Một nghiên cứu mới của LHQ vừa công bố cho biết các chương trình kinh tế khắc khổ được nhiều nước công nghiệp tiên tiến thực hiện sau khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 đang phá hoại tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
- Nguy cơ khủng hoảng xã hội
Theo LHQ, việc cắt giảm chi tiêu y tế, giáo dục và các chương trình xã hội khác ở cả nước giàu và nước nghèo đang đe dọa đẩy lùi tiến bộ xã hội, ngăn chặn tạo việc làm mới và làm lệch các nỗ lực xóa đói nghèo. Nghiên cứu của LHQ nhấn mạnh sức ép thực hiện các biện pháp khắc khổ kinh tế đang tăng lên vì các lý do củng cố kinh tế đã đặt các chương trình y tế, giáo dục và bảo hiểm xã hội cũng như các biện pháp phục hồi kinh tế trước nhiều nguy cơ. Nếu các chính phủ nhượng bộ trước sức ép này, sự bền vững của tiến trình phục hồi kinh tế sẽ bị phương hại, làm tiến trình này không ổn định và trở nên mong manh.
Người dân Hy Lạp tiếp tục biểu tình phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ. |
Nghiên cứu này cảnh báo các biện pháp kinh tế khắc khổ ở các nước có nền kinh tế gặp khó khăn như Hy Lạp thực sự đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các biện pháp kinh tế khắc khổ, được áp dụng để đối phó với tình trạng vay nợ nặng nề của chính phủ ở các nền kinh tế tiên tiến, không chỉ đe dọa việc làm ở khu vực công mà còn làm bất ổn định tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Các chính phủ cần tính đến những tác động xã hội khi hoạch định các chính sách kinh tế quốc gia sau khủng hoảng.
LHQ chỉ trích các điều kiện ngặt nghèo của những định chế tài chính, trong đó có IMF, đối với các nước vay. Tại Hy Lạp, để được vay 28 tỷ EUR, nước này phải cam kết với IMF cắt giảm ngân sách đồng thời tăng thuế nếu không sẽ không được nhận thêm các khoản vay khác trong tổng số 110 tỷ EUR dự kiến dành cho Hy Lạp. Nếu nhắm mắt áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ để nhận tiền vay, không tính đến tác động về mặt xã hội sẽ dẫn tới hậu quả khó lường trong cuộc chiến chống đói nghèo, làm tăng thất nghiệp, tăng các vụ bạo động…
Những gì LHQ nhắc nhở đã từng xảy ra tại Indonesia trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1999. Indonesia đã “nhắm mắt đưa chân” theo IMF để có các khoản vay và hậu quả khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng xã hội, người nghèo đói gia tăng, bạo lực bùng phát. Cuối cùng Tổng thống lúc bấy giờ là ông Suharto buộc phải rời khỏi chính trường sau những cuộc biểu tình dẫn đến bạo động năm 1999.
Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia cương quyết không thực hiện các điều kiện của IMF, tiếp tục kích thích kinh tế, hỗ trợ người lao động bằng các chính sách xã hội. Malaysia đã vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, đến nỗi IMF phải thừa nhận rằng mình đã sai lầm.
- Cần tiếp tục kích thích kinh tế
Cũng theo LHQ, trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế cũng như các biện pháp phục hồi kinh tế khác để tiếp tục tạo đà hồi phục kinh tế cũng như bảo vệ các khoản đầu tư về mặt xã hội và kinh tế rất cần thiết cho tăng trưởng sau này. Bản báo cáo trên được trụ sở LHQ ở Geneva nghiên cứu với sự chủ trì của Trợ lý Tổng thư ký LHQ Jomo Kwame Sundaram.
Theo chuyên gia kinh tế từng giảng dạy tại đại học Havard và Yale này, một số nước châu Á đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi kinh tế, trong đó có doanh thu về xuất khẩu gia tăng. Tuy nhiên, theo ông, việc các nước phương Tây thực hiện những chương trình kinh tế khắc khổ sẽ làm giảm thu nhập của người tiêu dùng dẫn đến giảm nhu cầu hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước châu Á.
Hiện nay, ngoài Hy Lạp buộc phải thực hiện chương trình thắt lưng buộc bụng về kinh tế để nhận các khoản vay từ EU-IMF, các nước khác như Ireland, Tây Ban Nha và cả Anh cũng đang thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu trong đó cắt giảm dịch vụ công, giảm lương, giảm ngân sách chi cho giáo dục, y tế… Trong khi đó, theo LHQ, các biện pháp cải tổ hệ thống tài chính tại các nước phát triển vẫn chưa tiến triển, thậm chí ngành tài chính có thể tiếp tục đe dọa gây khủng hoảng kinh tế như những năm 2008-2009.
LHQ cho biết, cần có các biện pháp cấp bách để giúp đỡ 200 triệu người thất nghiệp trên thế giới hiện đang có nguy cơ đói do giá lương thực tăng cao. Con số 1 tỷ người đói trên thế giới sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009 đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
KHÁNH MINH
Theo SGGP
0 nhận xét