Ở đâu đó trong cuộc đời này, có những người cha đang hạnh phúc và có những người cha đang đau khổ, kể cả có những người con sống không yên vì bị ám ảnh bởi quá khứ trừng phạt từ cha mình.
1 - Thỉnh thoảng, xen trong những câu chuyện về làm ăn, tôi vẫn nghe Nguyễn Ngọc Lân kể về hai đứa con trai sinh đôi bảy tuổi. Đó là niềm tự hào lớn nhất của anh, một doanh nhân Úc gốc Việt. Lân bảo: “Khách hàng này mất đi, còn có khách hàng khác đến. Nhưng tuổi thơ của con chỉ đến một lần trong đời, đừng hy sinh tuổi thơ của con cho công việc”. Vì thế, Lân không hẹn ai làm việc trong ngày thứ bảy và chủ nhật. Đó là ngày vui chơi của ba cha con, với lịch bơi lội, đá banh, đạp xe, học taekwondo... Làm ra bao nhiêu tiền, thú vui lớn nhất của gia đình Lân là đi du lịch. Một năm vợ chồng Lân đưa con về Úc ba lần để thăm ông bà nội. Hai cậu nhóc Nguyễn Ngọc Bằng và Nguyễn Ngọc Côn đều bảo: ba là bạn – bạn trong “chiến tranh” (trò chơi game), bạn trong kể chuyện, bạn trong trò chơi “nông trại”... Đặc biệt, cả hai đều thích trò chơi nông trại với ba vào mỗi tối. Hỏi hai đứa mê ba hay mê mẹ hơn, cả hai cùng bảo: Mê cả hai! Nhưng cậu bé Côn tiết lộ một “bí mật”: ba ít la tụi con hơn mẹ.
Tôi hỏi Lân: “Điều gì khó nhất khi bạn làm cha?” “Đó là sự kiên nhẫn”, Lân trả lời. Anh bảo, nhiều lúc thấy mấy nhỏ lười muốn la lắm nhưng phải cố nén. Ép con là việc rất dễ, vì bọn trẻ sẽ tuân lời ngay nhưng chúng không thấy đó là niềm vui mà là việc buộc phải làm. Vì thế, anh tập cách truyền đạt để con hiểu ý mình, nói cách này không được thì tìm cách khác, tuyệt đối không hù doạ, không la mắng. Tôi hỏi tiếp: “Điều gì Lân thấy cần thiết nhất khi dạy con?” Anh nói ngay, đó là dạy con luôn sống theo luật. Lân kết luận: “làm bố khó lắm nhưng rất vui”.
2 - Khác với vẻ hạnh phúc của ông bố Nguyễn Ngọc Lân, các ông bố có con đang điều trị căn bệnh ung thư dĩ nhiên có vẻ mặt khác. Vẻ mặt đó không mô tả được, bạn chỉ có thể thu vào đáy mắt khoảnh khắc vừa tuyệt vọng vừa hy vọng: lúc hy vọng nhiều hơn thì vẻ mặt ấy sáng lên, còn lúc tuyệt vọng, vẻ mặt ấy sạm lại. Trong khoa nhi bệnh viện Ung bướu TP.HCM, không khó nhìn thấy những ông bố hết lòng vì con, trong đó có những ông bố một mình chăm con (vì mẹ bé đã mất hoặc bỏ đi), nhưng bên cạnh đó, bạn cũng thấy sự cô đơn của nhiều phụ nữ – người mẹ, vì chồng họ đã bỏ đi, không phải vì nhẫn tâm, mà vì sự sợ hãi của đàn ông khi phải chứng kiến nỗi đau của con.
Tôi đã thấy những ông bố vật vã trên nền gạch dưới chân giường con khi cầm kết quả giải phẫu bệnh. Tôi cũng nhìn thấy những ông bố hớt hải nửa đêm tìm kiếm nguồn máu cho con, những ông bố khóc không thành tiếng khi chờ con bên ngoài phòng mổ hay phòng ICU (chăm sóc đặc biệt). Và nay, tôi tiếp tục đối diện một ông bố khác: anh là sĩ quan quân đội rất kiên cường, thế nhưng khi cầm kết quả tái phát lần thứ ba của con trai 18 tuổi, anh suy sụp hẳn. Những giọt nước mắt nén lại trong đáy mắt, anh cảm thấy bất lực trước số phận của con, đứa con trai thông minh, đáng yêu mà vợ chồng anh đặt nhiều kỳ vọng. Anh đã bán căn nhà mặt tiền ở một con đường lớn để chữa trị cho con, sau đó mua một mảnh đất ở ngoại thành để dựng lên ngôi nhà khác, trong đó mọi ưu tiên sắm sửa đều dành cho phòng con trai. Anh và vợ đã hồi phục dần để nhìn về phía trước, khi mỗi ngày đưa con đến trường bổ túc hay đưa con đi chơi với bạn bè. Gia đình anh vui vẻ được một năm, rồi... những khối u quay trở lại. Hy vọng có một cuộc sống bình thường bỗng đổ sụp!
“Tôi đã thấy những ông bố vật vã trên nền gạch dưới chân giường con khi cầm kết quả giải phẫu bệnh. Tôi cũng nhìn thấy những ông bố hớt hải nửa đêm tìm kiếm nguồn máu cho con, những ông bố khóc không thành tiếng khi chờ con bên ngoài phòng mổ hay phòng chăm sóc đặc biệt”. |
Món quà nào trong ngày Father’s Day có thể an ủi được anh? Đó chỉ có thể là sự kỳ diệu khi con anh vượt thoát được căn bệnh trong đợt điều trị sắp tới, với dự báo còn khó khăn hơn những lần trước. Tôi cầu mong món quà ấy sẽ đến với anh.
3 - Còn anh – bạn của tôi – lại là người có những ký ức ám ảnh về người cha. Những ký ức của một thời thơ ấu khốn khổ, thường xuyên bị đói, thường xuyên bị cha đánh đập, chửi mắng, bất kể chuyện gì. Động cơ lớn nhất để anh thích đi học và học cho giỏi để có học bổng là… không muốn ở gần cha. Anh đã làm được điều đó: lên thành phố học và sinh sống luôn ở đó, thỉnh thoảng mới về quê. Sau khi cha mất, anh thường lên những cơn đau khắp cơ thể mà không tìm thấy nguyên nhân, cuối cùng bác sĩ kết luận anh bị chứng trầm cảm do những ám ảnh của quá khứ.
Nhiều năm sau, anh có được cuộc sống bình thường: có việc làm tốt, có người yêu thương. Được coi là chữa trị khỏi chứng trầm cảm. Thế nhưng ký ức bị chửi mắng, bị đánh đập vẫn thường xuyên ùa về trong những giấc mơ, trong những cơn đau đầu, trong thói quen “tự bảo vệ mình” khi nằm ngủ. Trong tiềm thức của anh, cha là cơn ác mộng. Vậy mà thỉnh thoảng gặp một tình huống trong đời sống, anh vẫn nhắc đến những lời dạy của cha – người lớn duy nhất ở bên anh trong suốt tuổi thơ (mẹ mất khi anh chưa tròn hai tuổi) – và ngạc nhiên khen cha nói sao mà trúng quá. Những lời dạy về cách sống, cách làm người anh còn nhớ cho thấy hình ảnh ông bố rất thực tế (vì họ rất nghèo) mà không kém phần dí dỏm, hài hước. Một hình ảnh người cha đầy mâu thuẫn!
Không phải vô cớ mà anh rất mê trẻ con. Bất kỳ đứa trẻ con nào đi qua trước mắt, anh cũng suýt xoa như bị hút mất hồn. Thế giới trẻ em là một điều kỳ diệu mà anh muốn hoà vào với bản năng làm cha được nuôi lớn bằng sự bất hạnh của chính mình. Tôi tiếc là cha anh không còn sống. Trong quá khứ, anh đã luôn phải nhẫn nhịn cha, và sự nhẫn nhịn đó làm anh ấm ức. Chỉ bằng cách nói thẳng và làm hoà với cha, ký ức tuổi thơ mới thôi ám ảnh và trả lại cho anh một cuộc sống cân bằng.
Ben Khôi
SGTT
0 nhận xét