| |||
* PV: Chúc mừng tước hiệu M.FIAP anh vừa được phong, anh có thể chia sẻ về bộ ảnh mang lại tước hiệu cao quý trên?
- NSNA LÊ HỒNG LINH: Trước những cơn lốc đô thị hóa, nhiều vùng quê Việt Nam sẽ trở thành khu nhà phố và không tránh khỏi những vấn nạn trên đường phát triển với nỗi lo về giá trị truyền thống nhân bản của cuộc sống thường nhật sẽ mất đi, thay vào đó là lối sống thực dụng vô cảm của thời hiện đại.
Chính vì thế trong nhiều năm gần đây, tôi thường hướng ống kính của mình vào những miền quê và tâm điểm là những gương mặt trẻ thơ. Việc làm này cũng xuất phát từ ý thức trách nhiệm của nhà nhiếp ảnh trước những đổi thay hàng ngày của cuộc sống. Với mong ước nhiếp ảnh sẽ lưu giữ lại cho mai sau những hình ảnh, cảm xúc thân thương của tuổi thơ, bộ ảnh mang tên “Cảm xúc tuổi thơ miền quê Việt Nam” gồm 20 ảnh chân dung là một thể hiện khá nhất quán.
“Bé và khỉ” - tác phẩm trong bộ 20 ảnh “Cảm xúc tuổi thơ miền quê Việt Nam” của Lê Hồng Linh. |
Những ánh mắt với những cung bậc tình cảm khác nhau: vui, buồn, hờn giận, yêu thương, suy tư, lo lắng… mà tôi bắt gặp và chụp được đã mang lại cho chính mình niềm hạnh phúc bất tận vì như được chia sẻ, khám phá vẻ đẹp thuần khiết, hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ.
* Là NS đứng đầu về giải thưởng thi ảnh quốc tế, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSNA VN, anh thấy đoạt giải quốc tế có khó hơn giải quốc gia?
* Là NS đứng đầu về giải thưởng thi ảnh quốc tế, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSNA VN, anh thấy đoạt giải quốc tế có khó hơn giải quốc gia?
- Tôi thấy đoạt giải thưởng nào cũng khó cả và hai hệ thống giải nói trên có nhiều điểm khác nhau. Thi ảnh quốc tế thường không có chủ đề như ở VN, chụp đề tài nào thi cũng được, miễn là lạ mắt, đẹp, sáng tạo… là dễ ăn giải.
Giải thưởng ảnh nghệ thuật VN lâu nay vẫn còn lẫn lộn giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, thường nặng tính liên hoan hơn là thi và quá chú trọng đến phát triển phong trào trên diện rộng...
Trong nhiệm kỳ mới này, chủ trương của BCH Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN là phối hợp với những tỉnh, thành mà phong trào nhiếp ảnh nơi ấy còn yếu để cùng tổ chức mở trại sáng tác, bồi dưỡng ảnh nghệ thuật giúp cho địa phương tự nâng cao chuyên môn nghề nghiệp. Còn tại các cuộc thi từ cấp khu vực trở lên sẽ không cơ cấu, không khống chế giải thưởng... Thi là đòn bẩy cho sự phát triển, ai giỏi thì sẽ đoạt giải, căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của tác phẩm là chính!
* Cuộc thi “Chân dung con người VN hôm nay” tổ chức năm 2010, một số giải thưởng và ảnh chọn triển lãm làm nhiều người không đồng tình. Anh thấy sao?
- Cuộc thi nào ở VN mà không có “lời ra tiếng vào”, vì người đoạt giải rất ít, người thi rớt lại cay cú ăn thua... Nhưng nếu có những ý kiến phản ánh đúng mang tính xây dựng chúng ta phải nghiêm túc tiếp thu, quyết tâm khắc phục và đưa vào nội dung ở các trại tập huấn công tác giám khảo mà Hội NSNA VN đã mở cho các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và phía Bắc. Tháng 9 tới sẽ tập huấn cho miền Trung Tây Nguyên.
* Ảnh nghệ thuật của VN được đánh giá cao và khẳng định trên trường quốc tế, còn ảnh báo chí gần đây hầu như chưa để lại dấu ấn. Đâu là nguyên nhân?
- Theo tôi, câu hỏi này nên đặt ra với Hội Nhà báo. Vì tôn chỉ mục đích chính của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN là hoạt động sáng tạo ảnh nghệ thuật. Điều tôi bâng khuâng nhất là giáo án đào tạo cho phóng viên ảnh hiện nay đã quá cũ, chưa được cập nhật những vấn đề, kiến thức mới của ảnh báo chí đương đại.
Chúng ta thường tư duy ảnh báo chí theo lối mòn, lại rất hiền trong thể hiện, tác nghiệp và nặng về minh họa hơn là tạo ra tác phẩm ảnh báo chí độc lập, biết nói…
* 21 năm cầm máy, với 400 giải thưởng, lại vừa nhận tước hiệu M. FIAP, có một gia tài lớn đến mức nhiều nghệ sĩ mơ ước, nhưng hình như anh chưa ra mắt triển lãm cá nhân - sách ảnh?
- Trong hơn chục năm qua, tôi có cả ngàn lượt tác phẩm triển lãm khắp nơi trên thế giới, tham gia nhiều triển lãm nhóm giới thiệu về “Đất nước - Con người VN” tại Mỹ, Pháp… Tháng 3 vừa qua, tôi khai trương, đưa vào hoạt động gallery ảnh nghệ thuật tại 149 Cống Quỳnh quận 1 để tổ chức trưng bày những tác phẩm ảnh, xem đây là triển lãm cá nhân thường xuyên của tôi. Thường làm việc gì tôi hay quan tâm đến tính mục đích của công việc chứ không chạy theo… phong trào!
* Xin cảm ơn NSNA Lê Hồng Linh
AN DUNG (thực hiện)
SGGP
0 nhận xét