Bà Yulia Tymoshenko trả lời phỏng vấn báo chí sau ngày xử án đầu tiên. |
Ra tòa vì “tự ý mua khí đốt giá cao”
Cơ quan công tố nói rằng bà Tymoshenko đã đồng ý mua khí đốt từ Nga với giá cắt cổ, trong thời gian kéo dài tới 10 năm. Việc này gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraina tới 1,5 tỉ hryvnia (190 triệu USD). Vấn đề là bà đã không để nội các Ukraina thông qua việc ký thỏa thuận trên và vì thế đã phạm tội lạm quyền.
Được biết, những cáo buộc lạm dụng quyền lực nhằm vào cựu Thủ tướng Ukraina được đưa ra hồi đầu tháng 4 và cơ quan điều tra đã mất 2 tháng để thu thập thêm chứng cứ phục vụ cho phiên tòa.
Hồi năm ngoái, bà Yulia Tymoshenko cũng bị buộc tội biển thủ công quỹ, chi tiêu sai mục đích tới 320 triệu USD tiền trong ngân sách chính phủ dành cho việc chống biến đổi khí hậu.
Tymoshenko đã bác bỏ các cáo buộc chống lại mình, cho rằng chúng là sản phẩm của bộ máy lãnh đạo đất nước. Không hề lộ vẻ lo âu khi phải tham gia phiên tòa có thể khiến bản thân phải ngồi tù vài năm, bà đã mặc một bộ cánh đẹp, đầu tóc chỉn chu. Bà thể hiện sự phản ứng khi không đứng dậy trong phiên tòa, lúc chánh án bước vào, đồng thời còn yêu cầu ông này phải bị sa thải.
Giới phê bình đánh giá những hành động phản ứng này cho thấy Tymoshenko muốn mình trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, ngay cả với việc phải hầu tòa.
Con đường trở thành “nữ hoàng khí đốt”
Yulia Tymoshenko sinh ngày 27/11/1960 ở Dnipropetrovsk, Ukraina, khi đó là một phần của Liên Xô. Cha đẻ bỏ lại hai mẹ con Tymoshenko, khi bà mới được 3 tuổi. Bà đã lấy họ mẹ Telegina và giữ nó cho tới khi lấy chồng Oleksandr Tymoshenko hồi năm 1979.
Tymoshenko ban đầu không có ý định làm chính trị. Bà theo học khoa mỏ ở Viện Mỏ địa chất Dnipropetrovsk, trước khi chuyển sang khoa kinh tế ở Đại học Quốc gia Dnipropetrovsk và học ngành kỹ thuật điều khiển. Bà tốt nghiệp trong vai trò một nhà kinh tế với bằng ưu vào năm 1984 và tiếp tục nghiên cứu lên tiến sĩ ở Đại học Kinh tế Quốc gia Kiev.
Bà có thời gian ngắn làm kỹ sư ở Nhà máy chế tạo máy Dnipro cho tới năm 1988 trước khi bung ra làm ăn trong thời cải cách kinh tế. Năm 1988, Tymoshenko vay mượn được 5.000 rúp và mở một tiệm cho thuê băng video nhỏ. Những trải nghiệm từ cửa hàng nhỏ này đã tạo đà để một năm sau Yulia thành lập và lãnh đạo công ty cho thuê băng đĩa “Terminal” ở Dnipropetrovsk. Bà thu được rất nhiều thành công với doanh nghiệp này.
Năm 1991, Tymoshenko thành lập Tập đoàn Xăng dầu Ukraina, chuyên buôn bán nhiên liệu cho ngành nông nghiệp ở vùng Dnipropetrovsk. Tới năm 1995, bà là Chủ tịch Công ty Hệ thống Năng lượng Thống nhất của Ukraina, về sau trở thành nhà nhập khẩu khí đốt chính từ Nga.
Trong thời gian này, bà được mệnh danh là “nữ hoàng khí đốt” vì đã bán một lượng lớn khí đốt. Công việc kinh doanh khiến Tymoshenko quen được nhiều nhân vật tai to mặt lớn trong Chính phủ như Tổng thống Leonid Kuchma. Việc nắm lấy hoạt động kinh doanh khí đốt khiến Tymoshenko đã nắm được gia sản khổng lồ trong giai đoạn 1990 - 1998 và trở thành một trong những người giàu nhất nước.
Thăng trầm trên chính trường
Nền tảng kinh tế mạnh này tạo đà để Tymoshenko bước vào chính trị từ năm 1996 và được bầu vào Quốc hội Ukraina với số phiếu kỷ lục lên tới 92,3%. Từ năm 1999 tới tháng 1/2001, bà là Phó thủ tướng phụ trách nhiên liệu và năng lượng trong nội các của Thủ tướng Viktor Yushchenko và được đánh giá là người có công khi chấm dứt nạn tham nhũng trong mảng năng lượng và giúp tăng doanh thu ngân sách từ ngành này thêm mấy phần trăm.
Tuy nhiên tới đầu năm 2001, bà bị Tổng thống Leonid Kuchma sa thải do có xung đột với các đại gia trong ngành công nghiệp năng lượng.
Từ giai đoạn này, bà và ông Viktor Yushchenko bắt đầu thành lập một liên minh đối lập lớn nhằm lật đổ ông Leonid Kuchma và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina hồi năm 2004. Dưới bàn tay điều khiển của họ, cuộc “cách mạng Cam” đã diễn ra, tước đi chiếc ghế Tổng thống từ tay ông Viktor Yanukovych và trao lại vào tay ông Yushchenko.
Tháng 2/2005, Tymoshenko được chỉ định làm Thủ tướng Ukraina và tới tháng 7 năm đó, bà được tạp chí Forbes đánh giá là người phụ nữ quyền lực thứ 3 thế giới, chỉ sau Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và bà Ngô Nghi, Trung Quốc.
Song đó cũng là lúc quan hệ giữa bà với ông Yushchenko xấu đi. Chỉ vài tháng sau khi nắm quyền, ông Yushchenko đã giải tán Chính phủ của bà Tymoshenko, đồng thời phê bình năng lực lãnh đạo của bà.
Tymoshenko trở lại vị trí Thủ tướng lần 2 hồi năm 2007, khi đảng Khối Yulia Tymoshenko của bà giành được nhiều ghế trong Quốc hội, buộc đảng của ông Yushchenko phải bắt tay liên minh.
Khả năng mất cơ hội chạy đua ghế Tổng thống
Song tham vọng của Tymoshenko chưa dừng lại ở đó. Năm 2010, bà mở cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống. Nhưng trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra ngày 17/1, bà Tymoshenko chỉ đứng thứ 2 với 25% số phiếu bầu, trong khi đối thủ Yanukovych dẫn trước với 35% phiếu bầu. Cuộc bầu cử lại diễn ra tháng 2 cùng năm, bà tiếp tục chỉ nhận có 45,5% số phiếu bầu, trong khi ông Yanukovych được tới 48,95% số phiếu. Dù phe ủng hộ bà Tymoshenko tuyên bố có gian lận, song kết quả này đã được các tòa án Ukraina công nhận, qua đó chính thức đưa ông Yanukovych lên ghế Tổng thống.
Sau thất bại chính trị này không lâu, những rắc rối pháp lý đã bắt đầu tìm tới Tymoshenko. Được biết, cáo buộc lạm quyền mới nhất có thể dẫn tới một hình phạt từ 7-10 năm tù. Nhưng kể cả được xử án treo, Tymoshenko cũng hết cơ hội tham gia cuộc đua vào Quốc hội sẽ diễn ra trong năm tới, chưa nói tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo vào năm 2015.
Tường Linh
Theo TT&VH
0 nhận xét