|
Phe nổi dậy Libya mấy ngày nay đã liên tiếp giành được những thắng lợi về mặt ngoại giao khi có thêm nhiều nước chính thức công nhận tính hợp pháp của họ. Hôm qua (14/6), Canada đã trở thành nước mới nhất sau Đức tuyên bố coi phe nổi dậy Libya là đại diện hợp pháp của người dân đất nước Bắc Phi.
Ngoại trưởng John Baird cho biết, Canada đã chính thức công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của phe nổi dậy là “đại diện hợp pháp của nhân dân Libya trên con đường phát triển tiếp theo”.
Như vậy, Canada trở thành quốc gia thứ 14 công nhận tính hợp pháp của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Đức – ông Guido Westerwelle đã có chuyến thăm đến Benghazi để tiếp xúc với lực lượng nổi dậy Libya. Trong chuyến thăm này, ông Westerwelle đã tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi giờ đây “đã mất hoàn toàn tính hợp pháp” và Berlin coi Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là “đại diện hợp pháp duy nhất” của nhân dân Libya.
Phản ứng trước diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Libya cho rằng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức đến Benghazi là một “hành động vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Tripoli. Hành động “vô trách nhiệm” đó sẽ “không giúp gì cho nỗ lực của các tổ chức quốc tế và khu vực trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những chuyện đang xảy ra ở Libya”, Bộ Ngoại giao Libya nhấn mạnh.
Cũng trong ngày hôm qua, Liberia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya đúng một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các quốc gia Châu Phi gây sức ép buộc ông Gaddafi từ chức.
Senegal và Gambia là hai quốc gia Châu Phi duy nhất công nhận phe nổi dậy Libya là đại diện hợp pháp của nhân dân nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hôm qua đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch không kích của NATO đang lạm dụng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về bảo vệ dân thường vào mục đích thay đổi chính quyền và thực hiện “các cuộc ám sát chính trị cũng như chiếm đóng quân sự".
Theo ông Zuma, hành động của NATO đang làm phương hại đến nỗ lực của Liên minh Châu Phi trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Bắc Phi.
VnMedia
0 nhận xét