu dựa trên nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Kể từ năm 1990, số lượng đảng viên Đảng cộng sản và quan chức chính phủ, nhân viên an ninh công cộng, cán bộ tư pháp, nhân viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, và các thành viên quản lý cấp cao của những doanh nghiệp nhà nước bỏ trốn khỏi Trung Quốc đã lên đến con số 18.000. Đi kèm với đó là sự biến mất của khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (hơn 120 tỷ USD).
Các quan chức TQ trong một phiên toà xử tham nhũng tại tỉnh Phúc Khiến, scandal tham nhũng lớn nhất TQ năm 2010. (Ảnh: Reuters) |
Trung bình, mỗi quan chức tham nhũng lấy cắp khoảng 50 tỷ nhân dân tệ (hơn 7 triệu USD). Bởi đây chỉ là một sự ước lượng, những con số trên thực tế có thể lớn hơn nhiều. Một vài phương tiện truyền thông gần đây đã tiết lộ rằng vợ của Phó kỹ sư trưởng của bộ Đường sắt Trung Quốc, Zhang Shuguang, người mới đây bị bắt vì tội tham nhũng, sở hữu ba căn biệt thự sang trọng ở Los Angeles, và có tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sỹ lên tới 2,8 tỷ USD. Điều này đã cho thấy một phần nhỏ của những gì đang diễn ra trên thực tế.
Biển thủ 120 tỷ USD và bỏ trốn: 8 điểm mục nát của hệ thống
Số lượng quan chức tham nhũng bỏ trốn khỏi Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang rất nghiêm túc trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Nhưng nếu sự tham nhũng, lơ là bổn phận và lạm dụng chức quyền là một chuyện bình thường, thì sự trốn thoát của những quan chức tham nhũng đã thể hiện một sự mục nát ở bên trong hệ thống. Nó đã thể hiện những thất bại trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.
Từ khi bắt đầu tham nhũng đến lúc tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài phải mất một khoảng thời gian. Những quan chức tham nhũng có thể ung dung sống ngoài vòng pháp luật trong thời gian này là thất bại đầu tiên của Trung Quốc.
Tiếp theo, khi quan chức tham nhũng chuẩn bị bỏ trốn, họ thường đưa vợ và con ra nước ngoài trước, sau đó ở lại Trung Quốc để hoàn tất những công việc cuối cùng. Những quan chức này gần như đã lộ ra bộ mặt tham nhũng của mình với những hành vi như vậy. Việc không thể vạch trần bộ mặt tham nhũng của những quan chức đó trong thời điểm này là một thất bại nữa đối với Trung Quốc.
Tại một đất nước mà dòng chảy vốn ra nước ngoài bị kiểm soát chặt chẽ, làm cách nào mà những người này có thể thành công trong việc chuyển các khoản tiền lớn ra nước ngoài? Đây là thất bại thứ ba.
Còn đâu là thất bại thứ tư? Làm cách nào mà những người này có thể thay đổi nhận dạng của mình mà không bị phát hiện. Họ thường có nhiều hộ chiếu và sử dụng nhiều danh tính khác nhau. Ví dụ như cựu chủ tịch tỉnh Vân Nam, Li Jiating, có đến 5 hộ chiếu, và tất cả đều là hộ chiếu thật.
Vụ việc quan chức tham nhũng số tiền khổng lồ và bỏ trốn khỏi TQ đã thể hiện những điểm mục nát của chính quyền TQ (Ảnh: Time) |
Cách mà những người này thoát khỏi sự trừng phạt là thất bại thứ năm của Trung Quốc. Việc dẫn độ liên quan đến hệ thống chính trị và tư pháp của hai quốc gia, mỗi quốc gia lại có quan niệm riêng về việc thi hành pháp luật. Thủ tục tư pháp thường rất phức tạp và dài dòng. Việc dẫn độ thường xuyên phải gặp khó khăn bởi một người bị tuyên bố tử hình vắng mặt không thể bị dẫn độ vì những lý do nhân quyền. Ngoài ra, Trung Quốc còn không ký hiệp ước dẫn độ với những quốc gia là địa điểm chính của những quan chức tham nhũng bỏ trốn là Mỹ hay Canada, vì vậy khi họ đã ra khỏi biên giới Trung Quốc, khả năng bị bắt và xét xử là gần như bằng không.
Ngay cả khi quan chức tham nhũng có bị bắt, Trung Quốc cũng không thể thu hồi lại được số tiền đã mất. Đây là thất bại thứ sáu. Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đưa ra các nguyên tắc trả lại tài sản bất hợp pháp, tuy nhiên trên thực tế thủ tục này rất khó thực hiện. Trung Quốc không chỉ phải chứng minh rằng những tài sản đó thuộc về mình, mà nước này còn phải chia sẻ một phần số tiền với các nước tham gia cùng hành động. Do đó số tiền còn dư lại và được chuyển về nước là không nhiều.
Và còn một thất bại thứ bảy: những kẻ đã bỏ trốn trót lọt sẽ "nêu gương" cho những kẻ tham nhũng vẫn còn ở trong nước. Nhiều người từng giữ các chức vụ cao và nắm giữ các bí mật quốc gia quan trọng, và các thế lực thù địch rất có thể sẽ tìm cách hối lộ những người này. Đây là một mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Với những lý do kể trên, việc quan trọng nhất là phải ngăn chặn tham nhũng ngay từ khi nó mới là mầm mống, thay vì đi bắt những kẻ phạm tội sau khi tham nhũng đã xảy ra.
Chính sách chống lại nạn rửa tiền hay buộc các nhân viên cấp cao trong chính phủ báo cáo tài sản cá nhân của mình sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Việc quản lý những quan chức có vợ con đi sang nước ngoài cũng không phải là một giải pháp. Hiệu quả sẽ chỉ đến khi có một hệ thống trong sạch mà ở đó không ai dám có hành vi tham nhũng.
Một vài phương tiện truyền thông đang đề xuất việc áp dụng một hệ thống công bố tài sản. Nếu được áp dụng, phương án này sẽ giống như việc "dùng dao mổ trâu để giết gà". Tuy nhiên, ít nhất phương án này cũng sẽ có tác dụng trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.
Minh Tiến (Theo The Economic Observer)
VEF
0 nhận xét