Trong bối cảnh khá nhạy cảm của nền kinh tế, Ngân hàng Thế giới và Văn phòng Chính phủ đã rất kịp thời tổ chức "Hội thảo về bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động phúc lợi" ngày 28 tháng 6. Hội thảo động chạm đến những vấn đề nóng nhất hiện tại như kết quả "siết" tín dụng theo Nghị quyết 11, an sinh xã hội, tình trạng việc làm suy giảm, CPI phi mã, tác động giá cả với người nghèo...
Có ý kiến đánh giá lạm phát đã giảm và cho rằng nên có lộ trình nới lỏng, tránh "sốc" cho thị trường, một "nguy cơ" của thắt chặt tín dụng ba tháng qua. Ngay lập tức, và đáng mừng thay, đã có sự chấn chỉnh từ phía các chuyên gia, rằng không nên nhìn vào những con số mới chớm lạc quan, mà thực chất chỉ là bớt bi quan, để lại một lần nữa sa vào cái bẫy lập chính sách ngắn hạn gần chục năm qua.
Một điều quan trọng mà nhóm ý kiến "phản tỉnh" này đưa ra là chính sách nên được xây dựng trên cái nhìn tổng thể về ổn định kinh tế để phát triển bền vững hay sự lo âu về thiệt hại nào đó của các nhóm lợi ích. Dường như sự kêu than của nhiều nhóm lợi ích đã bắt đầu tới tai các nhà hoạch định chính sách và tạo ra được một sự cảm thông sâu sắc.
Thực chất Nghị quyết 11 mới đi vào cuộc sống được 3 tháng. Ba tháng - thời gian không bằng một vụ mùa của người nông dân, nhưng dù có mất mùa thì người nông dân xưa nay vẫn chịu đựng mà hầu như không được "yểm trợ" gì từ chính sách. Còn các nhóm lợi ích mà "mùa gặt" tiền tỉ của họ bấy lâu gắn liền với van tín dụng "đóng" hay "mở" xem ra ít kiên nhẫn và có sức chịu kém hơn rất nhiều nhóm lao động đông đảo trên bờ ruộng.
Có khá nhiều các ý kiến lo âu đã xuất hiện trên báo chí gần đây về thị trường bất động sản. Nào là còn lâu Việt Nam mới nổ bong bóng nhà đất, nào là không nên đánh đồng bất động sản và xây dựng với lĩnh vực phi sản xuất.
Đã có những dấu hiệu ban đầu của một chiến dịch vận động hành lang cho việc nới lỏng chính sách ổn định vĩ mô mà Nghị quyết 11 phải rất vất vả mới cam kết được sự thực thi.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước đều đánh giá cao "liều thuốc đắng" mà Nghị quyết 11 đã "kê toa". Đồng thời họ cũng cho rằng, cách hoá giải lượng khổng lồ Vitamin các loại hiệu ODA, FDI, FII (đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán, v.v.), và đặc biệt là ĐTC (đầu tư công) tiêm vào nền kinh tế mấy năm qua chỉ có thành công nếu các giải pháp của Nghị quyết 11 được kiên trì thực hiện.
Một khi thông điệp do các quan chức đưa ra thiếu nhất quán, thị trường, vốn dĩ được rèn luyện nhiều năm qua để trở nên vừa ngây thơ vừa vụ lợi, sẽ tiếp tục chạy theo những toan tính ngắn hạn. Nền kinh tế vốn dĩ dễ bị thao túng và xáo trộn sẽ tiếp tục đi theo hướng phát triển giật cục nếu những người cầm lái không vững tay điều tiết một tốc độ hợp lý.
Theo Tuần Việt Nam
0 nhận xét