Cuộc không kích Libya của liên minh Pháp-Anh-Mỹ và sau đó của NATO đã bước vào ngày thứ 100 hôm 27-6 vừa qua. Cùng ngày, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi
Quyết định phát lệnh bắt “lãnh tụ và người dẫn đường Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Libya” – chức danh chính thức của ông Gaddafi ở Libya - đã được đưa ra trong một phiên tòa của ICC tại The Hague-Hà Lan, với tội danh phạm tội ác chống nhân loại. Ông Gaddafi là nguyên thủ quốc gia thứ hai bị ICC truy nã về tội danh nói trên sau tổng thống Sudan Omar el-Bechir. Ông này, ngoài tội chống nhân loại, còn bị khép tội diệt chủng và tội phạm chiến tranh sau những gì xảy ra ở Darfur.
Lãnh tụ Muammar Gaddafi. Ảnh: Reuters
Chống nhân loại ?Ông Gaddafi cũng không phải là người duy nhất ở Libya bị ICC “chiếu tướng”. Ngoài trát bắt ông Gaddafi, ICC cũng phát hai lệnh bắt khác đối với Saif al-Islam, con trai trưởng của bà vợ hai ông Gaddafi và thủ trưởng cơ quan tình báo Abdallah al-Sanussi, em rể nhà lãnh đạo Libya, với cùng tội danh.
ICC chỉ mất 47 ngày để hoàn tất thủ tục phát lệnh bắt giữ ba thành viên gia đình ông Gaddafi. Ngày 17-5, trưởng công tố viên của ICC Luis Moreno-Ocampo chính thức yêu cầu ICC phát lệnh bắt giữ ông Gaddafi với tội danh phạm tội ác chống nhân loại. Trước đó, ông Moreno-Ocampo đã mở cuộc điều tra theo tinh thần nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ ngày 3-3 và hoàn tất công việc cách đây hơn một tháng. Ngày 27-6, ICC đã thông qua kết luận điều tra và chính thức phát lệnh bắt theo yêu cầu của trưởng công tố viên.
Cả ba người trong gia đình ông Gaddafi, theo hồ sơ công tố của ICC, “đã lên kế hoạch, ra lệnh và tham gia những cuộc tấn công nhắm vào thường dân” ở thủ đô Tripoli, thành phố Benghazi (hiện nằm trong tay phe nổi dậy) và thành phố Misrata kể từ ngày 15-2 cho đến “ít nhất” ngày 28-2.
Thông cáo của ICC do bà Sanji Monageng, Chánh án ICC, đọc hôm 27-6, cho biết tòa án này đã thu thập được những “chứng cứ hợp lý” để tin rằng cả ba nghi phạm “chịu trách nhiệm về những vụ giết hại, bắt bớ và giam cầm hàng trăm người biểu tình là thường dân và những người bất đồng chính kiến với tư cách là người gián tiếp hoặc đồng phạm tội”.
Phong trào biểu tình đòi dân chủ dân sinh chống chính quyền ông Gaddafi khởi đầu từ tháng 2 năm nay tiếp theo sau cuộc Cách mạng Hoa lài ở Tunisia và những cuộc nổi dậy của dân chúng ở Ai Cập và ở các nước Ả Rập khác. Sau đó là cuộc nội chiến giữa phe nổi dậy tập hợp dưới ngọn cờ Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (CNT) và chính quyền ông Gaddafi.
Theo thông cáo của ICC, hậu quả là có hàng ngàn thường dân bị giết, gần 650.000 dân Libya chạy ra nước ngoài và 243.000 người chạy giặc trong nước. Ông Moreno-Ocampo tố cáo ông Gaddafi đích thân ra lệnh đàn áp thẳng tay những người biểu tình và bất đồng chính kiến.
Saif al-Islam, theo trưởng công tố ICC, tuy không có tên trong chính phủ nhưng trên thực tế đóng vai trò thủ tướng Libya, là người tổ chức tuyển mộ lính đánh thuê máu lạnh giết hại dân lành. Còn Abdallah al-Sanussi, cánh tay mặt của ông Gaddafi, là người đứng ra tổ chức những cuộc đàn áp đẫm máu.
Thông cáo ICC nhấn mạnh rằng “việc bắt giữ các nghi phạm là cần thiết nhằm ngăn cản họ dùng quyền lực tiếp tục phạm các tội thuộc quyền tài phán của tòa án”.
Công cụ của phương Tây
Đài truyền hình Mỹ CNN ngày 28-6 dẫn lời ông Moreno-Ocampo cho biết ICC đang tìm cách cáo buộc thêm cả ba người nói trên tội khuyến khích quân lính hiếp dâm đàn bà con gái phe địch nhưng chưa tìm thấy đủ chứng cứ.
Ông trưởng công tố viên khẳng định việc hãm hiếp dân lành là có thật nhưng không thể chứng minh rằng ông Gaddafi cung cấp thuốc kích dục Viagra cho binh lính chính phủ và ra lệnh họ làm chuyện đó với mục đích gây sợ hãi, như một số tờ báo phương Tây tường thuật.
Tòa án Hình sự Quốc tế. Ảnh: EPA
Theo tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur, trước khi ICC phát lệnh bắt, ngay trong ngày chủ nhật (26-6 ), Libya đã bác bỏ thẩm quyền của ICC. Ông Moussa Ibrahim, người phát ngôn của Chính phủ Libya, tuyên bố ICC đã “nhắm vào người châu Phi một cách bất công mà không đếm xỉa gì đến những tội ác của NATO ở Afghanistan, Iraq và bây giờ ở Libya”.Chiều 27-6, Libya tiếp tục bác bỏ quyền tài phán của ICC. Ông Mohammed al-Qamod, Bộ trưởng Tư pháp Libya, tố cáo ICC là “công cụ của thế giới phương Tây chống lại các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba”. Ông này tuyên bố: “Lãnh tụ cách mạng và con trai của ông không giữ chức vụ nào trong chính phủ, do đó không liên quan gì đến những cáo buộc của ICC. Tòa án này không là gì cả ngoài chuyện bảo kê các hoạt động quân sự của NATO”.
Ai bắt?
Theo ông Moreno-Ocampo, ICC không có quyền vào Libya để bắt giữ ông Gaddafi cùng con trai và con rể của ông. “Với tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Libya có trách nhiệm thực hiện lệnh bắt mặc dù Libya không ký Quy chế Rome cho phép thành lập ICC”- ông Moreno - Ocampo nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là quân nổi dậy được khuyến khích bắt ông Gaddafi và hai cộng sự thân tín nhất.
Đáng chú ý là ngày 28-6, ông Moreno-Ocampo chính thức kêu gọi những người cộng sự của ông Gaddafi bắt ông này để giao nộp cho ICC kèm theo lời đe dọa nếu không thực hiện có thể bị ICC truy tố.
Tòa án ICC cũng không yêu cầu lực lượng quốc tế hoạt động ở Libya bắt giữ các nghi phạm. Do đó, NATO đã nói rõ trong một cuộc họp báo hôm 28-6 ở Naples -Ý, nơi ban chỉ huy chiến dịch không kích Libya đặt trụ sở, rằng NATO sẽ không bắt ai vì đó không phải là nhiệm vụ của tổ chức này. n
Kỳ tới: Không giết được thì bắt
VĂN ANH
Theo NLĐ
TIN KHÁC:
0 nhận xét