"Thảm họa kép” xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản hơn 3 tháng trước ngày càng thể hiện rõ sự tác động tiêu cực đến ngành du lịch nước này. Vì thế, những công ty du lịch Nhật Bản gọi đây là “thảm họa bộ ba” của đất nước.
Theo Washington Post, ở xứ sở hoa anh đào, ngành du lịch cùng các ngành dịch vụ liên quan đóng góp đến 5,3% vào GDP quốc gia, giúp tạo 4,3 triệu việc làm năm 2008. Năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt khách quốc tế kỷ lục trong năm 2011. Thế nhưng, theo Tổ chức Du lịch quốc gia, lượng khách du lịch đến Nhật Bản trong tháng 4 vừa qua đã giảm 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty chuyên thực hiện các quyển sách du lịch bỏ túi Frommer của Mỹ cũng vừa công bố sẽ hoãn việc phát hành ấn bản Sách hướng dẫn du lịch Nhật Bản 2012 vì họ sợ lỗ vốn khi tung sản phẩm chưa đúng thời điểm.
Từ tháng 3 năm nay, cách “thu hút” khách du lịch cũng đã được điều chỉnh. Trước đây, các công ty lữ hành Nhật Bản thường dùng những câu từ đặc trưng để giới thiệu văn hóa quốc gia như: vẻ thu hút của các nàng geisha xinh đẹp, đỉnh núi Phú Sĩ tuyết phủ trắng xóa hay những đĩa sushi hấp dẫn. Giờ, thay vào đó là những dòng chữ bảo đảm an toàn sức khỏe của khách du lịch. Trên trang web của Tổ chức Du lịch quốc gia, mức độ phóng xạ ở các thành phố lớn của Nhật Bản và khắp nơi trên thế giới liên tục được cập nhật.
Một cách khôi phục hình ảnh quốc gia được Nhật Bản chú ý là đồng loạt công bố cũng như cung cấp hình ảnh cho các hãng thông tấn lớn trên thế giới hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung - bak và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên tháng trước. Những lãnh đạo này đã sử dụng một số rau củ được trồng ở gần khu vực nhà máy Daiichi. Đây cũng là cách mà Chính phủ Nhật Bản, thông qua các kênh truyền thông, dùng để “bảo chứng” cho sự an toàn của đất nước này.
Sự xuất hiện của những người nổi tiếng trên mọi lĩnh vực, từ văn hóa đến chính trị được xem là những dấu hiệu tích cực, thắp lên niềm hy vọng cho Chính phủ Nhật Bản trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch mà theo các chuyên gia, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thuyết phục thành công. Việc nam ca sĩ người Canada Justin Bieber có mặt ở hai thành phố lớn Osaka và Tokyo đã được giới chức Nhật Bản hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nghệ sĩ quốc tế e ngại, dẫn đến hủy hàng loạt chuyến lưu diễn.
Zensuke Suzuki, Giám đốc Điều hành quốc tế của Cơ quan Du lịch Nhật Bản nói rằng: “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người nhưng điều quan trọng là, nếu chỉ chúng tôi nói, thì chẳng ai tin”. Cách mà người Nhật đang dùng chính là “truyền thông kể chuyện”, một trong những xu hướng chính mà những chuyên gia tiếp thị nắm rất rõ, được biết đến với tên gọi “word of mouth”. Mỗi du khách đến đất nước này sau thảm họa sẽ là cầu nối, kể lại những câu chuyện về hình ảnh đất nước Nhật Bản. Đó là cách mà người Nhật đang nỗ lực đạt được, từ tốn như tác phong của họ.
Như Quỳnh// SGGP
0 nhận xét