Theo công văn vừa gửi Cục Hải Quan các thành phố hôm 21/6, Bộ Tài chính cho phép tiếp tục thông quan và tạm thời tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng đối với các lô hàng linh kiện ôtô nhập khẩu có 1 chi tiết có mức độ rời rạc thấp hơn quy định của bộ KHCN.
Nội dung chỉ đạo này đã thay đổi ngược lại với ý kiến trước đó của chính Bộ Tài Chính. Hôm 1/6, bộ này đã có công văn yêu cầu hải quan làm đúng quy định của bộ KHCN, nghĩa là nếu bộ linh kiện có 1 chi tiết có mức độ rời rạc thấp hơn mức yêu cầu thì phải nộp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc. Đồng thời, bộ còn yêu cầu hải quan kiểm tra toàn bộ các lô hàng nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa này, nếu doanh nghiệp kê sai mức thuế thì phải chịu ấn định tiền thuế, truy thu hoặc cưỡng chế nộp thuế.
Theo Bộ Tài Chính, việc nới lỏng này nhằm tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian chờ Bộ Công Thương và Bộ KHCN kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp lắp ráp ôtô về độ rời rạc của các linh kiện phụ tùng nhập khẩu.
Bộ Tài Chính lại vừa có văn bản chỉ đạo ngược lại, tạm thời nới lỏng việc nhập khẩu mặt hàng này để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Huyền |
Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng cho phép đối với số tiền thuế ấn định tăng lên theo mức thuế suất của ôtô nguyên chiếc, hải quan tạm thời chưa thực hiện trình tự thanh toán tiền thuế cũng như chưa cưỡng chế nộp thuế theo quy định. Điều kiện để được hưởng cơ chế thông thoáng này là các doanh nghiệp lắp ráp xe phải có văn bản cam kết với hải quan về việc sẽ tuân thủ theo kết luận kiểm tra cuối cùng.
Theo biểu thuế áp dụng từ 1/1/2011, thuế suất linh kiện, phụ tùng ôtô chỉ dao động từ 0-26%. Với các dòng xe du lịch, thuế suất xe nguyên chiếc từ 72% đến 82%. Với các dòng xe vận tải thông thường, thuế suất xe nguyên chiếc là 150%. Hiện nay, chính sách thuế liên quan đến ngành ôtô đều theo hướng, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc bị đánh cao hơn nhiều so với thuế linh kiện phụ tùng nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, với các dòng xe tải chuyên dụng phục vụ một số ngành đặc thù, thuế suất xe nguyên chiếc chỉ khoảng 15%, thấp hơn nhiều so với thuế linh kiện phụ tùng. Vì thế, một số doanh nghiệp lắp ráp xe chuyên dụng lại đang có kiến nghị xin ưu đãi theo hướng được áp thuế của xe nguyên chiếc thay vì tính thuế từng linh kiện.
Theo tin từ Tổng Cục Hải Quan, mới đây, có các trường hợp như công ty CP ôtô TMT dự kiến nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và ôtô sắt si có trọng tải 500kg- 8 tấn để lắp ráp thành xe đông lạnh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Vinacomin thuộc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam dự kiến nhập linh kiện, xe sắt xi, hệ thống xy- lanh ben thủy lực...để lắp ráp thành xe tải tự đổ dùng trong công trường khai thác than. Các đơn vị này cam kết sẽ lắp ráp thành chuyên dụng hoàn chỉnh đúng mục đích, có xác nhận của Cục Đăng Kiểm, nếu sai, sẽ xin chịu truy thu theo thuế suất của xe tải thông thường.
Đối chiếu với Thông tư 184/2010 của Bộ Tài Chính, trên thực tế, chính sách thuế hiện hành cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập xe nhóm này. Nếu tổng tiền thuế linh kiện phụ tùng để lắp xe tải chuyên dùng cao hơn tiền thuế xe nguyên chiếc chuyên dùng thì doanh nghiệp sẽ được hoàn trả lại phần thuế chênh lệch.
Theo VEF
0 nhận xét