Ngoài tặng 500 triệu đồng làm “quà chia tay” cho một lãnh đạo về hưu, 3,4 tỉ đồng của Nhà nước đã bị các bị cáo “phù phép” vào túi riêng
Ngày 27- 6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án tham ô trong quản lý dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) liên quan đến nguyên tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18) Bùi Tiến Dũng và 8 đồng phạm.
Các bị cáo tại tòa
Diễn biến đáng chú ý tại tòa, ngay trong phần thủ tục, do thiếu vắng một số người liên quan đến vụ án, một số luật sư của các bị cáo đã xin hoãn phiên tòa. Luật sư Ngô Ngọc Thủy, người bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng, đề nghị dừng phiên tòa bởi lý do trong vụ án này không có bị hại.
Theo luật sư Thủy, theo cáo trạng số 13 của VKSND Tối cao, các cá nhân lãnh đạo Phòng Triển khai dự án 6 (PID6)– Ban Quản lý dự án 2, trước là Ban Quản lý dự án 18 – đơn vị đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý thi công dự án cầu Bãi Cháy - và các cá nhân lãnh đạo của ban điều hành các gói thầu BC1, BC2, BC3 đã móc nối với nhau lập hồ sơ khống nhằm tham ô tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 2, kỹ sư tư vấn và các nhà thầu đã rà soát khấu trừ lại khoản chi cho nhân viên tư vấn bổ sung ra khỏi hợp đồng trước thời điểm Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án. Do đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy do Bộ GTVT làm chủ đầu tư không bị thiệt hại. Chính vậy, Bộ GTVT không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và không là nguyên đơn dân sự trong vụ án này.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng: Việc vắng mặt những người liên quan, phiên tòa này diễn ra trong nhiều ngày, tòa sẽ tiếp tục gửi giấy triệu tập nên xét thấy không ảnh hưởng. Còn việc Bộ GTVT mà đại diện là Ban Quản lý dự án 2 không tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự là “tự tước bỏ quyền lợi của mình”.
Dự án cầu Bãi Cháy được đầu tư gần 1.380 tỉ đồng. PMU 18 được giao quản lý và thi công. Phạm Tiến Dũng (trưởng PID6 của PMU 18) phát hiện thấy có sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho nhân viên tại các gói thầu nên đã chiếm đoạt tiền Nhà nước bằng việc lập khống danh sách nhân viên tư vấn. Phạm Tiến Dũng gặp Bùi Tiến Dũng để xin ý kiến chỉ đạo và được đồng ý. Từ tháng 3-2003 đến tháng 2-2007, bằng cách làm này, họ đã rút được hơn 3,4 tỉ đồng “tiền lương”. Một trong những cách “vung tay” tiêu tiền chiếm đoạt của bị cáo Bùi Tiến Dũng là dùng 500 triệu đồng để làm “quà chia tay” phó tổng giám đốc PMU 18, ông Đỗ Kim Quý, khi về hưu.
Trong vụ án này, Phạm Tiến Dũng bị xác định giữ vai trò chủ mưu nhưng do đã chết trong quá trình tạm giam nên được đình chỉ, không truy tố. Tám bị cáo còn lại bị truy tố về tội “tham ô tài sản”. Riêng bị cáo Đỗ Kim Quý (nguyên phó tổng giám đốc PMU 18) bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (tội danh trước đó ông Quý bị truy tố là “không tố giác tội phạm”, về sau được đổi tội danh).
Đây là vụ án thứ 3 ông Bùi Tiến Dũng bị xem xét trách nhiệm hình sự trong thời gian làm tổng giám đốc PMU 18. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 6 - 7. Hôm nay (28- 6), phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi.
NGUYỄN QUYẾT (NLĐO)
0 nhận xét