Cái chết thương tâm của nữ công nhân bị bảo vệ dùng ô tô tông chết không chỉ đắng lòng người ở lại mà còn gây bức xúc cho tất cả công nhân cùng chung cảnh ngộ
Đám tang của chị Nguyễn Thị Liễu (ở xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dầm trong mưa như trút. Nước mắt xót thương của người thân, nỗi đau hằn trên gương mặt khắc khổ của người chồng và đau lòng hơn là tiếng nấc của hai đứa con còn nhỏ dại.
Bơ vơ người ở lại
Hàng trăm đồng nghiệp của chị Liễu tại Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam đến chia tay chị lần cuối. Nhiều đồng nghiệp đã rơi nước mắt không chỉ cho chị Liễu mà còn cho cả hoàn cảnh tang thương của gia đình chị. Căn nhà chị Liễu ở cách công ty khoảng 10 km, tuềnh toàng không có vật gì đáng giá. Đứng bết trong bùn đất, hai con chị cứ ngơ ngác nhìn di ảnh mẹ.
Chị Liễu lấy chồng năm 2002, rồi lần lượt sinh hai cháu bé. Cháu lớn là Nguyễn Thị Thảo, 9 tuổi, năm nay lên lớp 3; cháu nhỏ là Nguyễn Văn Hiệp, 6 tuổi, học lớp 1. Bố chồng chị bị nhiễm chất độc da cam nên ảnh hưởng tới hai con là chồng chị, anh Nguyễn Văn Hiển và một người em gái. Bị ảnh hưởng bởi bệnh tật nên xin việc ở nhiều nơi, anh Hiển luôn bị từ chối nên nay ở nhà cấy mảnh ruộng nhỏ, nuôi gà kiếm đồng ra đồng vào. Chị Liễu về nhà chồng và trở thành trụ cột gánh vác gia đình. Trong khi đó, gia cảnh nhà chị Liễu cũng đáng thương không kém. Cả nhà từng vào Lâm Đồng lập nghiệp. Song bố chị phải lòng người đàn bà khác nên bốn mẹ con chị đành dắt díu nhau về quê sinh sống.
Hai con của chị Liễu ngơ ngác bên di ảnh mẹ
Gia cảnh ngày càng khó khăn hơn khi bố chồng chị bị ung thư. Nhà cửa có gì bán được, chị mang đi bán hết để lo cho bố chồng. Chị phải tất tả đi vay tiền khắp nơi để vừa chữa trị cho bố chồng vừa phải duy trì gia đình mình. Khoản nợ hơn 10 triệu đồng của ngân hàng và hơn 30 triệu đồng từ bà con, bạn bè vẫn chưa trả được.
“Đám tang cho người chết đã xong, nhưng người sống phải sống tiếp thế nào”, chị Nguyễn Thị Nguyệt, chị chồng của chị Liễu, thở dài. Anh Hiển một mình làm nông nghiệp khó lòng nuôi sống hai cháu nhỏ. Cả hai cháu đang tuổi lớn, đến cái ăn, cái mặc hai anh chị còn phải chật vật mới lo được, huống hồ là chuyện học hành cho tới nơi tới chốn. Bà Nguyễn Thị Lựu, 79 tuổi, mẹ chồng chị Liễu, ôm lấy cô con gái bị chất độc da cam khóc trong nước mắt: “Sao ông trời lại bất công với gia đình tôi như vậy?”.
Thương bạn, thương mình
Trong khi đó, 6 công nhân khác nằm trong viện cũng không kém xót xa. Tại Bệnh viện Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, còn 5 người bị thương nặng đang được điều trị. Chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1984, ở xã Thủy Xuân Tiên) đang mang thai 7 tháng vẫn chưa hết bàng hoàng. Sau cú tông xe của bảo vệ, chị bị đập mặt xuống đất, gãy xương vai và trầy xước rất nặng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1983, ở xã Trường Yên) thì bị dập cơ chân trái; chị Nguyễn Thị Hương (SN 1977, ở xã Thanh Bình) bị dập xương gót chân… Bị thương nặng nhất là chị Nguyễn Thị Lan (29 tuổi, ở xã Đông Phương Yên) bị vỡ nát xương chậu, rạn xương đầu gối phải chuyển lên Bệnh viện Quân y 103 điều trị.
Trong khi đó, tại công ty, hàng trăm công nhân vẫn tiếp tục kiên trì đình công dưới mưa đòi quyền lợi. Nhiều công nhân không chỉ thương chị Liễu mà còn thương cho phận mình. Lương mỗi người chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, phải khéo lắm mới đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày. Nhiều công nhân không giấu nổi bức xúc: “Chị Liễu đã hy sinh vì việc này, không lẽ chúng tôi lại bỏ cuộc?”.
Ngày 24-6, Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra quyết định tạm giam Lê Tuấn Minh (SN 1977, ở Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ) về tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Luật sư Nguyễn Xuân Bính, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng (Hà Nội), cho rằng hành vi này là hành vi cố ý nên phải bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích hoặc giết người. |
Tăng lương cho công nhân Chiều 24-6, đại diện UBND, LĐLĐ huyện Chương Mỹ, Ban Quản lý các KCN-KCX Hà Nội đã làm việc với ban giám đốc Công ty Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam. Lãnh đạo công ty đã chấp nhận một phần trong số 23 kiến nghị của công nhân: Từ ngày 1-7 nâng lương cho công nhân lên 1,68 triệu đồng/người/tháng; tăng tiền ăn từ 10.000 lên 15.000 đồng/suất; tăng tiền chuyên cần từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng; trợ cấp tiền thuê nhà 200.000 đồng/tháng; trợ cấp đi lại 200.000 đồng/tháng. Đối với những nạn nhân bị bảo vệ lái ô tô tông, công ty hỗ trợ cho người chết trước mắt 25 triệu đồng, công nhân bị thương nặng 10 triệu đồng/người, công nhân đang có thai sản bị thương 7 triệu đồng/người, các công nhân bị thương khác 5 triệu đồng/người. |
Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Theo NLĐ
0 nhận xét