Trong phần 2 cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Thọ Bình, người có thâm niên gần 20 năm chuyên theo dõi Quốc hội đã chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về nghề phóng viên nghị trường và góc nhìn riêng ông về các chính khách Việt Nam thời Đổi mới.
Thế là lại sắp tới một kỳ họp quốc hội, kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội khoá mới với những kỳ vọng mới của cử tri. Nhưng với phóng viên nghị trường, đó cũng là một khoảng thời gian căng thẳng và mệt mỏi.
Còn nhớ, trong bài viết về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá cũ mang tiêu đề "Tản mạn về thời gian nghị trường", đăng ngày 3.8.2007 trên Tuần Việt Nam, nhà báo Lương Thị Bích Ngọc đã viết:
"... Hôm nay, cũng trong hành lang Quốc hội, tôi gặp một nhà báo có thâm niên gần 20 năm chuyên về theo dõi nghị trường. Anh ta có khả năng nghe một đại biểu quốc hội, một chính khách nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ liên tục về một vấn đề.
Để có một bài phỏng vấn lên báo, anh ta phải gặp riêng nhân vật chứ không chen vai phỏng vấn tập thể trong hành lang Quốc Hội và chuẩn bị kiến thức nền khá sâu về vấn đề mình định hỏi. Vì thế, nên những bài viết của nhà báo này sâu sắc và hấp dẫn. ... Nhiều người gọi anh là 'nhà báo nghị trường chuyên nghiệp'..."
Lương Thị Bích Ngọc không nêu tên nhà báo đó. Nhưng tôi biết chị ám chỉ ai.
Tôi mang nhận xét này của chị để hỏi nhà báo Lê Thọ Bình, trong phần 2 của cuộc "Gặp gỡ & Đối thoại", nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Anh nghĩ sao về nhận xét của nhà báo Lương Thị Bích Ngọc?
Cô Bích Ngọc nhận định đúng đấy. Tôi làm báo hơn 20 năm thì một nửa thời gian tôi làm phóng viên nghị trường. Bao giờ tôi cũng ngồi nghe thảo luận từ đầu đến cuối, vì có ngồi nghe kiên trì như vậy mới phát hiện ra những vấn đề hay để tường thuật.
Nếu một phóng viên bình thường đi dự QH 1 năm 2 lần, mỗi lần trong 1 tháng liền, nếu không có việc làm khác, mục tiêu khác, theo tôi nghĩ sẽ phát điên mất. Vì sao? Vì nó hết sức mệt. Mình có thể thông cảm với nhiều anh em phóng viên là có những buổi vào họ chỉ uống cà phê thôi. Hay có những buổi thảo luận về dự luật thì 2-3 ngày nghe mà chỉ chỉ đăng được 1 cái tin.
Hơn nữa, chưa đi QH thì cảm thấy sao "các bác" làm QH sao hay như thế, nhưng đi vào QH thấy té ra có phải hay thế đâu. Cơ bản ở chỗ là mình chọn vấn đề để làm mặt báo nó sôi động lên nhân sự kiện QH.
Nên tôi luôn coi rằng QH và kỳ họp QH là cái cớ để mình triển khai đề tài, chứ không phải để đi tường thuật QH, như nhiều anh em phóng viên hiện nay vẫn làm. Tôi coi QH hấp dẫn ở chỗ hầu hết những nhân vật chủ chốt để phóng viên triển khai các đề tài của mình họ đều có mặt ở cùng một nơi, vào cùng một thời điểm. Hơn nữa, mọi sự tiếp cận đều khá thoải mái và đơn giản. Cứ đến giờ giải lao uống cà phê là có thể trao đổi được với họ.
Một số phóng viên nghị trường bây giờ có nói rằng họ ngại nhất là đưa tin những phiên thảo luận lê thê ở QH. Không làm không được, mà làm thì chán. Mình đã chán, mong gì đọc giả hứng thú với cái mình viết. Theo kinh nghiệm của anh, phải viết thế nào cho hấp dẫn?
Chẳng hạn, nếu QH đang thảo luận về ngân sách, nếu chỉ đưa về việc này thì chẳng có gì đáng đọc cả. Nhưng nếu mình phát hiện ra cái bất hợp lý trong chuyện phân bổ, hay sử dụng ngân sách, thì đó mới là cái độc giả quan tâm.
Còn nhớ, trong một phiên thảo luận về chuyện đó, ông Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng bị chất vấn rất nhiều. Tình cờ, khi nghỉ giải lao, tôi ngồi gần ông Hồ Tế, người tiền nhiệm của ông Hùng. Lúc tôi đứng dậy trở vào hội trường, mới nghe ông Hồ Tế thốt lên rằng "Tôi thương Nguyễn Sinh Hùng quá".
Nghe thấy thế, tôi quay lại luôn, hỏi ông là tại sao ông thương ông Nguyễn Sinh Hùng. Ông ấy mới lý giải là cái bánh ngân sách chỉ có chừng đấy thôi mà bộ nào cũng muốn chia nhiều cả thì lấy đâu ra mà chia. Vấn đề ở đây là QH và Chính Phủ phải làm cái bánh to ra, chứ không phải ngồi tranh nhau cái bánh bé cỏn con ấy, rồi tị nạnh nhau anh phần to, tôi phần bé. Cuộc tranh luận dường như không có hồi kết tại QH đã "kết thúc" trên báo chí bằng bài phỏng vấn ông Hồ Tế xung quanh cái bánh ngân sách.
Thứ hai, bao giờ cũng nên thử tìm cách biến những vấn đề vĩ mô khô khan, bàn đi bàn lại ở các kỳ QH, thành những câu chuyện cụ thể, sinh động. Như thế, độc giả mới quan tâm, và hiệu ứng xã hội mới cao.
Tôi nhớ có một lần, trước khi vào hội trường, tôi ngồi cà phê với ông Kinh Quốc (người phát ngôn của Thủ tướng - NV). Kinh Quốc kể với tôi rằng vừa rồi Thủ tướng có yêu cầu ông Hoàng Văn Nghiên phải giải trình về việc mua chiếc Lexus quá tiêu chuẩn. Ông còn nói biển số xe là Lộc Phát - Lộc Phát (6868). Tôi nghe biết thế thôi, chứ không hỏi gì thêm, rồi vào hội trường.
Thế nào đúng hôm đó, đại biểu QH thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Họ nói xung quanh chuyện tham những và lãng phí. Ông Nguyễn Lân Dũng kể: "Khi tôi tiếp xúc cử tri ở Lào Cai, bà con họ than phiền rằng bà con đói kém, không có ăn, thế mà có những cán bộ tỉnh, huyện về tiếp xúc với bà con thì đi những cái xe giá hàng trăm con trâu. Thì bà con họ không tính ra tiền mà chỉ quy ra trâu thôi."
Chợt nhớ ngay câu chuyện Kinh Quốc kể đầu giờ sáng, tôi mới lao ra bãi xe QH tìm cái xe có biển số Lộc Phát, nhưng không thấy. Tôi gọi về văn phòng Pháp luật TP.HCM, bảo Bá Kiên phi xe sang ngay Văn phòng UBND Hà Nội, chụp ngay bằng được cái xe của ông Nghiên.
Bên đó chưa ai biết chuyện rắc rối liên quan tới cái xe nên họ mở cửa nhà xe
cho Bá Kiêmn chụp, và còn hãnh diện khoe rằng đó là chiếc xe đẹp nhất Hà Nội. Và đó cũng là bức ảnh duy nhất về chiếc Lexus biển 6868.
Phần còn lại là chuyện xử lý thế nào. Nếu chỉ đăng cái tin ông Nghiên đi xe quá tiêu chuẩn, thì dù có ảnh đi kèm, cũng ít người để ý.
Về lại văn phòng báo, tôi gọi ngay cho Bộ Tài Chính, hỏi xem cái xe Lexus giá bao nhiêu. Họ bảo giá 1 tỷ, cộng thêm thuế vào thành 3 tỷ. Tôi gọi tiếp lên Lào Cai hỏi 1 con trâu 1 năm tuổi giá bao nhiêu, và họ bảo khoảng 1 triệu.
Thế là số tiếp đó của báo Pháp Luật HCM đăng bài viết với tiêu đề "Đông chí Hoàng Văn Nghiên cưỡi 3000 con trâu". Cả làng báo Việt Nam quây lấy ông Nghiên, quay vặn đủ thứ.
Một ngày bình thường làm QH của anh như thế nào?
Buổi sáng vào làm 1 ly cà phê, rồi vào nghe QH thảo luận. Tôi thường ngồi nghe từ đầu đến cuối. Trong giờ giải lao, ít nhất tôi cũng phải phỏng vấn được 2 nhân vật, theo định dạng từ ở nhà. Tức là mỗi chủ đề định phỏng vấn sẽ có 3 ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên, không được ông A, thì hỏi ông B, hay ông C. Cũng có khi phỏng vấn nhiều người về cùng một vấn đề.
Có nhân vật nào được anh phỏng vấn đi phỏng vấn lại không?
Chỉ có một trường hợp thôi. Đó là khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, trong đó có Điều 1 là Lợi dụng quyền tự do dân chủ.
Tôi và Huy Đức phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lộc, khi đó là Bộ trưởng Tư pháp nhiều đến nỗi thấy cứ bóng tôi, hay Huy Đức, là ông ấy chạy mất.
Trong 10 năm làm phóng viên nghị trường, anh ấn tượng nhất với những đồng nghiệp nào?
Không ít đâu. Có lẽ thời đó ở QH đã sản sinh ra 1 loạt anh em làm báo tương đối nổi bật ở khía cạnh này, khía cạnh khác. Huy Đức là một, Phạm Hiếu ở Lao Động là hai, rồi Minh Hà ở Báo Người Lao Động là ba, rồi Xuân Ba - Vũ Trọng Phụng Thời kỳ đổi mới - là bốn. Tạm thời tôi chỉ nhớ có vậy.
Cái cô Minh Hà này hồn nhiên lắm. Thấy ông nào cô cũng lao vào, cũng phỏng vấn. Có lần, phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Dũng, khi ấy đang là thứ trưởng Bộ Công An, cô ấy hỏi chán chê, rồi mới quay lại hỏi nhỏ đồng nghiệp rằng đây là ông nào.
Còn Xuân Ba thì là người cứ ngồi trò truyện thế thôi, chứ chẳng bao giờ phỏng vấn ai. Một hình ảnh đặc trưng của Xuân Ba là cứ cắp quyển sổ đi quanh quanh, thế mà hôm sau lại có một bài "hoành tráng". Cách viết của Xuân Ba thì "dây cà dây muống" toàn những chuyện ngoài lề, khi bia rượu với ông Tố Hữu, ông Phan Văn Khải... Cái hay trong những bài viết của Xuân Ba là cung cấp cung cấp cho bạn đọc đủ thứ thông tin, ở một khía cạnh khác, về chính trường, một sự bổ sung cho làng báo Việt Nam thêm phong phú.
Riêng tôi, tôi rất ấn tượng với cách tường thuật của Huy Đức. Tôi nhớ có một bài anh tường thuật trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn mà không hề có một chữ nào trong bài là của anh (có lẽ chỉ trừ cái tên Huy Đức và tiêu đề bài báo), mà toàn ý kiến của các đại biểu QH nối tiếp nhau. Thế mà rất liền mạch và bố cục rất chặt chẽ. Tôi vẫn gọi đó là "Liên khúc Quốc Hội".
Còn anh nhận xét thế nào?
Riêng về nghề báo, tôi vẫn nhận định đó là nhà báo chuyên nghiệp Số Một ở Việt Nam, dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là chưa kể anh còn "chấp" hẳn chúng ta "một trái" đấy, tức là cái bằng đại học.
Tôi đã chứng kiến Huy Đức đứng lên ngồi xuống năm lần, bảy lượt chỉ vì 1 cái tin khai mạc QH dài chừng 300 chữ. Đó là người hết sức ý thức được rằng từng câu từng chữ của anh có ảnh hưởng thế nào.
Thứ hai, Huy Đức là người biết đặt vấn đề khá hấp dẫn, đánh trúng sở thích thời thượng của bạn đọc, với mở bài bao giờ cũng khiến người ta phải đọc nốt. Về điểm này, tôi với Huy Đức gần giống nhau.
Thế cái khác biệt giữa anh và Huy Đức là gì?
Cách tường thuật nghị trường của chúng tôi khá giống nhau. Nhưng cách hành văn của Huy Đức theo kiểu báo chí hơn, còn ở tôi cách hành văn lại văn chương hơn.
Anh thấy điều kiện tác nghiệp của anh em phóng viên so với thời của anh có khác không nhiều không?
Theo tôi, bây giờ tư liệu cung cấp cho anh em để có sự chuẩn bị khai thác tốt hơn nhiều. Internet cũng giúp nhiều lắm. Trước khi anh đi phỏng vấn, về bộ luật hình sự chẳng hạn, anh có thể tìm kiếm trên Internet là có đầy đủ những bài viết về vấn đề đó, và cả những gì còn đang khúc mắc. Thuận lợi lắm.
Có phải cũng chính vì thế mà độ này không thấy có nhiều sự khác biệt lắm giữa các báo? Trước đây các anh đi trong rừng rậm, và mỗi người tự phát bụi mở đường riêng, nên có rất nhiều con đường khác nhau? Bây giờ, họ cùng đi trên một con đường mòn rộng bằng phẳng, do thông tin nền được cung cấp khá đầy đủ. Cũng vì vậy mà phát hiện riêng trở nên ít hơn?
Theo tôi, cái cơ bản là hiện nay anh em chủ yếu là tường thuật sự kiện, chứ ít khai thác theo vấn đề. Cũng có thể vì môi trường báo chí bây giờ nó trôi quá nhanh, nên đầu tư lớn cho một bài báo hay nó mất quá nhiều công sức.
Hơn nữa, vấn đề ở chỗ cái lao tâm khổ tứ nó ít hơn. Và cũng do cũng có nhiều sự giới hạn hơn trước. Các nhà quản lý vẫn nói rằng nên đưa cái này, không nên đưa cái kia. Theo quan điểm của riêng tôi không có vấn đề gì không thể đưa tin, vấn đề là đưa thế nào thôi.
Có trường hợp nào, trên thực tế, anh đã khéo léo vượt qua những cái "giới hạn" này không?
Tôi xin kể với anh một câu chuyện điển hình, có thể đưa vào sách giáo khoa báo chí. Đó là vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hà Phan bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức đại biểu QH. Tin đó không ai đưa cả, vì chưa có thông báo chính thức.
Trong khi đó, sau phiên họp trù bị là báo chí nước ngoài đã đăng hết rồi. Cả xã hội Việt Nam đều biết.
Tuổi Trẻ lại có cái khó là lúc đó ra 3 kỳ một tuần. Nếu số ra ngày Thứ Ba, tức là sau phiên khai mạc, mà không đưa được, thì coi như "thua". Bởi nếu ngày hôm sau, có thông báo chính thức, các báo khác ra ngày Thứ Tư sẽ đăng hết, còn Tuổi Trẻ phải chờ tới Thứ Năm, còn gì mà đăng. Tuổi Trẻ đã quyết định buộc phải đăng vào số Thứ Ba.
Nhưng bằng cách nào? Bàn đi bàn lại mãi, Huy Đức có sáng kiến thế này: Tả cái bàn chủ tịch. Thời bấy giờ, tôi còn nhớ giữa là Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh ngồi, bên trái là Phó Chủ tịch Phùng Văn Tửu, bên cạnh nữa là Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh, còn ghế bên phải là của ông Nguyễn Hà Phan. Vào phiên khai mạc, người ta vẫn xếp 4 cái ghế như vậy, nhưng ghế của ông Phan để trống.
Thế là chúng tôi tả rất kỹ cái bàn của chủ tịch đoàn, mà thường thì viết về QH chả ai để ý cả. Chúng tôi viết rằng, theo thông lệ những kỳ họp trước đây, bàn chủ tịch có 4 cái ghế dành cho 4 vị nói trên, nhưng tại kỳ họp lần này chiếc ghế đó để trống.
Khi bài báo đăng lên, độc giả ai cũng biết ông Phan bị cách chức, nhưng Tuổi Trẻ không "phạm luật". Chúng tôi rất sướng.
Liền sau đó, tôi còn đi làm bài phỏng vấn. Nhưng chọn ai là cả một vấn đề. Chủ tịch Nông Đức Mạnh chắc không bao giờ chịu nói. Ông Nguyễn Phúc Thanh thì xuất thân từ bên quân đội nên chắc cũng khó. Chỉ còn ông Phùng Văn Tửu là luật sư, và lại là dân Tây học nên rất nho nhã.
Tôi chỉ đặt cho ông Tửu 1 vấn đề thôi: Tại sao QH chưa thông báo ông Phan bị cách chức, bởi những người dân những đại biểu bỏ phiếu bầu nên ông Phan có một quyền chính đáng là được biết vì sao người mà họ tin tưởng bị mất chức?
Rất tiếc là bài phỏng vấn khá dầy dặn đó lại không được đăng do ban biên tập hơi ngại, và lỡ cơ hội. Cuối cùng, 1 tuần sau, tôi lại đưa tin tiếp, tập hợp từ các nguồn khác nhau.
Anh em cũng phàn nàn rằng, từ khi toà nhà QH được xây dựng lại, chuyển sang địa điểm họp tạm, quán cà phê cũng không còn nữa, và vì vậy việc tiếp xúc với đại biểu cũng khó hơn.
Theo tôi, có sự tác động qua lại từ hai phía, chứ không đơn giản như vậy. Sau này, nhiều đại biểu QH cũng bị nhắc nhở vì phát biểu quá thẩm quyền của mình. Còn anh em phóng viên lại tác nghiệp hết sức hồn nhiên.
Ví dụ, 10 báo cùng phỏng vấn một đại biểu, thì ngày hôm sau hầu hết đều đưa tin là phỏng vấn riêng ông đó. Điều đó khiến cơ quan chức năng phải điều chỉnh rất nhiều, trong đó có việc đưa ra quy chế người phát ngôn. Tác nghiệp của anh em lại càng bị hạn chế.
Chúng tôi có may mắn là thời kỳ bắt đầu làm báo là thời kỳ tương đối cởi mở với báo chí. Thế nhưng, tôi vẫn đánh giá rằng, một trong những người đóng góp rất lớn cho sự cởi mở đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông rất sẵn sàng trả lời phỏng vấn bất cứ lúc nào. Chính sự thoải mái của ông Kiệt lúc bấy giờ tạo điều kiện cho hoạt động nghị trường sôi nổi hơn, và các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại QH được thực hiện rất thường xuyên.
Chứ trước đó hầu như muốn phỏng vấn chính khách phải gửi công văn trước lên văn phòng, đưa câu hỏi cụ thể, và sau đó văn phòng soạn câu hỏi để người được xin phỏng vấn xem qua, rồi gửi lại dưới dạng văn bản. Hoặc nếu bố trí được cho đài báo phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo cấp cao thì họ xếp một cuộc phỏng vấn chung cho 5-6 báo đài. Làm gì có chuyện đi trong khuôn viên QH mà túm ngay Thủ tướng, như thời ông Kiệt, và gí ngay micro vào miệng.
Tức là Thủ tướng Võ Văn Kiêt đã tạo một tiền lệ tốt trong sinh hoạt QH?
Đúng vậy. Tôi đã viết rằng ông Kiệt là người đã biến báo chí thành một cầu thông tin giữa người dân và chính phủ.
Ngoài ông Võ Văn Kiệt ra, còn có ai mà để lại cho anh ấn tượng khó quên nữa?
Phải nói là ở trong QH, tôi phỏng vấn có rất nhiều người với những tính cách khác nhau.
Ví dụ, ngoài ông Kiệt ra, người tạo điều kiện nhiều nhất cho mình làm nghề là Chánh án Toà án nhân dân tối cao Phạm Hưng, người hết sức cởi mở, thẳng thắn và không e ngại bất cứ vấn đề gì.
Ông Hoàng Văn Nghiên lại để lại ấn tượng cho tôi ở khía cạnh khác. Sau khi tôi viết 1 bài ông cưỡi 3000 con trâu rồi, tôi còn cử phóng viên Trần Lê Sơn làm bài đối thoại với Hoàng Văn Nghiên đăng trên Pháp luật tp.HCM. Bài đó khiến các cụ hưu trí ở Hà Nội phản ứng rất dữ dội và chê trách ông Nghiên về nhiều việc. Thế nhưng, khi chúng tôi gặp lại, ông ấy vẫn bắt tay, mời cà phê và nói chuyện hết sức vui vẻ. Không hề có câu nào trách khéo về chuyện cũ, mặc dù hai "thằng cha phóng viên" ngồi trước mặt ông chính là những kẻ gây cho ông nhiều tai tiếng.
Dù người ta có đánh giá thế nào về ông Nghiên, tôi vẫn đánh gia ông ấy là một chính khách với đầy đủ ý nghĩa của từ này.
(Còn nữa...)
Tác giả: Huỳnh Phan - Xuân Thi (Tuần Việt Nam)
Chính khách- Người nổi tiếng,
Chính trị,
Chính tri- Xã hội,
Sự kiện,
Sự kiện- Bình luận,
Thông tin đa chiều,
Tiêu điểm,
Việt Nam
»
Nhà báo nghị trường và ấn tượng về chính khách Việt
Nhà báo nghị trường và ấn tượng về chính khách Việt
Posted by Admin
on 10:29
in
Chính khách- Người nổi tiếng,
Chính trị,
Chính tri- Xã hội,
Sự kiện,
Sự kiện- Bình luận,
Thông tin đa chiều,
Tiêu điểm,
Việt Nam
|
0
nhận xét
Các tin bài khác:
Tags:
Chính khách- Người nổi tiếng,
Chính trị,
Chính tri- Xã hội,
Sự kiện,
Sự kiện- Bình luận,
Thông tin đa chiều,
Tiêu điểm,
Việt Nam
0 nhận xét