Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, đa số các quốc gia Á châu đã thoát nghèo và trở nên thịnh vượng, xã hội từ chỗ hỗn loạn, dễ tổn thương đã trở nên tương đối có trật tự và ổn định về an ninh. Hơn thế nữa, các quốc gia đó đã đạt được các mục tiêu trên trong khi theo đuổi một thứ chủ nghĩa tư bản dân chủ. Chính sách của Hoa kỳ đã góp phần tạo nên những thành quả đó xét trên 3 phương diện: Sức mạnh được phô diễn của Mỹ là tấm lá chắn bảo vệ những thay đổi đó; Mô hình phát triển kinh tế và quy chuẩn Mỹ sau Thế chiến II đã tạo cảm hứng cho các quốc gia đó; Và khi cần thiết Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy những người bạn Châu Á đi theo những định hướng đúng đắn.
Cùng thời gian đó, một cách mỉa mai, chính sách của Hoa kỳ đã làm nảy sinh ra những thách thức mới cho chính mình. Có lẽ kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách của Hoa kỳ trong suốt nhiều năm kể từ khi chiến tranh Triều tiên kết thúc chính là TQ. Quốc gia này đã đắc lợi từ việc hình thành hệ thống kinh tế quốc tế do Mỹ chủ xướng và đặc biệt là sự thành công của chính sách ngăn chặn Liên Xô cũng như chủ trương của Hoa kỳ tiếp tục duy trì ưu thế quân sự của mình ngay cả khi Liên Xô đã sụp đổ. Thế nhưng TQ không như với các quốc gia Châu Á khác, đã không hề chấp nhận cái phần "dân chủ" trong tổng thể "CNTB dân chủ" và kết quả là con đường hiện đại hóa theo kiểu lai ghép có thể gây nguy hại cho tương lai hòa bình ở Châu Á về lâu dài nếu các nhà lãnh đạo TQ cố gắng sử dụng thế lực mới nổi của mình để thay đổi các trật tự địa- chính trị vốn đã hình thành.
Mục tiêu tham vọng của Trung Quốc chính là các đồng minh Châu Á của Mỹ vì lẽ định hướng tương lai của các quốc gia này sẽ có tầm ảnh hưởng không chỉ khu vực mà còn mang tính toàn cầu. Trong khi Hoa kỳ muốn tiếp tục một trật tự thương mại cởi mở và hòa bình ở khu vực, phát triển dân chủ và không phổ biến vũ khí hạt nhân thì chính phủ TQ lại có những ưu tiên khác.
Trước hết , TQ muốn có một Châu Á an toàn dưới sự lãnh đạo liên tục của mình. Điều này có nghĩa là phải tăng cường sức mạnh quân sự để gây áp lực chính trị lên xu hướng mở rộng tự do. Công thức này rõ ràng đã hoạt động khi TQ đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn thì lời kêu gọi cải cách chính trị của Phương Tây đã bị phớt lờ. TQ còn sử dụng quân đội để làm thất bại mọi mối đe dọa đòi ly khai trong nước hoặc từ phía Đài Loan. ĐCS hay quân giải phóng nhân dân (ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chia sẻ quyền ra quyết định của chính quyền Bắc kinh) đang tìm kiếm nhiều hơn quyền kiểm soát các vùng biển ngoại vi , cụ thể như Đông hải, Hoàng hải và Biển Nam Trung hoa.
Điều này đang diễn ra vì 3 lý do sau đây: Thứ nhất, Bắc kinh tin tưởng vững chắc rằng quyền lực mạnh hơn sẽ cho phép phủ quyết bất kỳ ai hoạt động gần bờ biển của mình. Thứ hai, TQ muốn sử dụng sức mạnh như công cụ đòn bẩy để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Nhật, Đài Loan và nhiều quốc gia ASEAN theo điều khoản riêng của mình đặt ra. Và cuối cùng, Bắc kinh muốn thể hiện quyền lực xa hơn trên biển nơi mà có phần lớn sự giao thương của họ đi qua. Những ước nguyện đó đã thách thức quyền lợi hợp pháp của các đồng minh Hoa kỳ ở Châu Á và đặt ra câu hỏi về độ tin cậy những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh này.
Điều đó không báo hiệu một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ xảy ra . Đó chỉ là một phép ẩn dụ để hiểu một thực tế mới hình thành mà thôi. Trong trường hợp này mức độ hội nhập kinh tế, thương mại gia tăng sẽ diễn ra đồng thời với quá trình chạy đua vũ trang khẩn trương không chỉ giữa TQ và Mỹ mà còn giữa các quốc gia trong khu vực . Để duy trì trật tự ở Châu Á chính phủ Mỹ sẽ tìm cách củng cố khả năng ngăn chặn xung đột, tái cam kết trách nhiệm bảo vệ đồng minh và khi cần thiết phải kiểm soát các tuyến đường hàng hải huyết mạch của hệ thống thương mại quốc tế.
Trái lại, TQ tìm mọi phương tiện để ép buộc và hăm dọa các láng giềng đồng thời thể hiện sức mạnh trên những vùng biển lân cận trong khi vẫn cố gắng phá hoại ngầm nhằm làm xói mòn lòng tin của các đồng minh Hoa kỳ vào khả năng Washington bảo vệ họ.
TQ còn đóng một vai trò khó xác định trong những thách thức đối với Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Một nhà nước Bắc Triều tiên không ổn định, được trang bị vũ khí hạt nhân có thể đe dọa cả Nam Hàn và Nhật bản với sức tàn phá chưa thể tính được, và nếu vào một ngày nào đó chế độ này sụp đổ thì chưa một ai có thể suy đoán được TQ sẽ phản ứng ra sao. Cuối cùng , các đối tác ASEAN - những quốc gia đang phải đối mặt với sự đe dọa của phong trào ly khai và thánh chiến Hồi giáo (Jihad) giờ đây còn thêm một gánh nặng là đấu tranh với những yêu sách của TQ về hành lang trên biển Đông Nam Á dẫn ra tới tận Ấn độ dương .
Washington thích ứng khá chậm chạp trước thực trạng này và đã đến lúc cần khẩn cấp suy tính và thiết lập lại hệ thống đồng minh của Hoa kỳ ở Châu Á . Hệ thống hình thành trong chiến tranh lạnh nhằm đáp ứng những mục tiêu lúc đó rõ ràng là không thể phục vụ được các mục đích hiện nay cũng như trong tương lai.
Ba đời Tổng thống trong một giai đoạn 20 năm chỉ điều chỉnh bên lề chiến lược của Hoa kỳ trước thực tế mới ở Á Châu. Trong một Châu Á- Thái bình dương đang chuyển biến nhanh chóng thì những thay đổi khiêm tốn của Hoa kỳ cũng tương đương với sự thất bại. Và sự thất bại đó cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên không có gì lại có thể nuôi dưỡng thất bại dễ hơn là chính thành công. Nhưng một khi đã thừa nhận điều đó thì cũng có thể hiểu rằng tình trạng này sẽ không thể kéo dài lâu hơn nữa.
Mục đích của tôi ở đây là phác thảo ra một cách sơ bộ mô hình an ninh ở Châu Á trong thời kỳ chiến tranh lạnh - hay còn gọi là mô hình " TRỤC BÁNH XE VÀ NAN HOA" đồng thời chỉ ra mô hình phù hợp để thay thế nó theo kiểu " ĐIỂM ĐỐI ĐIỂM".
Những nét phác thảo chủ yếu liên quan đến các vấn đề an ninh. Một điều chắc chắn là vấn đề đồng minh có tầm quan trọng hơn việc hoạch định một kế hoach quân sự rất nhiều, tuy vậy việc hoạch định lại là nền tảng của mọi cơ cấu đồng minh, bởi lẽ, nếu thất bại trong việc đặt nền móng thì chắc chắn sẽ dẫn đến sụp đổ mọi nỗ lực ban đầu.
Ảnh minh họa: AP |
Mô hình an ninh cũ (đã từng thành công) ở Châu Á như đã nêu trên, ban đầu dựa trên nguyên tắc của hệ thống "trục bánh xe và nan hoa" gồm các đồng minh Nhật bản, Nam Hàn, Australia, Thailand và Philppines. Washington còn có một đội ngũ các đối tác an ninh gần gũi tuy không là đồng minh như Đài Loan, Singapore và đôi khi cả Indonesia.
Ngoại trừ Australia có riêng hệ thống quân sự tầm cỡ quốc tế , các đồng minh khác trao đổi với Hoa kỳ theo cách giống nhau, đó là: đảm đương vai trò cung cấp cơ sở hậu cần, bến cảng cùng các dịch vụ hỗ trợ sự có mặt của quân đội Hoa kỳ ở nước họ. Một vài quốc gia đồng minh gửi quân hỗ trợ Hoa kỳ trong một số cuộc xung đột chẳng hạn như Afganistan, Iraq hay chiến tranh Việt nam trước kia. Để đổi lại, Hoa kỳ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh này.
Nhờ có sự trao đổi đó quân đội Mỹ có thể kịp thời phản ứng đối với các cuộc khủng hoảng từ những căn cứ tiền tiêu và tiếp viện cho các đơn vị trên đất liền ở Châu Á từ Thái bình dương. Có lẽ điều quan trọng nhất đó là chính sách của Hoa kỳ đảm bảo rằng nếu các quốc gia đồng minh bị đe dọa hoặc bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân thì Washington sẽ thay mặt họ để đáp trả lại đích đáng. Chiến lược đồng minh sau Thế chiến II không chỉ đóng góp cho hòa bình, ổn định và tăng trưởng ở Á Châu mà nó còn ngăn chặn Nhật bản và những nước khác trang bị vũ khí hạt nhân.
Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như Australia và Singapore là các đối tác độc lập của Hoa kỳ có thể tự bảo vệ mà không cần giúp đỡ nên cũng góp phần cho nền an ninh chung của khu vực. Đối với những trường hợp các đồng minh có tiềm năng như Nam Hàn , Nhật bản và Australia chính phủ Mỹ đã đàm phán bố trí một số sư đoàn nhân viên quốc phòng số lượng hạn chế.
Trong khi Washington đảm nhận việc ngăn ngừa tấn công chủ yếu thì Nhật bản tiến hành các hoạt động trình độ cao đối với hạm đội tàu ngầm trong suốt thời chiến tranh lạnh còn Nam Hàn nhận gánh vác trọng trách phòng thủ chống xâm lược bằng bộ binh. Australiacó thể tự phòng thủ và đã tham gia can thiệp vào một số hoạt động ở Nam Thái bình dương để đảm bảo sự ổn định vùng lãnh hải ngoại vi của mình.
Tuy nhiên tồn tại những mối quan hệ đối tác của Hoa kỳ ở Châu Á mang tính một chiều , đó là trường hợp của Đài Loan - chủ yếu là mua sắm, trang bị vũ khí Mỹ , trong khi đó Indonesia lại rất không kiên định trong việc xác lập bất cứ một kiểu mẫu hợp tác quân sự nào, và kể từ năm 1992, quân đội Mỹ đã rút khỏi căn cứ hải quân ở vịnh Subic cũng như căn cứ không quân Clark thì quan hệ đồng minh với Manila đã bị hạ xuống mức chỉ còn là hoạt động hỗ trợ chống khủng bố khá khiêm tốn.
Các đối tác mới tiềm năng như Ấn độ và Việt nam đang còn chờ sau cánh gà sân khấu nhưng ngay chính họ và cả Washington đều không xác định được tiêu điểm để tập trung mọi nỗ lực chiến lược vào đó. Các mối quan hệ đồng minh của Hoa kỳ như vậy chỉ là một tập hợp không đồng đều giữa sự hợp tác ở cấp độ cao với tiềm năng còn đang ẩn giấu và không có quy định rõ ràng về việc bên nào sẽ làm gì trong bối cảnh mang tính ngẫu nhiên.
Trong khi mô hình "trục bánh xe và nan hoa" được định hình một cách thực dụng bởi tính linh hoạt , đa mục tiêu nên đã cho phép Hoa kỳ (với vai trò "trục bánh xe") và các đồng minh (là các "nan hoa") phản ứng khá mềm dẻo và nhạy bén thì sự thách thức ngày nay mà TQ đang đặt ra lại làm cho tính phân công rõ ràng, minh bạch mang một tầm quan trọng đặc biệt.
Ngày nay, từng đồng minh một đều nêu lên sự cần thiết phải ràng buộc lẫn nhau trong một mạng lưới tập thể có thể giúp họ cùng hành động kịp thời , ngay cả khi không cần có Hoa kỳ.
Nhu cầu về tốc độ và sự rõ ràng trong trường hợp này phát sinh từ sức mạnh về không quân và tên lửa ghê gớm của quân Giải phóng nhân dân TQ cũng như các lực lượng hải quân trên mặt nước và tàu ngầm, cùng năng lực tác chiến gây chết người của các phương tiện điện tử, thông tin. Tất cả những yếu tố đó đang đe dọa khả năng đáp trả kịp thời của Mỹ từ các căn cứ tiền tiêu được tiếp viện bởi những cơ sở trên biển và trên không trung thuộc Bộ chỉ huy quân sự Thái bình dương.
Tên lửa và phi cơ TQ ngày nay có khả năng với tới những căn cứ đóng quân tiền đồn của Mỹ trong khu vực, hải quân TQ có thể ngắm bắn các tàu chiến Hoa kỳ trên mặt nước trong khi còn đang tiếp cận quân cảng của đồng minh. Vì lẽ lực lượng tàu ngầm của TQ đã được triển khai trong vùng Thái bình dương và năng lực tấn công chính xác ở tầm xa của họ được cải thiện nên khả năng điều hành và "quản lý đến từng con sóng" của Washington như Dean Rusk (nguyên Bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ dưới thời John Kennerdy và Lincon Johnson - ND) đã có lần nêu lên sẽ không còn là hiện thực nữa.
Sự đáp trả mang tính biểu tượng của Hoa kỳ đối với khủng hoảng ở Châu Á giờ đây trong trí nhớ của người dân khu vực chỉ còn là việc điều tàu chiến từ Yokosuka Nhật bản tới hải phận gần Đài Loan năm 1996 nhằm làm dịu cơn nổi giận bùng lên sau khi TQ thử tên lửa ở đó. Còn rất nhiều những ví dụ khác minh chứng cho đường lối của Hoa kỳ đối với vấn đề an ninh ở Châu Á, chẳng hạn như các cuộc tập trận gần đây trên biển Hoàng hải nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Bắc Triều Tiên.
Quả thực là cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Dennis .C.Blair từng nhận xét rằng quân đội Hoa kỳ đã kiên định triển khai sức mạnh ở Châu Á, đó là chiến đấu ở Triều tiên hay Việt nam, khôi phục lại sự có mặt của đội tàu chiến ở Ấn độ dương , ngăn chặn đảo chính ở Philippines, triển khai hoạt động nhận đạo rộng lớn ở Indonesia hay tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận hàng năm "làm cho quân đội Mỹ trở thành một bộ phận của của cơ cấu địa- chính trị khu vực" ( 1 ).
Tuy nhiên ngày nay chúng ta buộc phải ít tự tin hơn năm 1996 khi xảy ra vụ việc ở eo biển Đài Loan bởi vì TQ không chỉ có thể tiêu diệt phần lớn quân đội Đài Loan trước khi Washington kịp đáp trả mà họ còn có thể ngắm bắn các cảng của Nhật và các tàu của Mỹ trên đường tới bảo vệ hòn đảo này. Nhờ sự gia tăng lực lượng hơn trước kia nhiều nên TQ sẽ không dễ gì cho Mỹ sử dụng các vị trí tiền tiêu để tấn công mà không bị đánh trả đồng thời cản phá việc tiếp viện từ Thái bình dương. Hoạt động quân sự của Mỹ ở Châu Á giờ đây mang tính rủi ro cao hơn đối với các lực lượng của chính họ và cả các quốc gia hỗ trợ cho sức mạnh Hoa kỳ.
Sự việc còn tồi tệ hơn vì TQ đã có uy thế của các vũ khí quy ước đủ để đánh đòn phủ đầu và đã bố trí chúng dọc bờ biển duyên hải (điều này có nghĩa là TQ có khả năng tấn công phủ đầu cả Mỹ và các đồng minh trong khu vực), hơn nữa mối hiểm nguy của vũ khí hạt nhân cũng sẽ leo thang.
Tất cả các đồng minh của Hoa kỳ đều nhận thức rõ sự thay đổi này thế nhưng chưa có cuộc đối thoại liên minh chiến lược nào được tiến hành nhằm đưa ra một kế hoạch phối hợp hành động tập thể. Trái lại , từng quốc gia đồng minh lại tự mình bắt đầu một chương trình hiện đại hóa quân đội . Đa số các quốc gia này tiến hành hiện đại hóa đội tàu ngầm và khả năng chống tàu ngầm, trang bị khu trục hạm có hệ thống bảo vệ Aegis chống trả lại tối đa sự tấn công của tên lửa và máy bay, cải thiện năng lực điều hành tác chiến, điều khiển, liên lạc, vũ khí tin học, giám sát và do thám ( C4ISR ) , đồng thời mua thêm máy bay tiêm kích, tàu chiến cũng như tên lửa chống hạm.
Tuy nhiên có một nhận thức mang tính quy ước rằng các đồng minh sẽ không muốn phải lựa chọn giữa Hoa kỳ hoặc TQ mà rõ ràng họ đã có giải pháp : đó là phải tự cân bằng với sức mạnh đang lên của Trung hoa.
Trong bối cảnh đó Washington cần phải ủng hộ những định hướng của đồng minh đồng thời cần gắn kết chúng lại . Không có một đồng minh riêng rẽ nào đủ tiềm lực để hoàn thành tất cả những nhiệm vụ chiến lược đang đặt ra trước khu vực. Và , trong lúc Mỹ hoan nghênh quá trình hiện đại hóa quân đội của các quốc gia đồng minh thì vẫn cần phải ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường năng lực cạnh tranh của mình ở khu vực.
Để thực hiện cả hai chiến lược đó Washington vẫn phải là người gìn giữ an ninh khu vực , do vậy Hoa kỳ cần nhận được sự hợp tác nhiều hơn trước kia.
Một tin tốt lành là trong 10 năm tới đa số các quốc gia đồng minh sẽ được trang bị nhiều thiết bị tương thích trong vận hành với khí tài của quân đội Mỹ. Đó là điểm khởi đầu tốt đẹp để hình thành nên một liên minh nhiều bên gắn kết với nhau hơn. Đa số các bạn bè của Hoa kỳ sẽ có máy bay chiến đấu thế hệ 5 chẳng hạn như F-35 hoặc thế hệ 4 như F- 16 và F- 18 , tàu ngầm Diesel và khu trục hạm có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis.
Tin không vui là thói quen hợp tác hãy còn rất khiêm tốn, di sản của sự nghi kỵ giữa một số quốc gia đồng minh của Hoa kỳ hãy còn đáng kể và mối hiềm khích có liên quan tới vấn đề chủ quyền phát sinh hàng trăm năm trước từ thời thực dân để lại vẫn sẽ là vấn đề gay gắt trong một liên minh nhiều bên. Hơn nữa, bản thân Washington còn đang gắn bó sâu sắc với mô hình đồng minh hiện nay. Cuối cùng thì sau những sự phản đối om xòm và vận động nỗ lực TQ đã ra điều kiện cho khu vực về việc dành quyền ưu tiên phản đối mọi đề nghị tiến tới một sự gia tăng gắn kết liên minh.
Quả là khó khăn để khắc phục những cản trở này nhưng tương lai của Châu Á đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn để vượt lên. Khái niệm về một chiến lược được chia xẻ nhắm tới hành động liên minh gắn kết sẽ làm gia tăng độ rủi ro đối với bất kỳ kẻ xâm lược nào nếu chúng xuất hiện.
Mục tiêu của đồng minh là cho kẻ xâm lược biết rằng nếu tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ đánh thức sự tức giận của mọi thành viên còn lại. Cách tiếp cận này sẽ củng cố đáng kể sự ổn định khu vực.
Hơn nữa có những lý do vững chắc xét về phương diện hoạt động thực tế ủng hộ một liên minh gắn kết chặt chẽ hơn : chẳng hạn như không thể bảo vệ Nam Hàn hay Đài Loan nếu như không có hỗ trợ từ phia Nhật bản , hoặc như để bảo đảm hành lang an toàn đi từ Thái bình dương sang Ấn độ dương không thể không có sự hỗ trợ từ phía Singapore, Ấn độ, Indonesia và Australia. Và trên hết, không còn cái thời mà Washington đóng vai trò gìn giữ hòa bình mà không cần sự hỗ trợ từ phía các đồng minh của mình. Không thể có tự do hành động trên Thái bình dương hay vùng biển Châu Á , đã đến lúc cần tới nhiều hơn sự trợ giúp từ các đồng minh nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột và đáp trả chúng kịp thời .
Còn tiếp....
TS. Phạm Gia Minh dịch từ American Interests" số tháng 5-6 /2011
Tuần Việt Nam
0 nhận xét