Nước mắt chảy xuôi, người nào cũng vì con mà sẵn sàng hy sinh hết thảy. Nhưng cũng vì quá xót con cái mà nhiều ông bố, bà mẹ trẻ ngày nay không những thiếu quan tâm đến cha mẹ, thậm chí còn quay lại “tận dụng” sức già…
Xót con, không xót bố mẹ
Có một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy rõ, đó là ngày nay, đa số các ông bố, bà mẹ trẻ thường quan tâm, chăm sóc con cái một cách hết sức cẩn thận. Điều này không có gì đáng phê phán, nếu như không vì qua xót con mà nhiều người đã sẵn sàng quay sang tận dụng bố mẹ mình, còn hơn là tận dụng osin.
Kể từ lúc sinh đứa con đầu lòng thì “osin xịn” là từ mà nhiều người thường dùng để chỉ bà nội hoặc bà ngoại. Thôi thì trăm thứ bà dằn, cái gì cũng đến tay các bà. Nào là đi chợ, nấu ăn, nào là thức đêm thức hôm trông cháu… Có lẽ chính vì điều này mà hầu như cô con gái nào đi lấy chồng, rồi đến lúc có con cũng thốt lên câu “có sinh con mới biết lòng cha mẹ”.
Nhưng cái chân lý mà họ mới ngộ ra này, trên thực tế không khiến cho họ quay trở lại báo hiếu bố mẹ nhiều hơn. Mình lo cho con mình, còn mẹ mình lo cho… mình, thế là “hoà”, nhiều người đã nghĩ như vậy, và họ tiếp tục vô tư đón nhận sự chăm sóc, hy sinh của bố mẹ, trong khi đó thì dành hết tâm trí, tình cảm và tiền bạc để chăm bẵm cho con mình, cho đó là lẽ đương nhiên.
Chưa hết, những ông bố, bà mẹ trẻ còn dựa dẫm, thậm chí đòi hỏi bố mẹ mình phải chăm sóc con cái cho mình. “Ôi dào, ông bà về hưu rồi, không chăm cháu thì làm gì. Có ông bà, chả lẽ lại mang con đi gửi nhà trẻ khi nó còn nhỏ?” -các ông bố, bà mẹ nghĩ vậy, và nếu không được như thế, họ quay lại trách bố mẹ là “không thương con cháu”, là “ích kỷ”, là “già rồi mà chỉ thích đi chơi”…
“Thương con thật, nhưng nhiều lúc tôi cũng thấy buồn. Cả đời làm lụng vất vả nuôi con, đến lúc về hưu tưởng được nghỉ thì hết con gái, lại đến con dâu thi nhau đẻ. Đứa nào nó cũng muốn bà chăm cháu, tôi chẳng bao giờ được đi đâu ra khỏi nhà” - bà Trần Thị Vân, nhà ở phố Đại La (Hà Nội) nói. Bà Vân cho biết, nhiều lúc bà cũng muốn buổi sáng được đi tập thể dục hay tham gia câu lạc bộ, gặp gỡ bạn già nhưng con trai bà muốn bà đi chợ, nấu ăn để “mẹ nó còn có thời gian chăm cháu”, thế là bà đành phải từ bỏ mọi sở thích của bản thân. “Có hôm tôi đi chợ, gặp bà bạn thân liền tranh thủ chuyện trò, hỏi thăm một chút. Đến khi về muộn một tí, nó sợ con nó đói nên mắng ầm lên, bảo là bà chỉ thích buôn dưa lê, không xót con nó. Nghĩ thấy tủi thân quá.” - bà Vân tâm sự.
Thương con, nhưng đừng “tận dụng” ông bà - ảnh minh hoạ |
Tâm trạng của bà Vân là tâm trạng của rất nhiều bậc cha mẹ có con cái đã trưởng thành, đặc biệt là của các bà mẹ. Họ luôn nghĩ cho con, sẵn sàng hi sinh cho con mà không nghĩ đến bản thân mình. Nhiều bà mẹ, dù tuổi cao, sức yếu vẫn sẵn sàng thức đêm thức hôm để chăm cháu, bế cháu cho con gái, con dâu ngủ “mai còn lấy sức đi làm”. Nhưng đến khi các bà ốm đau thì lại chẳng dám nói một lời, vì “con nó còn nhỏ, nó phải chăm con nó”, thế là lại một thân một mình lọ mọ. Trong khi đó, nhiều người con cũng tặc lưỡi: ôi dào, bây giờ con mình còn nhỏ, mình lại còn công việc bề bộn, chẳng có thời gian. Thôi thì ông bà tự chăm sóc nhau!”.
Không những vì mải chăm con mà thờ ơ với cha mẹ, nhiều người khi biết sức khoẻ bố mẹ không tốt vẫn cố “tận dụng” ông bà. Người thì lấy lý do lương thấp, thuê osin tốn kém, người thì bảo không tin được người giúp việc, sợ họ chăm con mình không tốt. Người khác lại giữ con ở nhà đến 3-4 tuổi không cho đinhà trẻ, để “ông bà chăm thì tốt hơn”… Người nào “biết nghĩ” thì mua thuốc bổ cho ông bà uống “có sức mà chăm cháu”, người vô tâm, hay ít điều kiện hơn thì có bao nhiêu, dồn hết cho con. Chưa kể có người còn về bòn thêm chút tiền dưỡng già của ông bà để “cho cháu nó học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp”…
Một biểu hiện bất hiếu ?
Trong cuộc sống, không ít người có biểu hiện dành những gì tốt nhất, hiện đại nhất cho con cái, còn cái gì thừa, lạc hậu thì mang “biếu” bố mẹ. Trong khi họ sẵn sàng bòn đến đồng cuối cùng để cho con được đi học du học trời Tây, thì lại chỉ mang về cho bố mẹ cái tivi, tủ lạnh cũ, chiếc bếp ga lỗi thời… Hoặc nhiều người chỉ muốn ông bà quan tâm đến cháu, nhưng lại không biết cách giáo dục con cái cách quan tâm đến ông bà.
Có một chị phụ nữ tâm sự, mẹ chị là một người phụ nữ chịu thương chịu khó và giàu đức hi sinh. Nhưng một lần, chị bỗng nằm mơ bị mẹ mắng: “Con mày toàn dùng dầu gội đầu loại xịn nhập ngoại, nhưng lại mua cho bà dầu gội đầu liên doanh vớ vẩn!” Tỉnh dậy, chị bỗng thấy vô cùng ân hận, vì điều đó hoàn toàn đúng sự thật, chỉ khác là mẹ chị chưa bao giờ trách con nửa lời. Có lẽ, trong thâm tâm, từ lâu chị cũng tự biết mình đang đối xử không công bằng với mẹ nên mới có cái giấc mơ ấy. Từ đó, mỗi khi định mua gì cho bản thân và gia đình, chị cũng chú ý mua cho mẹ trước. Nếu không mua đồ tốt hơn, thì chí ít, chị cũng không mua thứ rẻ tiền hơn. “Quan trọng là cách nói. Cứ mua đồ tốt, nhưng khi về chỉ nói giá rẻ thôi là các cụ vui vẻ dùng ngay” - chị chia sẻ.
“Nước mắt chảy xuôi”, các ông bố, bà mẹ sẵn sàng hi sinh bản thân mình để lo cho con cái, kể cả “hi sinh” sức khoẻ, tự do của bố mẹ mình. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng, niềm vui của người già chỉ là con cháu. Đành rằng, người Á Đông có truyền thống “nợ đồng lần”, nhưng nếu biết nghĩ và bớt ích kỷ hơn, chúng ta sẽ cân bằng được cái “nợ” ấy, để vừa chăm chút được cho thế hệ tương lai mà vẫn không “bất hiếu” với các đấng sinh thành. Cái sự bất hiếu, không phải chỉ là ngược đãi hay bỏ rơi bố mẹ, mà đôi khi, nó còn biểu hiện ngay trong cái cách mà chúng ta đang tận dụng cái truyền thống vốn tốt đẹp này.
Ngày gia đình Việt Nam là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ, người già và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam. |
Tuệ Khanh
VnMedia
0 nhận xét