Phim tài liệu Việt muốn bán được, chiếu có khách thì... phải thay đổi tư duy và cách làm.
Khán giả luôn đầy rạp trong những buổi chiếu phim tài liệu của nước ngoài
Kéo được hơn 3.000 khán giả tới xem 14 phim, Liên hoan Phim (LHP) Tài liệu Quốc tế lần thứ 3, vừa kết thúc tại Hà Nội, được đánh giá là “thành công ngoài mong đợi”. Đó là niềm vui của ban tổ chức. Còn với khán giả, bên cạnh những trải nghiệm thú vị có được từ các cuộc “đối thoại” hình ảnh, ai nấy đều nghiệm thấy có một khoảng cách vô hình giữa phim Việt và khán giả. Nói cụ thể ra thì đó là sự nhàn nhạt, bàng bạc của những vấn đề được đề cập; sự cũ kỹ, sáo rỗng trong cách thể hiện của một vài phim.
Thất vọng phim Việt
Vốn được xem là sở trường của điện ảnh Việt Nam nhưng nhiều năm trở lại đây phim tài liệu Việt không thực sự sắc nét, kể cả những phim đã được tôn vinh ở các giải thưởng điện ảnh trong và ngoài nước. Đã có không ít khán giả bày tỏ sự thất vọng khi xem Đất lạnh của đạo diễn Nguyễn Thước; Khoảng cách của đạo diễn Trần Phi; Lời ru thì buồn của Nguyễn Quý Mạnh Minh và Mạc Văn Chung… tại LHP lần này.
Chẳng phải vì đề tài cũ; cũng không hoàn toàn tại lời bình - mặc dù đây chính là một trong những nhược điểm của phim tài liệu Việt - nói ra rả, nói thay cho hình ảnh. Vậy thì nguyên nhân phim nhạt là vì đâu? Nghệ thuật vốn chẳng nệ cũ, mới về đề tài nếu người sáng tác nhận diện, khám phá vấn đề bằng một tư duy mới, tìm tòi và sáng tạo. Về điều này, có ý kiến cho rằng điện ảnh tài liệu thiếu hụt về đội ngũ kế cận. Sự ra đi của những tên tuổi như: Lê Mạnh Thích, Ngọc Quỳnh... một số khác thì “ở ẩn” như Trần Văn Thủy…, đã tạo ra khoảng trống của điện ảnh tài liệu khi đội ngũ kế cận vì nhiều lý do đã không thể tỏa sáng, thoát ra khỏi những “cái bóng” của thế hệ đi trước.
Phản biện lại ý kiến này, có người cho rằng đội ngũ kế cận có nhưng những người có khả năng bứt lên lại vấp phải những rào cản tâm lý từ chính những người có trách nhiệm hoặc thế hệ đạo diễn đàn anh nên đâm nản.
Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh tổ chức tại Hà Nội hồi năm ngoái, đạo diễn Phan Huyền Thư đã “vác” những nỗi buồn nghề nghiệp lên diễn đàn, khiến không ít người nóng mặt. Thư kể lại cảm giác bị “hất gáo nước lạnh” bởi chính một vài đồng nghiệp khi những tác phẩm đầu tay của cô được công chiếu. Họ bảo, đó không phải là phim, rằng cô cần phải ôm sách vở đi học lại. Sau đó, cũng những bộ phim ấy, Thư đã nhận được những giải thưởng đầu tiên. Một số trường ở nước ngoài cũng lấy phim của Thư để chiếu cho sinh viên tham khảo. Không mừng, thậm chí còn hoang mang vì không biết tại sao phim bị đồng nghiệp chê “không phải là phim” lại được trao giải, được lấy cho sinh viên nước ngoài tham khảo. Nhưng rồi sự đam mê kéo Thư đi, cô tiếp tục làm nhiều phim khác, tiếp tục nhận giải thưởng, nhận được nhiều hợp đồng làm phim. Số lượng giải thưởng, thừa tiêu chuẩn để xét danh hiệu NSƯT nhưng tên của Thư vẫn… nằm ngoài danh sách đề nghị xét tặng vì những lý do mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Giá trị của tự do sáng tạo
Tại LHP Tài liệu Quốc tế lần thứ 3 vừa qua, bộ phim Hãy nói - tập đầu tiên trong loạt phim có chủ đề về HIV/AIDS của Thư và đạo diễn Đào Thanh Tùng được chọn chiếu “cặp đôi” với phim Múa Pietragalla: Trên đầu mũi chân (Pháp). Bộ phim được thực hiện bằng kinh phí ngoài ngành điện ảnh, ê kíp làm phim được khuyến khích mở rộng biên độ trong sáng tạo, tung tẩy, thỏa sức tạo dấu ấn cá nhân ở một đề tài gợi hứng thú. Vì thế mà cuốn hút người xem.
Trong số các đạo diễn phim tài liệu đang hành nghề tích cực ở phía Bắc, Đào Thanh Tùng là một cái tên gắn liền với nhiều bộ phim xuất hiện trong các mùa giải thưởng gần đây. Nhưng có lẽ phải đến dự án phim Discovery Đào Thanh Tùng mới gây ấn tượng mạnh với người xem với bộ phim Lễ cải táng, kinh phí làm phim không dư dả, đề tài cũng chẳng lạ, ấy vậy mà người xem vẫn sởn da gà và bị ám ảnh khi xem phim. Lý giải, Tùng cho biết để có một Lễ cải táng ấn tượng trên màn ảnh, phía Discovery đã buộc ê kíp làm phim phải khảo sát thực địa, làm việc với các nhân vật trên thực tế nhiều lần rồi mới xây dựng kịch bản. Quan điểm dựng phim của họ táo bạo, gây ấn tượng mạnh trực diện. Nếu là ta duyệt, chắc nhiều đoạn đã bị cắt rồi.
Một cảnh trong phim Nghệ thuật bị đánh cắp
Đạo diễn Trần Phi - tác giả bộ phim Khoảng cách - đã nhận xét về bộ phim Cleveland chống lại phố Wall (Thụy Sĩ) có chung đề tài phản ánh hành trình tìm công lý của những người dân bị mất nhà cửa do lòng tham của những kẻ có quyền, có tiền: “Xem Cleveland chống lại phố Wall thấy các nhà làm phim không bị áp lực phải “giới hạn thời lượng” bởi kinh phí có hạn. Với 93 phút, họ mặc sức sáng tạo, đưa vào phim nhiều nhân vật, nhiều tình huống làm nổi vấn đề cần đề cập. Mặt khác, với Cleveland chống lại phố Wall, có thể thấy phim tài liệu cũng được quyền tưởng tượng, hư cấu trên cơ sở câu chuyện thật, nhân vật thật, bối cảnh thật.
Tâm sự của đạo diễn Trần Phi, có phần trúng với suy nghĩ của đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh, khi ông cho rằng: “Cái lỗi khiến phim nhạt, không phải ở lời bình mà là quan điểm làm phim tài liệu của các nhà làm phim Việt Nam. Khi khai thác một vấn đề nào đó, chúng ta vì quá e ngại mà có lúc không đề cao các quan điểm nghệ thuật bằng quan điểm chính trị. Như thế thì phim không hay và bị chủ quan. Nếu đạo diễn nghĩ rằng vì phim tài liệu là kể những câu chuyện về người thật việc thật nên thiếu chỗ để thăng hoa thì chắc chắn là sẽ không làm cho khán giả thăng hoa được. Sự sáng tạo, đổi mới phải được nằm trong chính tư duy của người làm phim”.
Tâm lý làm công ăn lương Sự khác biệt làm nên khoảng cách giữa phim tài liệu châu Âu và phim Việt Nam tại LHP Tài liệu Quốc tế vừa qua chính là các phim của nước ngoài được thực hiện bằng nguồn tiền do các nhà làm phim tự tìm kiếm. Muốn tìm được kinh phí, dự án phim phải thuyết phục được người bỏ vốn. Và để phim có thể bán được, các nhà làm phim phải cột chặt trách nhiệm và tâm huyết của mình với tác phẩm. Trong khi đó, hầu hết phim của ta được làm bằng tiền ngân sách. Không phải lo kinh phí nên tâm lý “làm công ăn lương” cũng xuất hiện và tồn tại ở nhiều nhà làm phim. Rồi cũng vì mong muốn kịch bản được duyệt, phim được thông qua, nên phải né tránh những vấn đề gai góc; các nhà làm phim tự gọt tròn tác phẩm trước khi trình hội đồng duyệt. Sau khi xem một số phim tài liệu của Việt Nam, nhiều khán giả nói: “ Nếu làm phim theo cách chạy theo sự kiện; kể lại một câu chuyện theo lối “thật thà”, hãy để truyền hình thực hiện các phóng sự, vừa nhanh, nóng, rẻ. Còn với phim tài liệu, nên thay đổi cách làm với một tư duy thực sự mới. Có vậy mới hy vọng phim có người xem, bán được, có chỗ đứng độc lập tại rạp, chứ không phải chỉ hy vọng… “chiều kèm” để đến được với người xem như hiện nay! |
Bài và ảnh: Hải Phương
NLĐ
0 nhận xét