Ngành nông nghiệp Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn trong thời gian tới nếu như một dự luật về nhập cư mới được Quốc hội nước này thông qua. Dự luật nói trên yêu cầu tất cả các doanh nghiệp Mỹ phải tuyển dụng lao động thông qua hệ thống E-Verify khẳng định, những lao động này có quyền hợp pháp được làm việc tại Mỹ.
Nông dân Mỹ (ảnh minh họa: Internet, Blog Thời Sự trích dẫn) |
Dự luật này được xem là biện pháp nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho công dân Mỹ nhưng lại là một đòn mạnh giáng vào ngành nông nghiệp của nước này, lĩnh vực có tới 80% lao động là người nhập cư bất hợp pháp. Nghị sĩ Zoe Lofgren, thuộc đảng Dân chủ ở bang California, một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp của Mỹ, cho biết các chủ trang trại hiện lo ngại đội ngũ lao động của họ chuẩn bị biến mất.
Một chủ trại cam ở hạt Fresno nói: “Nếu phải sử dụng hệ thống E-Verify, chúng tôi sẽ đóng cửa không làm nữa, còn nếu không, người lao động sẽ bị bỏ tù. Chúng tôi thừa nhận rằng, nhiều lao động đang làm việc bất hợp pháp. Nhưng nếu quý vị muốn loại toàn bộ số lao động này, chúng tôi sẽ kiếm đâu ra người làm? Chẳng ở đâu cả! Chúng tôi cần một lực lượng lao động có thể bổ sung vào hệ thống này”.
Thực tế, không phải các chủ nông trại không muốn thuê các lao động hợp pháp hay thuê người Mỹ, mà vì điều này gần như là không thể do mức lương khá thấp, còn công việc lại rất vất vả. Mức lương những lao động trong ngành nông nghiệp Mỹ được trả dao động từ mức tối thiểu khoảng 7 USD/giờ cho tới hơn 20 USD/giờ, nhưng thường được tính công theo sản phẩm. Theo đó, các lao động làm càng nhanh họ càng kiếm được nhiều tiền. Một nông dân hái nấm làm việc tốt nhất cũng chỉ kiếm được khoảng 35.000-40.000 USD/năm. Khoản thu nhập như vậy không mong có thể mang lại cho họ cuộc sống khấm khá, cho nên người Mỹ không mặn mà gì với công việc này.
Năm 2010, Hội Nông dân Mỹ đã mở chiến dịch “Hãy làm công việc của chúng tôi” để kêu gọi người lao động Mỹ làm công việc đồng áng. Tuy nhiên, trong số khoảng 86.000 đơn nộp cho hội, chỉ có 11 người quyết định làm việc. Theo ông Arturo S. Rodriguez, Chủ tịch Hội nông dân Mỹ, điều đó chỉ ra những người lao động tại các nông trại không cướp việc làm của bất kỳ ai cả.
Manuel Cunha, Chủ tịch Nisei Farmers League, nhóm đại diện cho người nông dân trồng trọt tại miền trung California, cho biết các chủ trang trại không có đủ tiền để xác minh thân thế của người lao động, khi mà họ thường tuyển dụng lao động theo thời vụ và khi cần phải nhanh chóng thu hoạch những nông phẩm đã chín. Theo ông, việc bắt họ phải làm rõ tình trạng pháp lý của người lao động sẽ được coi là “thảm họa”.
Ông Bob Stallman, Chủ tịch Liên hiệp Hội Nông nghiệp Mỹ, cho biết ngành nông nghiệp đóng góp vào nền kinh tế Mỹ khoảng 5-9 tỷ USD/năm. Vì vậy, để tránh một tương lai đen tối cho người nông dân cũng như ngành nông nghiệp Mỹ, cần phải cải tổ một cách toàn diện chính sách nhập cư. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak cho rằng, bất cứ một điều luật nào được ban hành cũng cần phải được xem xét cẩn trọng nhiều mặt, nhiều góc độ. Dự luật nhập cư mới cần phải tính tới những mặt đặc thù của lĩnh vực nông nghiệp, do đó cần phải có một số ngoại lệ dành cho lao động nông nghiệp.
Đỗ Văn
Theo SGGP
0 nhận xét