Đầu tiên là vụ mua bán trao tay trái phép căn hộ số 1702 tại dự án CT1, Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ quan công an phát hiện bà Cao Thị Loan, người được suất mua nhà thu nhập thấp đã bán căn hộ này với giá 1,1 tỉ đồng cho người khác. Vi phạm này là nghiêm trọng bởi pháp luật nghiêm cấm việc mua bán nhà thu nhập thấp.
Nộp hồ sơ mua nhà thu nhập thấp tại dự án Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) - Ảnh: Đức Minh |
Sau khi vụ việc bị phát hiện, trong khi chủ đầu tư dự án CT1 - Công ty CP Vinaconex Xuân Mai - còn đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao thì bà Loan đã nhanh chân dọn luôn tới căn hộ 1702. Tới nay, dù thành phố đã hơn một lần thúc giục, yêu cầu niêm phong căn hộ, chấm dứt hợp đồng mua nhà với bà Cao Thị Loan nhưng Vinaconex Xuân Mai vẫn chưa làm được bởi "lo ngại sức khỏe của bà Loan".
Tiếp sau vụ việc trên, cơ quan công an đã phát hiện thêm 4 trường hợp bất thường khác. Đó là các hộ ông Đoàn Viết Long tại căn hộ số 1707; ông Nguyễn Toàn Thắng mua căn hộ 510-C7; ông Nguyễn Công Giao mua căn hộ 915-C9; bà Đặng Thị Oanh mua căn hộ 1104-C2. Các trường hợp này không mua bán trái phép nhưng lại thuộc diện không đủ điều kiện là đối tượng được mua nhà thu nhập thấp. Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án - Công ty CP Vinaconex Xuân Mai - kiểm tra lại hồ sơ để xem xét việc chấm dứt hợp đồng mua bán nhà thu nhập thấp đối với các hộ gia đình này.
Chưa hết, tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) - vừa bốc thăm suất mua nhà đầu tháng 6.2011, một đối tượng tên Nguyễn Ngọc T. đã gửi đơn tới Sở Xây dựng Hà Nội để "tự thú" về việc đã có miếng đất rộng 82m2 với giấy chứng nhận mang tên mình nhưng vẫn "lỡ" trúng suất mua nhà giá rẻ! Được biết, cũng tại dự án này, có một cán bộ cấp phường ở Hà Nội sau khi thấy "động" cũng đã tự giác rút đơn, không tiếp tục đăng ký mua nhà thu nhập thấp nữa.
Tạm bịt kẽ hở
Thừa nhận quy định mua bán nhà thu nhập thấp còn có những kẽ hở, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) thanh minh: "Đây là chính sách mới nên khó tránh khỏi việc chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh khi triển khai thực tế". Xét duyệt hồ sơ là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm. Ông Đạm nói: "Quy trình là chặt chẽ, cơ quan công an cũng khẳng định không có hiện tượng "cò" trong mua bán nhà giá rẻ. Hội đồng xét duyệt cũng được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo không có người thân quen nào tham gia mua nhà. Dẫu vậy, do các mẫu đơn xác nhận chưa thực sự hoàn thiện, vẫn có một vài trường hợp gian lận được...".
Đứng ở ngoài nhìn vào các vụ việc liên quan tới nhà thu nhập thấp vừa qua, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, ông Lê Khắc Hiệp nói, thật khó cho doanh nghiệp khi phải đứng ra xét duyệt hồ sơ mua nhà giá rẻ. Làm sao mà chủ đầu tư đủ lực lượng đi tìm hiểu xem hàng nghìn người nộp hồ sơ đó có nhà hay chưa hay có đúng thu nhập thấp không? Việc này nên giao cho cơ quan Nhà nước.
Trước hiện trạng 21% số hộ mua nhà tại dự án CT1 đang bỏ hoang căn hộ, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, sở này đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp trên toàn thành phố bổ sung một số nội dung mới vào hợp đồng mua bán căn hộ. Cụ thể, sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ, nếu bên mua không đến ở thì coi như không có nhu cầu ở và cơ quan quản lý sẽ thu hồi căn hộ.
Ngoài ra, để hạn chế các đối tượng dùng thủ thuật "ở nhờ" để bán trao tay căn hộ, Sở Xây dựng yêu cầu thêm vào hợp đồng điều khoản "nếu bên mua cho người khác sử dụng nhà hoặc vi phạm quy chế quản lý nhà thì sẽ chấm dứt hợp đồng mua nhà". Cùng với đó, hồ sơ mua nhà sẽ bao gồm cả ảnh chân dung các thành viên hộ gia đình tránh trường hợp sau này các hộ sẽ lần lữa, nại các lý do khác nhau để không nộp ảnh. Ông Nguyễn Quốc Tuấn nói: "Việc ghi thêm vào hợp đồng chỉ là tạm thời. Tuần tới, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị TP sửa đổi quy định mua bán nhà thu nhập thấp theo hướng trên, để đảm bảo chặt chẽ hơn, ngăn chặn được sự gian lận khi làm hồ sơ...".
Theo Thanh Niên
0 nhận xét