Thời tiết mùa hè oi bức là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nguy hiểm hoành hành, cùng với đó là ý thức chủ quan trước dịch bệnh của nhiều người, khiến ngộ độc thực phẩm bùng phát đáng lo ngại…
Ăn uống trên vỉa hè dễ bị ngộ độc thực phẩm (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Kim Ngân |
Có chiều hướng tăng
Trong cái nóng oi bức, ngột ngạt của ngày hè tháng 6, những phòng, khoa chật kín bệnh nhân khiến không khí làm việc của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thêm phần căng thẳng. Tại khu điều trị, một dãy giường trên đó hơn 10 bệnh nhân đang nằm mê man, chỉ tay vào 2 thanh niên mệt mỏi đang được truyền dịch và kháng sinh, một bác sĩ điều trị cho biết, đây là bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm mới nhập viện, TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, lo ngại cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm có chiều hướng tăng đột biến, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhập khoảng 10 ca ngộ độc, trong khi trước đó chỉ có 6 - 7 ca/ngày.
Tại nhiều địa phương, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể cũng gia tăng đáng lo ngại. Những ngày đầu tháng 6 là vụ hơn 300 du khách ở Đà Lạt phải nhập viện trong tình trạng ói mửa, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy sau khi dùng cơm tại một nhà hàng ở thành phố du lịch nổi tiếng này. Sau đó ít ngày, tại Lào Cai, 25 công nhân xây dựng cũng nhập viện vì ăn phải tiết canh ngựa nhiễm khuẩn. Nghiêm trọng hơn, vào cuối tuần qua, sau bữa tối tại khách sạn Phương Linh, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, 36 khách du lịch thuộc Công ty Mitsu Thăng Long đã phải nhập viện và 1 người tử vong. Và mới nhất là vụ 120 công nhân của Công ty ShingMark, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, tỉnh Đồng Nai, bị ngộ độc thực phẩm tập thể và phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
Coi chừng vi khuẩn nguy hại
Chiều muộn, trong không khí đầy bụi bẩn và nóng bức, ngay phía ngoài chợ Thái Hà, một dãy hàng thịt heo, thịt bò sống cùng dãy hàng thực phẩm chín không cần che đậy, được kéo sát ra ngay vệ đường, phía dưới là cống nước công cộng đen ngòm. Bụi đường cùng mùi ôi oai của thịt ế chiều hè khiến ruồi nhặng kéo đến bu đen kịt trên những miếng thịt sống, cả những món ăn đã được nấu chín. Vậy mà vẫn không ít người thản nhiên chọn mua những đồ ăn rùng mình, lợm giọng đó… Mất an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ xảy ra ở những hàng quán thực phẩm lưu động nơi đường phố, khu vực dân cư hay chợ búa đông đúc mà còn hiển hiện ở ngay nhiều cửa hàng khang trang, có khi còn được cấp chứng nhận ATVSTP.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, sự bùng phát của nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, nhất là thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn là do nhu cầu tất yếu của xã hội vì sự thuận tiện. Tuy nhiên đi cùng với đó là những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng cộng đồng. Bởi lẽ hiện nay, các loại vi khuẩn nguy hại tới sức khỏe lây lan bằng con đường thực phẩm, ăn uống như E.coli, tả, thương hàn… vẫn lưu hành và tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau. Do đó, mỗi năm cả nước có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, trong đó, thực phẩm bị ô nhiễm các vi khuẩn nguy hại chiếm phần lớn. Đáng lo ngại hơn, cảnh báo mới đây của Bộ Y tế về loại vi khuẩn E.coli nguy hiểm biến chủng đang hoành hành ở châu Âu làm hàng ngàn người nhập viện cũng không loại trừ nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Hơn nữa, các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện, thức ăn đường phố có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli rất cao từ 70%-90% và bàn tay người làm dịch vụ, chế biến thực phẩm bị nhiễm E.coli cũng chiếm tới hơn 40%.
Chưa khẳng định giá đỗ tại Việt Nam bị nhiễm khuẩn Phản ứng trước thông tin, cơ quan chức năng ở Đức xác định nguồn lây lan vi khuẩn E.coli biến chủng đang làm nhiều người bị nhiễm trùng đường ruột và tử vong ở châu Âu là từ giá đỗ, PGS-TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: Qua kiểm tra hiện chưa có bằng chứng khẳng định giá đỗ tại Việt Nam bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, để ngăn ngừa vi khuẩn gây hại trên thực phẩm và phòng chống ngộ độc, Cục ATVSTP đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các loại thực phẩm có nguy cơ truyền nhiễm cao. Hơn nữa, hiện là mùa hè, thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nên người dân cần tuân thủ thực hiện các quy tắc đảm bảo ATVSTP. |
Khánh Nguyễn
Theo SGGP
0 nhận xét