Mới đây, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ), Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1. Theo quy hoạch, vào năm 2020, vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc có diện tích gần 19.000ha, trong đó diện tích thuộc thành phố Thái Nguyên trên 5.400ha, diện tích thuộc huyện Đại Từ trên 10.000ha và diện tích thuộc huyện Phổ Yên hơn 3.400ha.
Hồ huyền thoại
Hồ huyền thoại
Hồ Núi Cốc nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 16 km về phía tây. Từ thành phố Thái Nguyên du khách có thể đi qua những nương chè Tân Cương, đi hết những rừng cây liên tiếp nối nhau, sẽ thấy hồ hiện ra trước mắt. Đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn gắn với huyền thoại về chuyện tình nàng Công và chàng Cốc.
Theo các tài liệu chính thức, hồ Núi Cốc gồm một đập chính dài 480m và 7 đập phụ. Mặt hồ rộng mênh mông với hơn 89 hòn đảo lớn nhỏ bao gồm: đảo rừng xanh, đảo cư trú của những đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê; đảo núi Cái nơi trưng bày các cổ vật từ ngàn xưa để lại và đảo đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn Vốn là một hồ nước ngọt nhân tạo tại tỉnh Thái Nguyên…
Hồ Núi Cốc sẽ trở thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Ảnh: Exorcist. |
Đến với khu du lịch hồ Núi Cốc, khách tham quan sẽ có cơ hội hưởng thụ nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan và nghỉ dưỡng như: du thuyền trên mặt hồ thăm các đảo; thăm huyền thoại cung (nghe kể truyền thuyết câu chuyện tình thuỷ chung chàng Cốc - nàng Công); thăm công viên cổ tích, vườn thú, vui chơi ở công viên nước.
Ngoài ra, tại đây có hệ thống khách sạn, nhà hàng ăn uống phong phú từ bình dân đến cao cấp... Trong nhiều năm nay, hồ Núi Cốc đã trở thành một địa chỉ tham quan hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Vùng du lịch trọng điểm quốc gia
Dự tính đến năm 2020, dân số toàn vùng quy hoạch từ 60.500 đến 62.000 người; đến năm 2030 từ 68.000 đến 70.000 người. Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng rừng tự nhiên, phòng hộ và Khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị.
Trong vùng du lịch quốc gia, hồ Núi Cốc dự kiến có 5 khu chức năng: khu du lịch, thể thao và thương mại dịch vụ tổng hợp phía Đông Bắc hồ thuộc các xã: Tân Thái, Phúc Xuân; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng phía Tây Nam hồ thuộc các xã Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Phú Tân; Khu trung tâm hành chính mới và du lịch sinh thái tại xã Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương; Khu đô thị và dịch vụ du lịch tại thị trấn Quân Chu; Khu lâm viên - rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trước mắt, trong giai đoạn 2011-2015, đơn vị quy hoạch đề xuất tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Núi Cốc, dự án khu bảo tàng chè, trung tâm văn hoá chè, dự án xây dựng bến du tuyền và khu thể thao nước, dự án các khách sạn, khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ.
Bảo Bình// Đất Việt
0 nhận xét