Đổi mạng bằng 5000 đồng
7h30 sáng 23/6, theo lời hẹn, các công nhân của công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam thuộc khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội)- một công ty có vốn đầu tư từ Đài Loan- đã tập trung trước cổng vào của công ty để đình công, yêu cầu ban lãnh đạo nâng chế độ ăn uống và xăng xe.
Chưa gặp được lãnh đạo công ty thì một bảo vệ của công ty này đã lái xe đâm thẳng vào đám đông khiến một người chết, 6 người khác bị thương. Người có hành vi táo tợn này là Lê Tuấn Minh, tổ trưởng tổ bảo vệ công ty Giai Đức được gần 2 tháng.
Một trong 6 công nhân bị thương vì bị xe tải do Lê Tuấn Minh đâm vào khi tham gia đình công. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Chị Lý Thị Liễu là nạn nhân xấu số nhất trong đám đông công nhân tập trung đình công để đòi tăng chế độ ăn uống và xăng xe. Ngay sau khi chị Liễu chết vì bị xe tải cán qua cổ, Công ty Giai Đức đã tăng lương cơ bản lên 1.680.000đ; tăng mức ăn ca từ 10.000đ/bữa lên 15.000đ/bữa; tiền chuyên cần trước kia chỉ có một số bộ phận được hưởng, nay những công nhân lao động đủ yếu tố ràng buộc đều có tiền chuyên cần là 100.000đ/người.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn trả tiền trợ cấp công nhân khu nhà trọ mức 200.000đ/người/tháng và tiền đi lại 200.000đ/người/tháng (hai khoản này trước kia không có).
Đình công ở Việt Nam ngày một tăng
Việc đổi mạng của một người để tăng thêm 5000 đồng/bữa ăn cho số các công nhân còn lại thực sự là sự chua sót lớn lao đối với những người lao động đang làm việc tại Giai Đức và những công nhân lao động khác trên toàn quốc.
Việc đổi mạng của một người để tăng thêm 5000 đồng/bữa ăn cho số các công nhân còn lại thực sự là sự chua sót lớn lao đối với những người lao động đang làm việc tại Giai Đức và những công nhân lao động khác trên toàn quốc.
Trước cái chết của chị Lý Thị Liễu hơn 10 ngày, ngày 8/6 đã có hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Vietnam WaCoal (Khu công nghiệp AMATA - TP. Biên Hòa, Đồng Nai) nghỉ làm tập thể để phản đối về chế độ lương thưởng, phụ cấp và kỷ luật hà khắc tại công ty thời gian gần đây. Theo phản ánh của công nhân, chế độ phụ cấp hiện nay của công ty đối với công nhân còn quá thấp, mức lương cơ bản đối với công nhân có thâm niên (trên 10 năm), chỉ 2,9-3 triệu đồng/tháng.
Lê Tuấn Minh bị dẫn giải về cơ quan điều tra. Hiện đối tượng này đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng để phục vụ điều tra làm rõ sự việc. |
Ngoài ra, chế độ kỷ luật của Công ty Wacoal hết sức hà khắc: công nhân đi làm trễ quá 5 phút bị trừ 100% tiền chuyên cần (mức hiện nay là 200.000 đồng/tháng). Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM cho thấy từ đầu năm đến nay, các DN trong KCX-KCN mất hơn 30.000 lao động. Chủ yếu là lao động chuyển từ công ty này sang công ty khác hay trở về quê. Nguyên nhân vẫn là do bão giá, mọi thứ đều tăng trong khi lương công nhân không tăng hoặc tăng nhỏ giọt.
Tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội, tình trạng công nhân bỏ việc cũng diễn ra thường xuyên. Tại công ty Yamaha, từ đầu năm 2011 đến nay, cũng có nhiều công nhân nộp đơn xin nghỉ việc tại nhà máy. Lý do chủ yếu vẫn là do lương công nhân quá thấp, phổ biến từ 1,6-2 triệu đồng/ tháng, rất khó khăn để người lao động trang trải cuộc sống.
Cũng vì tranh đấu với chủ sử dụng lao động để được nâng lương, nâng các khoản tiền chế độ mà trong năm 2010, cả nước diễn ra 424 cuộc đình công, với một tỷ lệ lớn tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Đài Loan
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tính từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 3.402 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của người lao động.
Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 73,16%, các doanh nghiệp dân doanh chiếm 24,08%, khu vực chiếm ít nhất là các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 2,76%.
Riêng năm 2010, cả nước có 424 cuộc đình công. Phân loại các cuộc đình công theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 79,95% (339/424 cuộc); doanh nghiệp dân doanh 84/424 cuộc, chiếm 19,81% và doanh nghiệp nhà nước chỉ có 1 cuộc, chiếm 0,24%.
Phân loại theo đối tác đầu tư nước ngoài cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Đài Loan đang dẫn đầu với 128 cuộc, chiếm 37,76%. Tiếp theo là các doanh nghiệp Hàn Quốc có 109 cuộc, chiếm 32,15%; doanh nghiệp Nhật Bản có 26 cuộc, chiếm 7,67%; còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của các nước khác, chiếm 22,42%.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các cuộc đình công vẫn là do tiền lương và thu nhập của người lao động thấp, trong khi đó tình trạng lạm phát gia tăng, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.
Cái chết đầu tiên và sự cảnh tỉnh cho những người khác
Mặc dù theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm nào tình trạng đình công cũng diễn ra. Nhưng, việc có công nhân bị cán chết vì đình công thì đây là lần đầu tiên. Mặc khác, đau lòng nhất trong vụ việc bảo vệ lái xe tải đâm xe vào công nhân tham gia đình công dẫn đến cái chết của chị Lý Thị Liễu và khiến 6 người khác bị thương là dường như, hành động của bảo vệ Minh là do sự thúc giục của một người khác, một cán bộ quản lý của công ty Giai Đức. Tại cơ quan công an, Lê Tuấn Minh khai đã nhận được điện thoại của bà Đinh Thị Ái - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Giai Đức - yêu cầu bằng mọi giá phải đưa chiếc xe ô tô chở rác bị công nhân chặn ở cổng vào trong công ty. Minh đã đuổi lái xe xuống và tự mình điều khiển xe tông vào số công nhân trên. Hành động của Lê Tuấn Minh sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng điều băn khoăn là ngoài Minh, sẽ còn ai nữa ở Công ty Giai Đức bị xử phạt vì để xảy ra cái chết và bị thương của 7 công nhân không may mắn.
Cái chết của chị Lý Thị Liễu có lẽ là sự cảnh tỉnh cho tất cả những người khác, những công nhân còn có ý định đình công tự phát mà không nhờ sự can thiệp của các tổ chức quản lý lao động khác. Bởi, theo đánh giá của những chuyên gia trong lĩnh vực lao động, có một thực tế là vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động còn mờ nhạt
Ở nhiều nơi, tổ chức công đoàn chưa dám đứng ra đàm phán với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Và khi công nhân tổ chức đình công cũng không có sự hướng dẫn của công đoàn.
Trong khi đó, đa số công nhân chưa có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật, trình độ nhận thức còn hạn chế, lại nóng vội, do đó hầu hết các cuộc đình công xảy ra trong thời gian qua đều mang tính tự phát và không theo quy định của pháp luật. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, công nhân có thể không những không đòi được quyền lợi chính đáng cho mình, mà còn phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì vậy, có thể thấy, vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đàm phán với doanh nghiệp về những quyền lợi của công nhân là rất cần thiết. Nếu công đoàn đàm phán có hiệu quả với doanh nghiệp về quyền lợi của công nhân sẽ hạn chế tối đa các cuộc đình công. Trong trường hợp phải "nói chuyện" với doanh nghiệp bằng đình công, công đoàn cơ sở phải là tổ chức hướng dẫn công nhân đình công theo trình tự hợp pháp.
Lam Nguyên
VnMedia
0 nhận xét