Đứng về góc độ người dân, nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng: “Mua vàng, tích trữ vàng vừa là thói quen vừa là kênh đảm bảo an toàn vốn của cá nhân, gia đình, nên nghị định về quản lý vàng vẫn phải đảm bảo nhu cầu này”.
Sòng phẳng hơn
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, thông tin trên đã giúp thị trường ấm hơn, thanh khoản được cải thiện. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho biết, hôm qua (20/6), tình hình mua bán vàng miếng đã tốt hơn so với trước, dù giá vàng trong nước cuối ngày vượt ngưỡng 38 triệu đồng một lượng, mua vào – bán ra từ 38,03 – 38,09 triệu đồng. Trong ngày, giao dịch mua vào – bán ra tại đơn vị này tương ứng mức 1.600 – 400 lượng. Tương tự, SJC và SBJ giao dịch cũng trên 2.000 lượng mỗi ngày.
Còn sự hoài nghi về dự thảo quản lý, kinh doanh vàng miếng vừa được NHNN đưa ra. Ảnh: TNLinh. |
“Khi nhà đầu tư xóa bỏ được tâm lý không chỉ có giao dịch bán mà vẫn có thể mua, được quyền tích trữ, thì thị trường lập tức cải thiện”, bà Cúc cho biết. Theo bà Cúc, dự thảo về việc sẽ cấp phép cho doanh nghiệp nào đủ năng lực, đủ vốn kinh doanh vàng miếng là đúng và cần thiết. “Tôi nghĩ, nếu dự thảo này được thông qua, sẽ khiến kinh doanh trên thị trường vàng vật chất sòng phẳng hơn, nhất là vấn đề vốn và đóng thuế. Hiện, việc đóng thuế của doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn theo hai dạng: thuế khoán và thuế theo kê khai. Có doanh nghiệp bán bao nhiêu vàng cũng chỉ chịu từng đó thuế mỗi tháng, trong khi có những doanh nghiệp bán một chỉ vàng cũng phải tính thuế. Kinh doanh như vậy là chưa sòng phẳng, cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp có định hướng, chiến lược phát triển tốt chưa cao…”, bà Cúc cho biết.
Dễ sinh cơ chế “độc quyền”?
Ông Nguyễn Trung Anh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng Vina, nhận xét: “Phản ứng của thị trường đối với dự thảo này là rất chậm, hoặc có thể nói thẳng là không phản ứng. Vì thực tế, dự thảo này chẳng có điểm gì khác so với tình hình quản lý kinh doanh vàng miếng hiện nay. Có chăng chỉ thu hẹp doanh nghiệp được phép bán vàng miếng”.
Ông Trung Anh quan ngại, nếu dự thảo này được thực thi sẽ bóp méo thị trường và sinh ra cơ chế độc quyền trong kinh doanh vàng miếng. Dự thảo này chỉ tốt cho doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng, còn giao dịch nói chung không khác nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý vàng so với hiện nay sẽ khó khăn hơn, vì các công ty lớn được cấp phép sẽ sinh ra độc quyền. Thị trường sẽ phổ biến hàng loạt loại vàng miếng, không thể quản lý. Trong khi đó, do được cấp phép, các công ty lớn sẽ xuất nhập khẩu và bán với giá không phù hợp với giá thị trường. “Như thế giá vàng sẽ méo đi, càng khó quản lý. Và lúc này lợi nhuận, thị trường sẽ nằm trong tay doanh nghiệp lớn”, ông Trung Anh chia sẻ.
Để quản lý thị trường vàng tốt hơn, ông Trung Anh cho rằng, cần quản lý theo kiểu chứng chỉ vàng (vàng giấy). Theo đó, các công ty hiện nay vẫn được phép kinh doanh vàng bình thường, nhưng là kinh doanh chứng chỉ do NHNN ban hành. Việc dập vàng miếng hay không chỉ duy nhất NHNN được phép làm. Người dân và doanh nghiệp được mua bán vàng nhưng là mua bán vàng miếng. Khi có nhu cầu đổi chứng chỉ đó ra vàng thật thì có thể đến NHNN để đổi, nhưng chỉ được đổi với mục đích chế tác. Còn người dân muốn đổi chứng chỉ để lấy vàng thật thì chỉ được phép lấy vàng nguyên liệu (vàng hạt hay vàng kg). “Nếu phải giữ cả một khối to, người dân cũng sẽ chẳng giữ làm gì, họ chỉ giữ chứng chỉ hoặc mua nữ trang để đeo. Như vậy, dòng tiền từ vàng vừa đi vào lưu thông được, mà thị trường sẽ dễ quản lý”, ông Trung Anh nói.
Theo Dự thảo, người dân, tổ chức vẫn được mua, bán vàng miếng tại những nơi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán sẽ bị coi là phạm pháp. |
Theo Đất Việt
0 nhận xét