Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa hai cực Mỹ và Trung Quốc đang nổ ra tại khu vực biển Đông.
Diễn biến này biểu hiện thông qua ba điểm: Liên minh quân sự Mỹ - Philippines, mâu thuẫn cũ Mỹ - Trung và quan điểm đối lập trên các diễn đàn.
Giáo sư Rommel C. Banlaoi. |
Ngoài ra ông còn làm việc với nhiều trường đại học và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Ông cũng đã nhận giải thưởng Hòa bình Arbani cùng cựu Tổng thống Corazon C. Aquino năm 2011.
Dưới đây là bài phân tích của Giáo sư Rommel C. Banlaoi về vấn đề biển Đông, đăng trên trang mạng Philstar:
Chiến tranh lạnh xảy ra khi ít nhất hai cường quốc tham gia vào một căng thẳng an ninh và có sự đối đầu quân sự nhất định. Điều này có thể biểu hiện thông qua các cuộc chiến tranh ủy thác, liên minh quân sự, tuyên truyền, gián điệp và cả chạy đua thương mại.
Đây cũng chính là những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Trong một cuộc họp chính thức với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario hôm 23/6, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã cam kết Mỹ sẽ giúp đỡ Philippines tăng cường quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông ngày càng gia tăng.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông không chỉ là một thách thức an ninh với Mỹ và Philippines mà còn là một mối đe dọa quân sự. Đây cũng là lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ lên lên tiếng cam kết hỗ trợ quân sự cho Philippines.
Để hiện thực hóa những cam kết này, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh việc nước này sẽ cung cấp cho Philippines những trang thiết bị quân sự chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Lực lượng quân sự Philippines cũng đã lên một “danh sách mua sắm” quân sự nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc lãnh hải.
Tuyên bố của bà Clinton báo hiệu một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trên biển Đông.
Không phải cho đến gần đây, khi các quan chức cấp cao đưa ra những cam kết, Mỹ và Philippines mới có mối liên hệ quân sự bền chặt.
Tàu khu trục của Mỹ tham gia tập trận cùng Philippines |
Từ năm 1951, thông qua Hiệp ước Quốc phòng chung (MDT), Philippines đã là đồng minh quân sự của Mỹ trong cuộc Chiến tranh lạnh chống lại khối Liên Xô.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi kể từ năm 1991, liên quan đến Hiệp ước Căn cứ quân sự 1947 (MBA). Việc chấm dứt Hiệp ước này diễn ra đồng thời với kết thúc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Khi Mỹ rút quân khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic (Philippines). Đây là giai đoạn, quan hệ song phương suy thoái nhanh chóng.
Lợi dụng thời điểm này, Trung Quốc thông qua tuyên bố biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) có chủ quyền thuộc về họ (năm 1992). Trước hành động đó, Mỹ chỉ đưa ra những phản ứng khó hiểu, mơ hồ và nhấn mạnh họ sẽ vẫn quan tâm đến vấn đề quần đảo Trường Sa.
Năm 1995, Trung Quốc gây xung đột ở Trường Sa (dùng vũ lực chiếm đá Vành Khăn) thúc đẩy Mỹ và Philippines đổi mới trong mối quan hệ quân sự nhằm ngăn chặn những sóng gió Trung Quốc gây ra ở quần đảo Trường Sa. (*)
Đến năm 1999 Thượng viện Philippines đã phê chuẩn Hiệp định Thăm viếng lực lượng Mỹ - Philippines (VFA) để hợp thức hóa cho việc quân đội Mỹ hiện diện và tập trận chung với Philippines.
Hiệp ước này cũng được coi là nền tảng của liên minh quân sự Mỹ Philippines. Dù đã kí vào Hiệp định song thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa vẫn không có gì mới. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Mỹ hiện diện ở Philippines vào năm 2001 như một phần của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (GWOT).
Trên cơ sở hoạt động chống khủng bố, mối quan hệ hai nước ngày càng gắn bó. Năm 2002, Hiệp định Tương trợ hậu cần (MLSA) đã được kí kết, ngay sau đó hai nước đã thành lập Lưc lượng hoạt động đặc biệt chung ở, trụ sở ở thành phố Zamboanga, Philippines.
Một dấu hiệu khác cho thấy đang nổi lên Chiến tranh Lạnh giữa Trung - Mỹ là sự kiện 5 tàu Trung Quốc “quấy nhiễu” USS Impeccable – một tàu quét thủy lôi của Hải quân Mỹ. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu Mỹ đã xâm phạm vùng biển của nước này, trong khi Mỹ lại cho đây là vùng biển quốc tế tàu bè qua lại tự do.
Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung về vấn đề Trường Sa cũng thể hiện qua những trao đổi song phương tại các diễn đàn quốc tế khác nhau như Diễn đàn Châu Á Thái Bình Dương APEC, Đối thoại Shangri La và các cuộc họp của ASEAN có liên quan đến hai cường quốc.
Tại các diễn đàn, Mỹ luôn khẳng định quốc gia này có lợi ích an ninh ở Biển Đông, nhấn mạnh sự tham gia của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp, đảm bảo tương trợ cho các đồng minh.
Trái lại, Trung Quốc đưa ra luận điểm biển Đông là một phần lơi ích cốt lõi của Trung Quốc, giống như Tây Tạng và Đài Loan. Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình đồng thời muốn Mỹ tránh xa khỏi căng thẳng trong khu vực.
Philippines cũng có liên quan đến cuộc Chiến tranh Lạnh ở biển Đông. Là một đồng minh thân cận của Mỹ, Philippines sẽ đứng về phía quốc gia này. Nhưng một khi Chiến tranh lạnh lần hai đạt đến đỉnh điểm, liệu chính phủ Philippines có trở thành đội quân ủy thác trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung? Không ai mong muốn chiến tranh. Dù nóng hay lạnh. Đó cũng là điều tất cả các quốc gia có chủ quyền cần phải ngăn chặn.
(*) Trên thực tế, sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn diễn ra năm 1994.
0 nhận xét